Bất ngờ với kế hoạch tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Giữa lúc dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các ngành nghề, khiến nhiều DN phải đặt kế hoạch đi lùi, thậm chí lỗ trong năm 2020, thì vẫn có những DN có nhận định khả quan về triển vọng của riêng mình và đề ra những kế hoạch tăng trưởng ấn tượng.

Sợi Thế Kỷ "lội ngược dòng" với kế hoạch tăng trưởng khi tình hình chung của ngành dệt may đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: ST.

Kế hoạch tăng trưởng giữa mùa dịch

Mới đây, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020 của Công ty CP Nhựa An Phát Xanh - nhà xuất khẩu bao bì nhựa lớn nhất Việt Nam, đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 với doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 550 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 8% và 12% so với kết quả đạt được năm 2019.

Để đạt được các chỉ tiêu trên, ban lãnh đạo của công ty dự kiến sẽ phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước, trong đó chú trọng lĩnh vực xuất khẩu vào các thị trường tiêu thụ lớn ở châu Âu, châu Úc, đặc biệt là Nhật Bản và Hoa Kỳ, đồng thời tiếp tục phát triển các sản phẩm nhựa thân thiện môi trường tại thị trường nội địa.

Cùng với đó, trong năm 2020, công ty sẽ đầu tư thêm khu công nghiệp (KCN) mới tại Hải Dương là KCN An Bình Quốc Tuấn để tạo động lực tăng trưởng trong các năm tới. Dự kiến trong giai đoạn 1, KCN An Bình Quốc Tuấn sẽ khai thác 180 ha và hoàn thành vào cuối năm 2020. Công ty cũng sẽ đầu tư ra nước ngoài thông qua việc góp vốn vào An Phat International INC tại Hoa Kỳ để đầu tư kinh doanh các sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn tại thị trường Bắc Mỹ.

Ngành dệt may vốn là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề từ sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 tại nhiều thị trường lớn như Mỹ và EU. Tuy nhiên, một DN trong ngành này là Công ty CP Sợi Thế Kỷ vẫn tự tin đặt chỉ tiêu kinh doanh tăng trưởng cao trong năm 2020. Sợi Thế Kỷ dự kiến doanh thu đạt 2.558 tỷ đồng, tăng trưởng 14,8% và lợi nhuận sau thuế đạt 234,8 tỷ đồng, tăng 9,5%.

Theo ban lãnh đạo của Sợi Thế Kỷ, công ty đã chuẩn bị “sân chơi” riêng cho chính mình từ năm 2016 với việc trang bị cho mình những lợi thế cạnh tranh về máy móc, nguồn nhận lực, nguồn nguyên liệu đạt chuẩn, phương thức quản lý sản xuất. Việc hợp tác với một nhà cung ứng lớn ở Mỹ và được chỉ định là nhà sản xuất nhượng quyền duy nhất ở Việt Nam cũng là nền tảng vững chắc để Sợi Thế Kỷ lớn mạnh ở thị trường nội địa, tiến ra các thị trường châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan…

Sợi Thế Kỷ cũng không dùng chiến lược truyền thống để cạnh tranh về giá với các đối thủ có công suất lớn như Trung Quốc mà tập trung vào phát triển sản phẩm có những tính năng đặc biệt, đa dạng chủng loại với chất lượng vượt trội. Hiện Sợi Thế Kỷ đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các thương hiệu thời trang hàng đầu như Nike, Adidas, Target, Uniqlo...

Nhiều DN trong lĩnh công nghệ cũng đặt mức tăng trưởng cao trong năm 2020. Điển hình như FPT đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 18%, đạt 5.510 tỷ đồng; Công ty CP Thế giới số dự kiến lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 25%, đạt mức 202 tỷ đồng.

Tại Công ty CP Đầu tư Thế giới di động, mặc dù đã phải đóng cửa một số cửa hàng ở khu vực có dịch, nhưng chỉ tiêu kế hoạch đề ra vẫn tăng trưởng ở mức 2 con số. Theo đó, doanh thu năm 2020 dự kiến đạt 122.445 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.835 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 18% và 26% so với kết quả năm 2019.

Đứng ngoài rủi ro

Triển vọng kinh doanh chung chìm trong ảm đạm, nhưng từng DN vẫn có những câu chuyện riêng với không ít những triển vọng tích cực.

Điển hình như tại Tập đoàn Hà Đô. Ban lãnh đạo tập đoàn đánh giá, dịch bệnh nhìn chung không ảnh tới doanh thu của tập đoàn. Doanh thu từ năng lượng vẫn ổn định, các nhà máy thủy điện luôn cho số liệu tốt về nước và thủy văn; nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4.1 bình quân tháng mùa mưa đạt 16 tỷ đồng doanh thu, nếu trong điều kiện thuận lợi có thể lên 19-20 tỷ đồng/tháng, ước tính trong năm 2020 doanh thu có thể đạt 204 tỷ đồng. Tiến độ các dự án bất động sản cũng không bị ảnh hưởng, hiện tại với hai dự án Centrosa Garden và Charm Villas đã đảm bảo kế hoạch doanh thu, lợi nhuận của Hà Đô tăng trưởng giai đoạn 2020-2023.

Riêng hoạt động cho thuê, khách sạn, doanh thu có ảnh hưởng rõ rệt nhất. Trong 2 tháng đầu năm 2020 tỷ lệ lấp đầy của khách sạn Ibis Hà Đô giảm xuống còn 78%, trong khi trung bình năm 2019 là 90%. Tuy nhiên, doanh thu từ mảng văn phòng, khách sạn chỉ chiếm 7% trong doanh thu toàn tập đoàn.

Đối với các dự án năng lượng đang triển khai, Hà Đô cũng đàm phán và các nhà thầu nước ngoài cũng đã cam kết và bồi hoàn thiệt hại, đảm bảo thiết bị lắp đặt đúng tiến độ và kế hoạch đề ra. Đối với điện gió, nhà cung cấp Enercon dự kiến sẽ đưa ra thị trường 2.000 turbine gió từ 4,2 MW trở lên, gấp 150 lần số lượng turbine cho dự án 7A. Đối với dự án Infra, năng lực sản xuất tấm pin từ nhà cung cấp chính trong tháng 3 là 20GW/tháng, gấp 400 lần công suất của dự án. Do vậy, Hà Đô khẳng định không có ảnh hưởng từ dịch bệnh đến tiến độ giải ngân, đầu tư và hoàn thành dự án.

Đối với tác động của dịch Covid-19, ban lãnh đạo An Phát Xanh nhìn nhận, có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực do sản lượng tiêu thụ trong nước giảm. Tuy nhiên, ảnh hưởng là không đáng kể do doanh thu trong nước chỉ chiếm 2% doanh thu bao bì nhựa của công ty. Ngược lại, công ty sẽ có lợi từ việc giảm xuất khẩu từ Trung Quốc do hạn chế sản xuất tại nước xuất khẩu lớn nhất thế giới này. Do đó, công ty đã nhận các đơn hàng cho các nhà máy đủ sản xuất đến hết tháng 4.

Ban lãnh đạo của An Phát Xanh đánh giá, việc hưởng lợi có thể kéo dài hơn, vì khách hàng của công ty có thể tái cấu trúc lại các nhà cung cấp để hỗ trợ các nhà sản xuất bên ngoài Trung Quốc sau sự kiện này. Đối với nguyên liệu đầu vào, công ty chủ yếu nhập khẩu từ Trung Đông nên không gặp phải sự gián đoạn nào trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu cho việc sản xuất. Thêm vào đó, với EVFTA, thuế nhập khẩu bao bì nhựa do EU nhập khẩu từ Việt Nam sẽ được giảm từ 3% xuống 0%, mang lại lợi thế đáng kể cho các sản phẩm của Việt Nam so với mức thuế 6,5% đối với các sản phẩm tương đương của Trung Quốc.

Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) cũng tỏ ra lạc quan khi các dự án trọng điểm đang triển khai có tiến triển tích cực. Trong đó, dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội dự kiến sẽ bắt đầu thu phí hoàn vốn trong năm 2020, dự án quốc lộ 60 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 1/2020, dự án Trung Lương – Mỹ Thuận đã được khai thông về nguồn vốn tín dụng cũng như đã nhận được khoản tiền hỗ trợ từ vốn ngân sách, một số dự án bất động sản cũng đã có tín hiệu tốt để bắt đầu triển khai. Trên cơ sở đó, nếu tình hình diễn biến thuận lợi, doanh thu của CII dự kiến sẽ đạt 6.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.608 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 61% và 68% so với kết quả năm 2019.

Khải Kỳ