Bất an nhập siêu từ Trung Quốc

00:00 12/10/2020

Việc gia tăng nhập siêu từ Trung Quốc không chỉ khiến hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt trên sân nhà; mối lo này lớn hơn nếu không có kiểm soát chặt, để hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt xuất sang Mỹ nhằm né thuế sẽ cực kỳ nguy hiểm.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 8 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 166,58 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018. Về thị trường hàng hóa nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 49,2 tỷ USD, tăng 18,2%.

Gỗ dán, sắt thép, xơ sợi… bị cảnh báo

Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc đồng Nhân dân tệ (NDT) mất giá so với đồng USD, trong khi đồng Việt Nam (VND) lại không mất giá tương ứng với USD thì VND sẽ tăng giá so với NDT. Đây là nguyên nhân đẩy lượng hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam tăng và hạn chế lượng hàng xuất khẩu (XK) từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Trước nhất, điều này cho thấy hàng Việt chắc chắn sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với hàng Trung Quốc ngay trên “sân nhà”.

Mối lo lớn hơn là nếu không có kiểm soát chặt để hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt XK sang Mỹ nhằm né thuế sẽ cực kỳ nguy hiểm.

Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý XK gỗ dán sang Mỹ. Cụ thể, Bộ này dẫn số liệu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho thấy năm 2018, lượng gỗ dán XK tới thị trường Mỹ đạt 320.000 m3, tăng gấp 5 lần so với năm 2017. Nhập khẩu gỗ dán, gỗ ghép đạt 450.000m3, tăng gần 20% so với năm 2017.

Trong khi đó, sản lượng gỗ dán của Việt Nam năm 2018 được Vifores cập nhật sơ bộ tính toán dựa trên tổng công suất của 36 nhà máy đã báo cáo Hiệp hội là khoảng hơn 1,4 triệu m3, tăng hơn 500.000 m3 so với năm 2017. Nguyên nhân gia tăng sản lượng được Vifores nhận định là do có 6 nhà máy mới được xây dựng và một số nhà máy mở rộng công suất thiết kế.

Tuy nhiên, trên cơ sở những số liệu sản xuất, XK gỗ dán, Vifores cũng đặt ra nghi vấn lượng XK mặt hàng gỗ dán chênh lệch so với công suất thiết kế của ngành, có khoảng 500.000 m3 là do thương mại.

Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) cũng nhận định có việc các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nhập khẩu gỗ dán từ Trung Quốc, sau đó gia công để XK hoặc bán cho các DN khác XK sang Mỹ. Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng các DN nước ngoài núp bóng đầu tư lấy giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để XK gỗ dán sang thị trường Mỹ nhằm lẩn tránh thuế.

Không chỉ mặt hàng gỗ, ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), cho hay tình trạng trên cũng đang thuộc diện cảnh báo với mặt hàng xơ sợi, sắt thép.

Qua theo dõi, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết thuế suất của Mỹ áp dụng đối với mặt hàng xơ sợi Trung Quốc là 65,11 – 103%, thuế trợ cấp từ 37 – 42%. Thuế suất của Mỹ áp dụng với mặt hàng sắt thép Trung Quốc cũng rất cao, như mặt hàng giá để đồ bằng sắt có thuế chống bán phá giá từ 18,6 – 44%, chưa kể thuế trợ cấp.

Điều đó dẫn đến kim ngạch XK những mặt hàng trên từ Trung Quốc sang Mỹ thời gian qua giảm rõ rệt, trong khi XK từ Việt Nam lại tăng đột biến, đồng thời Việt Nam cũng nhập khẩu một khối lượng lớn những mặt hàng này từ Trung Quốc. Đã có cảnh báo nguy cơ hàng hóa Trung Quốc đang lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất sang Mỹ nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Thủ đoạn gian lận thương mại ngày càng tinh vi. Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, tình hình gian lận xuất xứ hàng hóa càng diễn biến phức tạp. Thực tế có tình trạng gia công sản xuất lắp ráp và chế biến giản đơn chưa đáp ứng quy tắc xuất xứ nhưng vẫn xin C/O của Việt Nam.

Nhập khẩu gỗ dán, gỗ ghép từ Trung Quốc tăng mạnh

Tạm dừng tạm nhập tái xuất

 

Thậm chí có những vụ việc DN làm hồ sơ giả C/O, giả mạo chữ ký và bị cơ quan nhập khẩu phát hiện. Tình trạng này không những làm cho hàng XK bị trả về mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh và thương hiệu hàng hóa của Việt Nam.

Để ngăn chặn tình trạng trên, Bộ Công Thương vừa kiến nghị Thủ tướng giao Bộ này xây dựng và ban hành thông tư quy định về việc tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam, sau đó tái xuất sang Mỹ.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lận, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) chủ trì, phối hợp với các bộ/ ngành, VCCI, địa phương, hiệp hội tiến hành kiểm tra toàn diện, theo dõi, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, gian lận thương mại về xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp đối với các DN sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu gỗ dán trong cả nước nói riêng cũng như các mặt hàng có nguy cơ bị gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nói chung.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia kinh tế kiến nghị cần tạm dừng cơ chế tạm nhập tái xuất để hạn chế gian lận thương mại. Bởi lẽ nếu Mỹ áp dụng trừng phạt thuế quan với Việt Nam như cách làm với hàng Trung Quốc thì hậu quả sẽ rất lớn. Công ty Capital Economics Ltd. ước tính nếu Tổng thống Donald Trump áp thuế 25% với hàng nhập khẩu từ Việt Nam như từng làm với Trung Quốc, doanh thu từ XK của Việt Nam sẽ giảm 25%, tương đương hơn 1% GDP. Nếu điều này diễn ra sẽ xóa sổ khoảng 0,5 điểm phần trăm tăng trưởng mà Việt Nam đạt được nhờ hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại.

Thy Lê