Ba việc lớn bảo đảm dòng chảy xuất khẩu

11:00 29/09/2021

Thời gian qua, dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống Covid-19, nhất là biện pháp giãn cách xã hội đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm. Mặc dù vậy, xuất khẩu trong các tháng 4,5,6,7 vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2020 và chỉ giảm trong tháng 8.

3 việc lớn bảo đảm dòng chảy xuất khẩu

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, có được những thành công như vậy trước hết là nhờ vào sự nỗ lực cao độ của các doanh nghiệp làm công tác xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó là sự vào cuộc đồng bộ quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ đến lãnh đạo các bộ, ngành.

"Chúng ta đã làm được rất nhiều việc, thí dụ như kết nối giữa người bán và người mua, phổ biến, tuyên truyền cho các doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết" - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Tựu trung lại có 3 việc lớn đã làm được thời gian qua. 

  Xuất khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Hoành Mô (Quảng Ninh).

Một là, nỗ lực cao độ để duy trì sản xuất, xuất khẩu. Điển hình thành công là đã duy trì được nhịp độ sản xuất và xuất khẩu tại khu vực miền Bắc và khu vực miền Trung, trong đó có những trung tâm xuất khẩu rất lớn như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên. Nếu như chúng ta không kiểm soát được dịch bệnh và duy trì sản xuất, xuất khẩu lớn tại những trung tâm này thì xuất khẩu có thể giảm hơn nữa.

Hai là, dồn toàn lực bảo đảm lưu thông hàng hóa trong bối cảnh giãn cách xã hội, bao gồm hàng hóa là đầu vào cho sản xuất và xuất khẩu cũng như các hàng xuất khẩu trên đường ra các cảng biển để xuất khẩu. Ở lĩnh vực này thì các Bộ trưởng Bộ Công Thương, Giao thông Vận tải đã rất quyết liệt nên nhiều ách tắc phát sinh đã được xử lý kịp thời trong một thời gian tương đối ngắn, giữ cho dòng chảy hàng hóa xuất khẩu không bị gián đoạn.

Ba là, rút kinh nghiệm của những quốc gia khi dịch bệnh lan đến các cảng biển khiến hoạt động xuất khẩu bị tê liệt và sau đó giảm rất mạnh. Việt Nam đã lưu ý câu chuyện này từ rất sớm, giữ an toàn cho tất cả các cửa ngõ xuất khẩu. Chính vì vậy mà trong các thời điểm khó khăn nhất do dịch bệnh gây ra, các cảng biển ở khu vực TP. Hồ Chí Minh về cơ bản vẫn hoạt động an toàn. Các cửa ngõ xuất khẩu ở biên giới phía Bắc tốc độ thông quan chậm hơn thông thường nhưng về cơ bản vẫn xuất khẩu được và giúp tiêu thụ được khối lượng rất lớn nông sản hàng hóa.

"Trong 8 tháng qua, đặc biệt là từ cuối tháng 4/2021, khi dịch bệnh bùng phát, với nỗ lực của nhiều bộ, ngành cũng như nỗ lực của các doanh nghiệp, chúng ta đã giữ vững được tốc độ xuất khẩu. Đây thực sự là điểm sáng trong điều hành của Chính phủ" - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.

Cần chuyển sang xuất khẩu chính ngạch

Tổng cục Hải quan Trung Quốc thời gian vừa qua có đưa ra các quy định mới về đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và thực phẩm vào Trung Quốc từ nay trở đi sẽ phải tiến hành đăng ký để được xuất khẩu theo hình thức chính ngạch vào Trung Quốc. Quy định này chủ yếu là nhắm vào hình thức xuất khẩu trao đổi cư dân. Do vậy, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tập trung hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào Trung Quốc.

Trước đó, Bộ Công Thương đã nhiều lần khuyến nghị các doanh nghiệp là cần chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch. Bởi có thể thấy trong những thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh, xuất khẩu chính ngạch vẫn lưu thông bình thường, còn xuất khẩu tiểu ngạch tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Trong bối cảnh hiện nay để bảo đảm được tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là nông sản, các doanh nghiệp và thương nhân cần chú trọng chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Xuất khẩu chính ngạch không phải là cái gì quá khó, đơn giản là việc ký kết hợp đồng với những điều khoản cụ thể về địa điểm, thời gian, phương thức giao hàng, phương thức thanh toán và những quy định trách nhiệm, quyền lợi rõ ràng.

Theo Báo Công thương