Bảo hiểm xã hội Hà Nội: Tăng đối thoại để giảm nợ

00:00 12/10/2020

Tính đến 31/10, số tiền nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn TP Hà Nội đã giảm 17,95% so với cùng kỳ năm 2017.

Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa đánh giá, để đạt được kết quả này là nhờ vào sự phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp từ thanh, kiểm tra và trực tiếp đối thoại với các DN nợ.

Chủ động phối hợp liên ngành

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, mặc dù số nợ BHXH trên địa bàn TP đã giảm, song vẫn ở mức cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước, ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 300.000 người lao động (NLĐ) về chế độ bảo hiểm. Một trong những biện pháp mà BHXH Hà Nội áp dụng nhằm giảm nợ là phối hợp liên ngành với cơ quan Thuế, Sở LĐTB&XH, Liên đoàn Lao động TP, Công an TP và Thanh tra TP. Nhờ sự vào cuộc của các đoàn liên ngành, BHXH TP đã chuyển hồ sơ 573 DN với số tiền nợ BHXH lên tới 471,5 tỷ đồng đề nghị tổ chức công đoàn khởi kiện nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của NLĐ. Công an TP cũng đã cung cấp dữ liệu dân cư làm cơ sở quản lý đối tượng tham gia BHXH, BHYT và đồng bộ dữ liệu để cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH. Cơ quan Thuế phối hợp cung cấp danh sách 27.615 đơn vị dừng sản xuất, kinh doanh, bỏ trốn, bị phong tỏa hóa đơn và 6.432 đơn vị có dấu hiệu vi phạm Luật BHXH, BHYT.

 Cuộc đối thoại của BHXH Hà Nội với gần 400 doanh nghiệp trên địa bàn TP đầu tháng 11/2018. Ảnh: Hà Ngân


Tuy nhiên, chỉ ra những khó khăn trong quá trình thực tế triển khai của đoàn liên ngành, Trung tá Nguyễn Tiến Thắng - Phó trưởng Công an quận Thanh Xuân cho biết, hiện các DN nợ BHXH có thể kiểm tra chủ yếu là DN nhỏ hoặc siêu nhỏ, chỉ còn một vài lao động nên thường tìm mọi lý do trốn tránh, không hợp tác với liên ngành nên chưa thực hiện được 100% các thông báo kiểm tra đã ban hành. Bên cạnh đó, nhiều DN có địa chỉ đăng ký kinh doanh và nộp thuế tại quận này nhưng trụ sở giao dịch lại thuộc địa bàn quận khác. Ngoài ra, nhiều DN trước đây là DN Nhà nước sau cổ phần hóa có số nợ lên đến hàng tỷ đồng với thời gian nợ trên 30 tháng nhưng hiện nay chỉ còn 1 hoặc 2 lao động, gần như không còn hoạt động nên không thể thu hồi nợ được.

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân đề nghị, cần có sự trao đổi thông tin, thống nhất giữa các đơn vị để có thể xác định được những công ty, DN có khả năng chi trả nhằm tiến hành thanh, kiểm tra, tập trung vào các công ty, DN có số nợ lớn. Bên cạnh đó, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, các đơn vị trong liên ngành phải coi việc đôn đốc kiểm tra là nhiệm vụ của các ngành mình, đưa nội dung này vào các cuộc thanh tra liên ngành.

Tăng cường đối thoại

Ông Nguyễn Đức Hòa cho hay, BHXH Hà Nội đặt chỉ tiêu giảm nợ BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi năm 2018 là 2,56% kế hoạch thu. Chính vì vậy, từ nay đến 31/12/2018 toàn ngành quyết liệt thực hiện các biện pháp đôn đốc thu, giảm nợ BHXH ít nhất 701,4 tỷ đồng. Trong đó, cần tăng cường công tác đối thoại với các DN. “Trước hết, phải để chính NLĐ biết được quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Đối với chủ sử dụng lao động, tuyên truyền đến họ những quy định, chính sách của pháp luật về Luật BHXH, BHYT, đặc biệt là những quy định xử phạt hình sự nếu trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN của NLĐ” - ông Hòa nhấn mạnh.
Thực tế, thời gian đây, BHXH Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với hơn 400 DN. Tại BHXH các quận, huyện, thị xã cũng tổ chức đối thoại với DN trên địa bàn. Tại mỗi cuộc đối thoại, các câu hỏi cụ thể của DN liên quan đến các vấn đề của BHXH, BHYT, BHTN đều được trực tiếp lãnh đạo các phòng, ban của cơ quan bảo hiểm trực tiếp trả lời. Với phương châm lắng nghe, tiếp thu và giải quyết tận gốc vấn đề, nhiều vướng mắc của các DN đã được giải đáp thỏa đáng. Thậm chí, một số trường hợp NLĐ bị cấp trùng mã thẻ BHYT đã được xử lý ngay trong ngày.

Mục tiêu giảm nợ dưới 3% mà BHXH Hà Nội đặt ra đang trong giai đoạn “nước rút” để thực hiện. Bởi vậy, ngành tiếp tục phối hợp đồng bộ các biện pháp, tăng cường công tác tuyền truyền chính sách BHXH, BHYT cho người dân là cách làm tối ưu để đạt được mục tiêu trên.

Trần Nga