Bất động sản công nghiệp đứng trước cơ hội đón sóng đầu tư mới

09:23 29/10/2020

Việt Nam cần chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và gắn với xu hướng công nghệ 4.0

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Số liệu gần đây của Việt Nam cho thấy dù kinh tế khó khăn song xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng trưởng. Giải thích cho sự thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, các chuyên gia lý giải chính sách đầu tư thân thiện, các KCN và nguồn cung lao động trẻ dồi dào đã giúp Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư.

Ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn nhận các nước Đông Nam Á, mà cụ thể là Việt Nam đang là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư nước ngoài từ sau đại dịch Covid 19 do Việt Nam kiểm soát tốt đại dịch. Điều đó đã thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, chặn đà suy thoái so với quốc gia khác.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch hoành hành toàn cầu đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng. Nhiều nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa, nhiều doanh nghiệp (DN) sụt giảm doanh thu và lợi nhuận nhưng Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, Việt Nam có nền chính trị ổn định, nhân lực dồi dào, chi phí cạnh tranh… Các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực mà gần đây nhất là với EU (EVFTA) góp phần làm nên tính hấp dẫn của môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam.

Tổng Giám đốc BW Industrial, ông C.K Tong, nhận định 60% "queenbee - ong chúa" đến Việt Nam đầu tư là các công ty quốc tế, đặc biệt từ EU khi EVFTA có hiệu lực. Việt Nam hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành cơ khí, phụ tùng ôtô, điện tử… với hàm lượng công nghệ cao.

Nói về tốc độ phát triển của phân khúc bất động sản công nghiệp, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp của Công ty CBRE Việt Nam, cho biết nếu như thời điểm mới mở cửa, nguồn cung bất động sản công nghiệp chủ yếu là đất công nghiệp, thì trong khoảng 2-3 năm trở lại đây nhà xưởng và nhà kho xây sẵn đang có xu hướng tăng trưởng. Ở miền Bắc, nguồn cung hai loại hình nói trên đã đạt hơn 3 triệu m2. Trong khi ở miền Nam con số này đã cán mốc 5 triệu m2.

Trong đó giá thuê đất và kho xưởng đều tăng trưởng tốt trong các năm qua. Cụ thể, đất thuê công nghiệp tăng từ 20-30%. Nếu cách đây 2 năm giá thuê từ chủ đầu tư có thể từ 70-80 USD/m2/kỳ hạn thuê (khoảng 50 năm), thì nay mức giá này đang từ 100 USD trở lên.

Tại TP.HCM, nếu như trước đây một số khu công nghiệp có mức giá chào thuê đất từ 150 USD/m2, thì nay đã tăng lên 300 USD/m2 đối với kỳ hạn thuê còn lại.

Tại Đồng Nai, mức giá chào thuê từ 100 USD/m2 đã tang lên đến 155 USD/m2; Long An cũng ghi nhận mức tăng giá từ 110 USD/m2 lên đến 200 USD/m2.

Tại một số tỉnh, thành khu vực phía bắc, như tại Hà Nội, trước đây giá thuê từ 155 USD/m2 nay đã tăng lên khoảng 260 USD/m2. Hay tại khu vực Bắc Giang, giá chào thuê từ 55 USD/m2 cũng đã tăng lên khoảng 110 USD/m2.

Theo chuyên gia của CBRE, nguồn cung tăng mạnh, nhưng nguồn cầu vẫn tốt do tác động của nhiều yếu tố. Trong đó, đầu tư cơ sở hạ tầng tăng mạnh chính là một trong những cú huých thúc đẩy nguồn cầu bất động sản công nghiệp.

Cụ thể, hiện nay đang có 3 đường cao tốc mới được khởi công là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Bên cạnh đó, một số tuyến cũng đã thông xe và không ngừng đẩy nhanh tiến độ xây dựng như Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận… Hệ thống cảng biển cũng được chú trọng đầu tư mở rộng như Lạch Huyện, cảng quốc tế Long An, Bắc Vân Phong.

Ngoài ra, nguồn cầu bất động sản công nghiệp tăng cao còn do nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp khi dịch chuyển chuỗi cung ứng đã diễn ra. Việc cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc góp phần thúc đẩy quá trình dịch chuyển xảy ra nhanh hơn. Việc gia nhập các hiệp định thương mại giúp mở rộng thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi về thuế.

Còn ông Phạm Ngọc Tùng, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh và tiếp thị Công ty IMG - một đơn vị phát triển KCN tại Long An, đưa ra chiến lược cần thiết để chuẩn bị đón sóng đầu tư, đó là tập trung phát triển vị trí, tạo ra hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh tạo sự tin tưởng cho các đối tác, đồng thời xử lý các vấn đề liên quan đến pháp lý, hợp tác với các tổ chức tín dụng để bảo trợ vốn cho đối tác. Điều này cần có sự hỗ trợ rất lớn từ địa phương mà các DN đặt KCN.

Vấn đề đặt ra là khi thu hút đầu tư, liệu có ảnh hưởng xấu đến môi trường, đến thâm dụng lao động và các yếu tố khác…? Đại diện các DN cho rằng các địa phương chịu trách nhiệm vấn đề này đã quản lý chặt khi các đơn vị thiết lập KCN, phê duyệt dự án từ khâu đánh giá tác động môi trường…

Ông Lê Trọng Hiếu nhận định những DN đặt nhà máy tại Việt Nam chỉ lắp ráp sản phẩm đơn giản để né thuế do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thì chắc chắn sẽ rất khó được phê duyệt với quy trình quản lý hiện nay.

Điều cần lưu ý để chuẩn bị thu hút làn sóng đầu tư mới, theo các diễn giả là Việt Nam cần chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và gắn với xu hướng công nghệ 4.0. Phải tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng, bao gồm các KCN, khu kinh tế đã có, đặc biệt cải thiện, tháo gỡ chính sách liên quan nhằm thu hút nhà đầu tư lớn.

Thanh Hải