Bất động sản ấm dần lên sau những giải pháp xử lý nợ xấu

00:00 12/10/2020

Thị trường bất động sản (BĐS) ấm lên là một yếu tố tích cực giúp cho các ngân hàng xử lý nhanh các khoản nợ xấu. Đó là những cách thức “Khôn ngoan” với tín dụng bất động sản của các đơn vị cung cấp tín dụng.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về xử lý xấu của các tổ chức tín dụng với kỳ vọng tháo gỡ những vướng mắc, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu ngân hàng, đảm bảo hệ thống ngân hàng lành mạnh, qua đó hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp và giúp giảm mặt bằng lãi suất. 

Đến nay, các dự án bất động sản liên quan tới các khoản nợ xấu ngân hàng đa phần là các dự án đắp chiếu nhiều năm nay và nhiều trường hợp, chủ đầu tư không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án. 

Việc chuyển nhượng cho chủ đầu tư mới, dự án mới có cơ hội hồi sinh, nhưng do một số quy định bất cập, khiến việc chuyển nhượng dự án khó khăn, nên dự án vẫn dậm chân tại chỗ. 

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đến cuối năm 2017, tồn kho bất động sản còn khoảng 25.700 tỷ đồng, giảm 80% so với con số 102.800 tỷ đồng trong quý I/2013. Việc hàng tồn kho giảm mạnh góp phần giảm áp lực nợ xấu liên quan đến bất động sản. 

Tuy nhiên, trong khoảng 1 - 2 năm gần đây, tốc độ giảm của nợ xấu bất động sản đã chậm lại đáng kể. Với con số còn trên 25.000 tỷ đồng nợ, đây vẫn là con số tương đối lớn và vẫn là mối lo với ngành ngân hàng, cũng như cả thị trường bất động sản. 

Ngoài lý do về việc do các dự án xa trung tâm, kết nối hạ tầng kém, khó hấp dẫn người mua, không phủ nhận, vẫn còn những vướng mắc liên quan đến các quy định pháp lý, dẫn đến tốc độ thu hồi, chuyển nhượng dự án chưa được suôn sẻ. 

Thực tế, các dự án bất động sản là tài sản bảo đảm về cơ bản đều đã được đánh giá, xem xét về hiệu quả, tiềm năng và đều nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Việc chuyển nhượng được các dự án bất động sản này sẽ góp phần giải quyết được khoản nợ xấu tồn đọng trong ngân hàng và mang lại hiệu quả cho nền kinh tế. 

Thời gian qua, rất nhiều khoản nợ xấu liên quan đến tài sản đảm bảo là bất động sản từ các ngân hàng đã được chuyển qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thông qua trái phiếu nợ để đơn vị này trực tiếp xử lý. 

Có thể thấy, việc giải quyết nợ xấu đang được các cơ quan nhà nước xem xét và tháo gỡ cụ thể từ các quy định pháp luật liên quan để tiến trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được nhanh chóng, thuận lợi, nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc chung của pháp luật, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. 

                            Vốn đầu tư vào BĐS là khá lớn nên nếu có rủi ro xảy ra thì các Ngân hàng, DN đều chịu thiệt                                                          hại lớn. Nguồn ảnh minh họa - internet

Với những quy định của ngành tòa án và các cơ quan quản lý nhà nước được ban hành, chắc chắn tốc độ xử lý sẽ được đẩy nhanh. Chính vì thế, trong những ngày gần đây, giá bất động sản ở phía nam, ở các khu nghỉ dưỡng miền trung hay tại các đặc khu kinh tế tăng đột biến, sức nóng cũng đã lan ra Hà Nội. 

Nhiều khu vực đất bị “lạnh nhạt” trong thời gian qua đã nhận được sự quan tâm trở lại của các NĐT như Hòa Lạc, Ba Vì. Hiện tại các ngân hàng đang thực hiện rất nghiêm túc yêu cầu của NHNN về việc kiểm soát rất chặt tỷ lệ cho vay BĐS, chứng khoán nên NHTM khó có thể mạnh tay cho vay được. 

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là có sự biến hoán giữa cho vay tiêu dùng với cho vay BĐS, chứng khoán. Chẳng hạn, khách hàng đến đặt vấn đề vay tiền mua nhà thế chấp bằng giấy tờ nhà hoặc BĐS khác.

Theo quy định, thì khách hàng đã có tài sản thế chấp, chứng minh được khả năng trả nợ của mình nên ngân hàng rất khó có thể từ chối. Và trong số khách hàng này có thể có những người dùng tiền vay để kinh doanh BĐS, hay chứng khoán. 

Tín dụng BĐS vẫn chưa có đột biến, mà đang theo xu hướng giảm. Bản thân các ngân hàng ngày càng cảnh giác trong cho vay lĩnh vực BĐS chứ không nhắm mắt cho vay bừa như trước đây. 

Tuy chưa thấy dấu hiệu đột biến về dòng vốn ngân hàng chảy vào những lĩnh vực BĐS để có thể tạo ra nguy cơ bong bóng thị trường này, nhưng sự thận trọng thông qua việc giám sát dòng vốn mà NHNN đã thực hiện trong thời gian vừa qua được các chuyên gia khuyến nghị nên tiếp tục triển khai, thậm chí có thể chặt chẽ hơn để ngăn chặn tối đa dòng tiền nóng ngân hàng chảy vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro này. 

Vì đặc thù của thị trường BĐS Việt Nam là vẫn chủ yếu dựa vào nguồn tín dụng. Không loại trừ khả năng vì lợi nhuận trước mắt không ít người mạo hiểm vay vốn ngân hàng để “lướt sóng” BĐS. 

Mà vốn đầu tư vào BĐS là khá lớn nên nếu có rủi ro xảy ra thì cả ngân hàng và DN đều chịu thiệt hại lớn. Tuy nhiên, thị trường BĐS vẫn ấm lên trong thời gian qua ở các khu vực chưa bị sốt. Theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, đó là một yếu tố tích cực giúp cho các ngân hàng xử lý nhanh các khoản nợ xấu.

Hoạt động bán đấu giá tài sản đảm bảo diễn ra nhanh hơn với giá tốt hơn, giảm đi khá nhiều những thiệt hại cho ngân hàng. Đồng thời, khơi dậy cho bất động sản ấm dần lên ở các khu vực chưa diễn ra các cơn sốt đất.                                      Bảo Anh