Bảo đảm sự tương thích với các cam kết trong CPTPP

00:00 12/10/2020

Tiếp tục phiên họp thứ 33 của Ủy ban thường vụ quốc hội (UBTVQH), chiều 10/4, UBTVQH cho ý kiến về dự dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.  

Bổ sung hoạt động phụ trợ bảo hiểm

Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết ngày 12/11/2018, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 72/2018/QH14 phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Theo đó, để thực thi Hiệp định CPTPP, tổng số luật cần phải sửa đổi, bổ sung là 8, gồm: Bộ luật Lao động; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Tố cáo, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật An toàn thực phẩm.

bao dam su tuong thich voi cac cam ket trong cptpp

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm

Đối với Luật Kinh doanh bảo hiểm, nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm tập trung vào các quy định về tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm. Sửa đổi, bổ sung quy định về quyền tham gia các tổ chức xã hội-nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Về bổ sung hoạt động phụ trợ bảo hiểm đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ, có vai trò quan trọng thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, giúp các bên tham gia giảm thiểu rủi ro; đề phòng, hạn chế tổn thất; hạn chế gian lận bảo hiểm; tăng cường tính chuyên nghiệp của thị trường; tối ưu hóa chi phí, nguồn lực cho doanh nghiệp bảo hiểm; chi trả tiền bảo hiểm, bồi thường nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời, bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Tại hầu hết các quốc gia, hoạt động này đang đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế, giúp gia tăng năng lực cạnh tranh; tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh, khởi nghiệp; tăng cường áp dụng công nghệ, kết nối nội ngành và liên ngành; bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng. Do vậy, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm là cần thiết.

Liên quan đến sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi dịch vụ phụ trợ bảo hiểm theo tờ trình Chính phủ có được xem là ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không, vì điều kiện kinh doanh khác với ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nếu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải sửa lại phụ lục của Luật Đầu tư, mà phụ lục này thuộc thẩm quyền của Quốc hội?

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết những cam kết của Việt Nam với việc mở cửa dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trong CPTPP cũng tương đồng với cam kết trong WTO. “Theo đó, các quy định đặt ra mang tính chất là "điều kiện kinh doanh", tức là phải có bằng cấp, tiêu chuẩn khi hành nghề, chứ đây không phải là quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh”- Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chỉ rõ.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các thành viên trong ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, sửa đổi quy định liên quan theo hướng phù hợp với cam kết quốc tế, tránh tình trạng luật được sửa đổi vẫn bị nói là không phù hợp.

"Những nội dung nào cần quy định cụ thể, đảm bảo tính minh bạch, công khai, chặt chẽ thì đưa ngay vào luật, tránh phải có nghị định, thông tư hướng dẫn, đảm bảo tính thống nhất" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ bảo đảm tính thống nhất với CPTPP

Đối với sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, theo đó phải được sửa đổi để thực hiện một số nghĩa vụ về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định CPTPP. Trong số này, một số nghĩa vụ phải thực hiện ngay từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực và một số nghĩa vụ có thời gian chuyển tiếp từ 3 đến 5 năm.

Theo đó, có 2 nội dung liên quan tới nhãn hiệu, 1 nghĩa vụ liên quan đến tên miền, 3 nghĩa vụ liên quan đến chỉ dẫn địa lý, 1 nghĩa vụ liên quan đến sáng chế và 5 nghĩa vụ liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Đáng chú ý, việc xử lý xâm phạm tên miền nên được xử lý theo thủ tục về tranh chấp quyền sử dụng tên miền quy định tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Bộ Thông tin Truyền thông sẽ trình việc sửa đổi Nghị định này để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP. Vì vậy, không cần đặt ra chính sách sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ để thi hành nghĩa vụ này.

Đối với 4 nghĩa vụ có thời gian chuyển tiếp 3-5 năm (bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, bảo đảm thông tin và thời gian cho chủ bằng sáng chế thực thi quyền trước khi sản phẩm được đưa ra thị trường, bảo hộ độc quyền đối với dữ liệu thử nghiệm nông hóa phẩm, thẩm quyền mặc nhiên tiến hành các thủ tục biên giới của cơ quan hải quan), các nghĩa vụ này sẽ bắt đầu phải thi hành từ năm 2022, dự kiến sẽ được đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ được trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2021 (Bộ Khoa học và Công nghệ dự kiến trình Chính phủ hồ sơ xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ trong quý IV /2019. Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021).

Việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ cho tương thích với các quy định trong Hiệp định CPTPP là cần thiết để bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả, hiệu lực của hệ thống pháp luật Việt Nam và thể hiện tinh thần chủ động, nghiêm túc thực hiện các điều ước quốc tế của Việt Nam.

Báo cáo Thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ chỉ rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật thống nhất với việc các quy định sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ trong Dự án Luật chỉ giới hạn trong phạm vi nhằm thực hiện các cam kết đã có hiệu lực của Hiệp định CPTPP đã được quy định tại Phụ lục 3 của Nghị quyết số 72/2018/QH14. Các chính sách, quy định trong Dự án Luật phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Lan Anh