Ba tấm gương doanh nghiệp nhỏ tại Canada phát triển trong đại dịch

16:28 18/03/2021

Trong 12 tháng qua, có không ít những chủ doanh nghiệp trên khắp Canada rơi nước mắt vì toàn bộ hoạt động kinh doanh đã bị ngừng trệ nhưng bên cạnh đó vẫn có những câu chuyện thành công đem lại “cầu vồng sau cơn mưa”.

Một năm sau khi bắt đầu đại dịch COVID-19, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ ở Canada vẫn đang cố gắng từng ngày để tồn tại. Hàng chục nghìn cơ sở kinh doanh dự kiến ​​sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn ngay cả khi nền kinh tế trở lại bình thường do hậu quả của nợ tích lũy quá lâu trong thời gian qua.

Dan Kelly, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Liên đoàn Độc lập Canada cho biết, cuộc giải cứu liên bang đối với các doanh nghiệp nhỏ trong nước đã diễn ra chậm chạp và bị ảnh hưởng bởi những điều chỉnh đáng kể như trợ cấp tiền lương và hỗ trợ tiền thuê thương mại. Trong số vô số cuộc trò chuyện của Kelly với các doanh nhân trên khắp Canada trong 12 tháng qua, có không ít những chủ doanh nghiệp rơi nước mắt vì toàn bộ hoạt động kinh doanh đã bị ngừng trệ nhưng bên cạnh đó vẫn có những câu chuyện thành công đem lại “cầu vồng sau cơn mưa”.

Global News đã có buổi chia sẻ với ba doanh nhân hoạt động trong một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Canada về cách họ xoay sở và tìm ra phương án để tồn tại như thế nào.

Marlene Thorne 

Marlene Throne
Marlene Throne. (Ảnh: internet)

Trước đại dịch, Famous Last Words là một quán bar khá có tiếng tại Toronto hoạt động đông khách nhất vào tháng ba và cuối đông đầu xuân. Cơ sở kinh doanh của Throne thường tổ chức các câu lạc bộ sách và các sự kiện công ty với lượng khách trung thành trên khắp các địa phương. Từ một quán bar nhộn nhịp tại vị trí đắc địa, sầm uất, Famous Last Words trở nên trống vắng do không có khách hàng khi dịch bệnh ập đến và khu vực xung quanh cũng u ám y như một thành phố ma. Nguồn thu duy nhất là thẻ quà tặng mà bà chủ Throne bán trực tuyến.

Để tồn tại, Throne đã nảy ra ý tưởng cung cấp các lớp dạy pha chế cocktail trực tuyến. Cứ như vậy chỉ sau một năm, Throne không những mở rộng thêm nhiều các khóa học mà còn nâng tầm các loại cocktail thành “nghệ thuật tinh tế”. Cô gửi đến cho khách hàng những bản thành phần đơn giản và dễ tiếp cận. Nhờ đó các học viên tìm đến lớp học pha chế cũng trở nên đa dạng, trong đó có cả các công ty lựa chọn dịch vụ của Throne cho các hoạt động team buiding từ xa.

Ngoài ra, các bữa tiệc tốt nghiệp cử nhân, các dịp sinh nhật và sự kiện gia đình cũng là một nguồn nhu cầu lớn cho quán bar. Hiện tại Thorne hiện cũng cung cấp các lớp học cho từng khách hàng quen với giá 40 đô la. Tuy rằng các lớp học không đủ để trang trải tất cả các chi phí chung của việc kinh doanh nhưng cùng với viện trợ của chính phủ liên bang và tỉnh đã giúp Throne vượt qua đợt căng thẳng nhất.

Joyce Jebose 

Joyce Jebose
Joyce Jebose. (Ảnh: internet)

Joyce’ s Closet, một cửa hàng thời trang ở Calgary đã giảm một nửa doanh thu sau một đêm và tình trạng kéo dài ba tuần do tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, nhờ có sự hiện diện mạnh mẽ trên phương tiện truyền thông xã hội trước đó như Instagram và Facebook, với hơn 50% doanh thu đến từ các khách hàng quốc tế, Jebose đã quyết định chuyển sang hoạt động kinh doanh trực tuyến hoàn toàn. Trước đại dịch, Jebose chỉ chụp quần áo trên mặt sàn và chụp ảnh đăng lên mạng xã hội nhưng với tình hình nhạy cảm và khách hàng không thể đến tận nơi kiểm tra, cô đã nhờ trợ lý làm mẫu để người mua có thể tưởng tượng vóc dáng của sản phẩm. Ngoài ra, Jebose cũng mở rộng hoạt động trên mạng xã hội của cửa hàng sang các nhóm Facebook, Facebook Marketplace, eBay, Depop và Etsy. .

Ngay lập tức, Jebose nhận được sự phản hồi tốt của khách hàng và nhu cầu mua hàng tăng lên nhanh chóng, vượt xa kỳ vọng của cô. Vào cuối năm 2020, doanh thu hàng năm đã tăng gấp ba lần so với 60.000 đô la mà cô đã kiếm được vào năm trước và thậm chí Joyce Closet đã không sử dụng một đồng hỗ trợ nào của chính phủ.

Curtis Christopherson 

Curtis Chirstopherson
Curtis Chirstopherson. (Ảnh: internet)

Tại Vancouver, trung tâm thể dục thể thao của Curtis Christpherson không thoát khỏi “bàn tay” của đại dịch khi cơ sở kinh doanh phải đóng cửa hoàn toàn vào tháng 3 năm ngoái. Ông chủ Christopherson dự kiến tình trạng này sẽ kéo dài sáu tuần và tồi tệ nhất là sáu tháng. Tuy nhiên điều anh lo lắng nhất là 25 năm xây dựng văn hóa cộng đồng dựa trên các khách hàng doanh nghiệp của trung tâm sẽ đổ sông đổ bể chỉ trong một thời gian ngắn.

Trong khi xu hướng các phòng tập thể dục và yoga chuyển sang dạy qua phần mềm Zoom và các nền tảng khác thì Innovative Fitness của Chirstopherson đã thực hiện một bước tiến mới là xây dựng lớp thể dục ảo trên phần mềm của riêng mình. Đầu năm 2020, cơ sở kinh doanh của anh đã cho ra mắt một nền tảng độc quyền giúp khách hàng lên lịch tập và dễ dàng thanh toán. Vào ngày 30 tháng 3, Innovative Fitness đã tổ chức buổi tập ảo đầu tiên. Trong vòng ba tuần đầu, tỷ lệ khách hàng chấp nhận phương thức mới từ 30 đến 40%, đến cuối tuần thứ tám, con số này đã đạt 70%. Cũng theo Chirstopherson chia sẻ, nagy cả sau khi hoạt động kinh doanh mở cửa trở lại, các dịch vụ đào tạo trực tuyến vẫn được đón nhận ở mức khoảng 30 đến 35%.

Ngoài ra, các dịch vụ đã thu hút khách hàng từ khắp Bắc Mỹ và các địa phương như L.A., Chicago, Boston, New York, St. Louis. Christopherson cho biết anh sẽ phát triển loại hình này thành một loại nền tảng thể dục mới với tiềm năng phát triển trên toàn cầu.

TL