Báo chí đi lên cùng nền kinh tế

00:00 12/10/2020

Ở bất kỳ giai đoạn nào của đất nước, dù “thăng” hay “trầm”, báo chí luôn là người bạn thuỷ chung và tận tâm, là người tiên phong đưa những thông tin chính xác, kịp thời nhất. Đặc biệt, trong quan hệ báo chí với khu vực KTHT, HTX, doanh nghiệp… báo chí luôn luôn sát cánh trong mọi hoàn cảnh.

ok-6578-1592392649.jpg

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với các cơ quan báo chí tại Lễ khánh thành công trình "Hợp tác xã với Bác Hồ" tại Nghệ An ngày 16/5/2020

Ngược trở lại lịch sử phát triển của báo chí VN có thể thấy, ngay từ khi tờ “Nông cổ mín đàm”, tờ báo kinh tế đầu tiên của VN do Canavaggio sáng lập vào năm 1901 tại Sài Gòn đã khẳng định quan điểm: Trọng thương là cách thứ nhất giúp cho dân phú quốc cường, đồng thời hướng dẫn các thương nhân VN về nghệ thuật buôn bán và khuyến khích, kêu gọi họ đoàn kết để cạnh tranh với các thương nhân nước ngoài…Khi đó, bắt đầu hình thành mối quan hệ báo chí - DN.

Vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế

Sau này, đến thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trung tâm của nền kinh tế khi đó là nông nghiệp – nông dân, với các tổ đổi công, tổ vần công… Rồi đến thời kỳ chống Mỹ cứu nước, các HTX nông nghiệp là hậu phương lớn cho chiến trường miền Nam, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Báo chí luôn là lực lượng xung kích, đi đầu trong phản ánh, tuyên truyền các hoạt động của đất nước. 

Sang đến thời kỳ kinh tế bao cấp, mặc dù khi đó kinh tế còn lạc hậu, kém phát triển nhưng báo chí đã đóng vai trò là người “ đưa đường”, cổ vũ cho nhiều hoạt động kinh tế, xã hội thời ấy. Đặc biệt, với khu vực kinh tế tập thể, HTX, nông nghiệp – nông thôn, báo chí đã góp phần không nhỏ trong công tác tuyên truyền để khu vực này phát triển. Có thể nói những phong trào làm kinh tế như: Gió đại phong, Cờ ba nhất, Sóng duyên hải, Khoán 10, Khoán 100…đều có sự hỗ trợ, thậm chí là gợi ý từ báo chí. Cũng chính nhờ sự tuyên truyền, cổ vũ của báo chí đã góp phần cho các phong trào này “dậy sóng” và trở thành biểu tượng thành công của kinh tế thời kỳ ấy.

Đất nước đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, ở đó, mặt trận xây dựng kinh tế là trung tâm, trong đó có khu vực KTHT, HTX, các doanh nghiệp, doanh nhân là đội quân chủ lực. Với tư cách là lực lượng truyền thông chính thống, báo chí cách mạng cần coi mặt trận kinh tế và các doanh nghiệp, doanh nhân là đối tượng phản ánh và hỗ trợ chủ yếu của mình. Các báo chí kinh tế vì vậy ngày càng đóng vai trò quan trọng và là một trong những trụ cột chính của nền báo chí cách mạng.

Để báo chí và doanh nghiệp mãi là quan hệ cộng sinh

unnamed-3014-1592397896.jpg

Báo chí luôn coi mặt trận kinh tế và các doanh nghiệp, HTX là đối tượng phản ánh và hỗ trợ chủ yếu của mình 

Có thể thấy, suốt chiều dài lịch sử phát triển của đất nước, báo chí luôn luôn đồng hành và là người bạn thuỷ chung, son sắt với sự phát triển của đất nước. Từ đây, cũng xuất hiện những mỗi quan hệ song hành giữa báo chí với các thành phần trong xã hội, trong đó có mối quan hệ báo chí với đôi ngũ làm kinh tế, doanh nghiệp.

Dù vậy, không phải lúc nào quan hệ báo chí và các thành phần kinh tế nói chung và báo chí với doanh nghiệp nói riêng cũng “cơm lành, canh ngọt”. Thực tế đã có lúc quan hệ báo chí, DN cũng có những khoảng cách khiến cho thông tin bị sai lệch, có lúc có DN rơi vào khủng hoảng truyền thông, đẩy họ tới sự đổ vỡ. Phần lớn các nhà báo, cơ quan báo chí đã nhận thức được điều này, nhưng trong một số trường hợp đã không nhận thức đầy đủ, có thể do sự hạn chế về thông tin, do có những động cơ khônng trong sáng, đã đẩy DN rơi vào khủng hoảng thông tin, truyền thông.

Do vậy, để tăng cường quan hệ hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp, trước hết cần cởi mở hơn, minh bạch hơn về thông tin cả từ hai phía. Báo chí và doanh nghiệp cùng cần có kỹ năng hơn trong quan hệ hợp tác giữa đôi bên. Một chữ “Tâm” xuyên suốt cần là điểm kết nối nhà báo với doanh nhân. Doanh nhân không chỉ biết cách tiếp cận thông tin từ báo chí mà còn cần sử dụng báo chí quảng bá thương hiệu, sản phẩm và doanh nghiệp của mình, kết nối với đối tác và với xã hội, cần phát huy tiếng nói của báo chí để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của mình. Báo chí cần có kỹ năng làm việc với doanh nhân, chia sẻ, hỗ trợ doanh nhân, coi doanh nhân là đối tác phục vụ, là đối tác đồng hành trong việc phát triển chính sự nghiệp báo chí

Rõ ràng, ở giai đoạn nào, dù thăng hay trầm của đất nước, báo chí luôn đồng hành cùng với sự đi lên của đất nước, nền kinh tế và doanh nghiệp. Đơn cử, trong giai đoạn đỉnh điểm của dịch Covid – 19 vừa qua, báo chí đã góp phần quan trọng trong việc tuyền truyền, phổ biến kiến thức phòng chống và đẩy lùi dịch Covid – 19 ở Việt Nam. Điều này đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ ghi nhận. Mới đây, khi đánh giá về vai trò của báo trong công tác phòng, chống dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Công tác tuyên giáo và báo chí đóng góp cho phòng chống dịch thành công bước đầu. Các tờ báo đưa tin và thực hiện kỷ luật thông tin, giúp người dân có thông tin chính xác về diễn biến dịch”.

Thủ tướng yêu cầu trong giai đoạn bình thường mới, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, báo chí cần tiếp tục truyền thông phòng chống dịch, đồng thời thông tin đến quốc tế về cải thiện môi trường đầu tư tại VN; nêu những mô hình tốt trong phát triển kinh tế, xã hội; cải thiện môi trường kinh doanh, giải ngân đầu tư công... thúc đẩy tăng trưởng, góp phần đưa nền kinh tế bật dậy sau dịch.

Chắc chắn những ghi nhận của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Thủ tướng sẽ là những động lực quan trọng để đội ngũ báo chí tiếp tục tiến về phía trước, luôn tự hào là người đồng hành cùng đất nước, đồng hành cùng mọi thành phần kinh tế trong đó có khu vực KTHT, HTX, Doanh nghiệp…Cùng hướng tới một xã hội, một nền kinh tế phát triển và bền vững.

Nhà báo cần chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp

ong-duong1-7260-1592397896.jpg

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ HĐQT Tổng Cty may Hưng Yên

Tôi cho rằng tinh thần "win – win" giữa báo chí và doanh nghiệp ngoài sự đồng hành còn là sự chia sẻ đồng cảm. Nhà báo phải có tấm lòng và chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp. Nhà báo phải xác định rằng doanh nghiệp trong cơ chế thị trường có thể hôm nay thành công nhưng ngày mai có thể phá sản. Doanh nghiệp khó khăn phá sản do nhiều yếu tố chứ không hẳn là do nội tại của doanh nghiệp. Do đó, báo chí khi viết thông tin phải xác định căn nguyên của vấn đề Báo chí là thông tin, mà thông tin là tài sản, nếu doanh nghiệp tận dụng được luồng thông tin kết hợp với hoạt động của mình sẽ rất tốt. Tuy nhiên, ở Việt Nam có tới 98% doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ rất thích làm ông chủ, cho nên thích giấu những thông tin bất lợi và tự mình theo con đường riêng để hoạt động. Đây là cái yếu của doanh nghiệp nhỏ. Do đó, các nhà báo phải chia sẻ và giúp họ.

Báo chí góp phần xây dựng thương hiệu nông sản

Do-Va-n-So-Chu-ti-ch-Lie-n-min-9302-8881

 

Ông Đỗ Văn Sơ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau

Trong quá trình phát triển KTHT, HTX tỉnh Cà Mau, chúng tôi luôn được sự hỗ trợ của các cơ quan báo chí về mặt thông tin, giới thiệu sản phẩm, nhất là đặc sản vùng, miền. Nhờ vậy mà các sản phẩm của Cà Mau như cua, hàu, cá Cà Mau; tôm, cá khô, dưa hấu Cà Mau... được nhiều người trong nước biết và sử dụng.

Tôi nhận thấy rằng, sở dĩ các sản phẩm đặc trưng của nông nghiệp Cà Mau của chúng tôi có thể bay cao, bay xa như vậy là nhờ công rất lớn của báo chí và truyền thông – người bạn đồng hành và chắp cánh cho thương hiệu của chúng tôi. Tôi cho rằng, báo chí là một trong những kênh thông tin hữu hiệu nhất hiện nay trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, là cầu nối giữa HTX, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, người tiêu dùng là mối quan hệ đa chiều, tương hỗ lẫn nhau.

Nếu báo chí phản ánh một cách trung thực, chính xác thì sẽ giúp các sản phẩm nông sản của doanh nghiệp, HTX phát triển và lựa chọn hướng đi đúng đắn. Ngược lại nếu báo chí phản ánh sai lệch, thiếu khách quan sẽ làm ảnh hưởng lớn đến hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp, HTX và nông sản của địa phương hoặc cả vùng, khu vực. Chúng tôi rất cần sự giúp sức từ báo chí trong việc phản ánh đúng nhu cầu, thị hiếu của khách, xu hướng tiêu dùng mới nhất hay những thuận lợi, khó khăn trong phát triển KTHT, HTX. Do đó, để cùng phát triển thì báo chí, doanh nghiệp, HTX và cơ quan chức năng cần hỗ trợ lẫn nhau., HTX tỉnh Cà Mau thời gian qua có bước phát triển khá tốt, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 141 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp với 2.733 thành viên, có mức thu nhập 110 triệu đồng/thành viên/năm. Chiếm số lượng nhiều nhất là trên lĩnh vực thủy sản với 83 HTX, kế đó là trồng trọt với 30 HTX.

Báo chí giúp nâng cao vị thế của khu vực kinh tế hợp tác, HTX

Ong-Nguyen-Tien-Hung-Chu-tich-7498-9703-

Ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Giang

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Gần đây nhất là EVFTA được xem là "con đường" để đưa hàng hóa Việt Nam xuất khẩu qua thị trường EU.

Vì vậy, để tận dụng được các cơ hội từ hiệp định EVFTA nói riêng và các FTA nói chung, các HTX cần nhất là thông tin thị trường. Thị trường quyết định quy mô sản xuất HTX. HTX có đầu ra cho sản phẩm thì mới tăng quy mô sản xuất đầu vào.

Đầu ra ổn định sẽ giúp HTX bán được hàng, tăng doanh thu. Doanh thu tăng có thể tăng lợi nhuận của HTX, thu nhập của các thành viên tăng lên.

Bởi vậy, các HTX rất mong muốn Thời báo Kinh Doanh và các cơ quan báo chí cung cấp thêm nhiều thông tin về việc làm sao để hàng hóa của HTX làm ra có thể tiếp cận được các thị trường lớn trên thế giới, HTX có thể liên hệ với đầu mối nào khi gặp khó khăn, thị trường đang cần những loại hàng hóa gì...

Bên cạnh hỗ trợ về thị trường, HTX cũng mong muốn các cơ quan báo chí gửi gắm tiếng nói của khu vực kinh tế hợp tác, HTX tới Chính phủ về những vấn đề mà chúng tôi đang gặp phải.

Đồng thời, báo chí cũng kênh thông tin phổ biến đường lối, định hướng của chính sách của Đảng và Nhà nước tới khu vực kinh tế hợp tác, HTX. Từ đó, chúng tôi nắm bắt được chủ trương chính sách, yên tâm sản xuất và phát triển.

Đặc biệt, các mô hình HTX, THT sản xuất giỏi cần được báo chí tuyên truyền rộng rãi để nhiều người. Từ đó, nâng cao vai trò vị trí khu vực kinh tế hợp tác, nòng cốt HTX. Vai trò của HTX là tổ chức sản xuất cho nông dân, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân, xóa đói giảm nghèo.

Nhóm phóng viên