Bạc Liêu: Nghề làm muối được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

23:52 24/02/2021

Mới đây, tại ấp Gò Cát (xã Điền Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) đã diễn ra lễ công bố và đón nhận bằng chứng nhận của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đối với di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Nghề làm muối ở Bạc Liêu".

Đây là lần đầu tiên Bạc Liêu có Di sản văn hóa được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và "Nghề làm muối ở Bạc Liêu" được xếp vào một trong 7 loại hình của Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, đó là loại hình nghề thủ công truyền thống.

Theo Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, từ hơn trăm năm qua, nghề làm muối ở Bạc Liêu đã trở thành văn hóa của vùng đất này, được hình thành và lưu truyền qua nhiều thế hệ. 

Cánh đồng muối tại Bạc Liêu.
Cánh đồng muối tại Bạc Liêu.

Với bề dày hơn trăm năm, nghề làm muối ở Bạc Liêu đã trở thành văn hóa của vùng đất Bạc Liêu, muối được sản xuất tại Bạc Liêu có hương vị đậm đà, không gây vị đắng, chát. 

ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Quy trình sản xuất muối ở Bạc Liêu được hình thành và lưu truyền qua nhiều thế hệ, đến nay vẫn được duy trì và áp dụng như những yêu cầu bắt buộc. Muối Bạc Liêu được sản xuất theo phương pháp công nghệ phơi nước dạng tĩnh. Diêm dân gọi phương pháp sản xuất truyền thống này là phương pháp phơi nước.

Trải qua quá trình phát triển lâu dài, công nghệ làm muối đã có sự tiến bộ hơn, các khâu cán đất, bừa, trục đất, lấy nước biển... đều được thực hiện bằng cơ giới, thay thế cho lao động thủ công. Tuy nhiên, diêm dân vẫn giữ lại những kỹ thuật sản xuất cổ truyền như phơi nước biển theo các cấp "Sa kể, nhì kề, xếp chuối" (tương ứng với các ô bay hơi sơ cấp, trung cấp và cao cấp). Do đó, trong cái vị mặn pha lẫn cái hậu ngọt của hạt muối Bạc Liêu là cả một sự kết hợp về công nghệ làm muối truyền thống xưa và hiện đại ngày nay. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: Internet) 

Dẫu có nhiều đổi thay, nhưng những làng nghề muối Bạc Liêu vẫn còn giữ được nét đẹp nguyên sơ, sản xuất độc đáo của người dân xứ biển. Muối được sản xuất tại Bạc Liêu thường có hương vị đậm đà, độc đáo vì trong muối có hàm lượng magiê, canxi, sunfat... rất thấp do không có những vùng núi đá vôi ven biển, không gây vị đắng, chát. Trong khi đó, hàm lượng Natriclorua rất cao, trung bình đạt 96,6%, xấp xỉ với tiêu chuẩn muối thượng hạng Việt Nam (97%). Điều này đã làm cho muối Bạc Liêu nổi tiếng từ xưa đến nay.

Ông Cao Xuân Thu Vân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định, nghề làm muối ở Bạc Liêu trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm tự hào của nhân dân huyện Đông Hải, huyện Hòa Bình, của người dân tỉnh Bạc Liêu, bà con diêm dân ở Bạc Liêu mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng kho tàng của Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam. Đây cũng là điều kiện để bạn bè trong nước và quốc tế hiểu biết hơn về nét đẹp, văn hóa vùng đất ven biển Hòa Bình, Đông Hải nói riêng và vùng đất Bạc Liêu nói chung.

Trần Đạt