‘Bắt mạch’ nhịp thở kinh tế từ hàng hóa thông qua cảng biển

00:00 12/10/2020

"Để biết được kinh tế của một nước đang tăng trưởng hay chững lại hoặc suy thoái… chỉ cần nhìn sự tấp nập hay đìu hiu của hệ thống cảng biển với kho bãi, hàng hoá xuất nhập sẽ bắt mạch được nhịp thở kinh tế của quốc gia…", TS Nguyễn Đức Kiên chia sẻ.

Mức tăng chậm hàng hóa thông qua cảng biển những tháng đầu năm 2019

 Mức tăng của hàng hóa thông qua cảng biển những tháng đầu năm 2019 có xu hướng tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm 2018.

Theo thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), các khu vực cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua tăng cao nhất so với cả nước là: Thanh Hóa tăng 86% (chủ yếu là hàng phục vụ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn), Quảng Nam tăng 78%. Ngoài ra, một số khu vực cảng biển Hà Tĩnh, Bình Thuận cũng đạt mức tăng từ 58-62%.

Bên cạnh những cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua tăng cao, ở chiều ngược lại, một số cảng lượng hàng hóa thông qua lại giảm mạnh như Nha Trang, Cần Thơ (giảm từ 15-41%).

Trong tháng 6, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt hơn 51,463 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Lượng hàng container đạt hơn 1,5 triệu Teus, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù sản lượng hàng qua cảng vẫn ghi nhận sự tăng trưởng, song theo lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, mức tăng của hàng hóa thông qua cảng biển những tháng đầu năm 2019 có xu hướng tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm 2018.

Đặc biệt, lượng hàng container qua cảng biển chỉ tăng 3% trong 6 tháng đầu năm là do sự sụt giảm mạnh lượng hàng thông qua ở một số khu vực như: Mỹ Tho giảm 55% (từ 3.802 Teus còn 1.722 Teus), Quảng Ninh giảm 47% (từ hơn 74.264 Teus còn 39.175 Teus)…

Muốn “bắt mạch” nhịp thở kinh tế chỉ cần nhìn sự tấp nập hay đìu hiu của hệ thống cảng biển

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội. 

Trao đổi với báo giới trước đó, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho biết, hiện Việt Nam có 45 cảng biển, tuy nhiên cảng biển đúng nghĩa của Việt Nam chỉ chiếm số ít, thực tế chúng ta đang có bến nhiều hơn cảng.

Hiện nay trên thế giới, 80% khối lượng hàng hóa trao đổi thương mại giữa các quốc gia là do vận tải biển đảm nhận. Còn ở Việt Nam, 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu hàng năm của cả nước được thông qua hệ thống cảng biển. Theo đó, mỗi cụm cảng ở từng vùng miền đảm nhận chuyên chở hàng hóa, trao đổi thương mại cho cả một vùng kinh tế.

"Để biết được kinh tế của một nước đang tăng trưởng hay chững lại hoặc suy thoái… chỉ cần nhìn sự tấp nập hay đìu hiu của hệ thống cảng biển với kho bãi, hàng hoá xuất nhập sẽ bắt mạch được nhịp thở kinh tế của quốc gia. Nói cách khác, chỉ cần nhìn vào hệ thống cảng biển hiện nay sẽ biết được sức khỏe của nền kinh tế", TS Nguyễn Đức Kiên chia sẻ.

Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội đánh giá hệ thống cảng biển quốc gia, bao gồm: các cảng biển do doanh nghiệp Nhà nước, các cảng do công ty cổ phẩn, liên doanh khai thác là cửa ngõ để các bạn quốc tế biết Việt Nam, hiểu Việt Nam và cũng là chỗ để Việt Nam chứng minh được năng lực, khả năng phát triển của nền kinh tế đang đạt được tốc độ khả quan.

Ông đánh giá vai trò của cảng biển rất quan trọng nhưng lưu ý rằng hiện nay nhiều cảng không có kết nối hạ tầng kỹ thuật phía sau. Ví dụ, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện nay không có đường sắt và một thời gian rất dài không có đường bộ kết nối. Hay như cảng Lạch Huyện vừa được xây dựng, một cảng rất hoành tráng, vay vốn của Nhật Bản với sự tư vấn của Nhật Bản nhưng cuối cùng cũng lại không có đường sắt kết nối.

Thanh Minh