Australia chính thức thông qua luật mới nhắm tới các nền tàng như Facebook, Google

15:49 25/02/2021

Chính phủ Australia đã thông qua luật mới yêu cầu các nền tảng kỹ thuật số như Facebook và Google trả tiền cho các nhà xuất bản và phương tiện truyền thông địa phương để liên kết nội dung của họ trên nguồn cấp tin tức hoặc trong kết quả tìm kiếm.

Động thái này đã nhận được sự mong đợi rộng rãi và diễn ra vài ngày sau khi Chính phủ Australia đưa ra một số sửa đổi vào phút cuối đối với dự luật được đề xuất, có tên gọi chính thức là "Bộ luật Thương lượng Bắt buộc của Nền tảng Truyền thông và Kỹ thuật số".

Trước đó hôm 22/2, Facebook đã thông báo sẽ khôi phục các trang tin tức ở Australia sau khi có hành động chặn quyền truy cập vào nội dung tin tức ở Australia vào tuần trước để trả đũa dự luật này.

Ông Paul Fletcher, Bộ trưởng Truyền thông của Australia, chia sẻ trên Twitter: "Chúng tôi tin rằng Bộ quy tắc sẽ hỗ trợ lĩnh vực tin tức công cộng đa dạng và bền vững ở Australia".

Bộ trưởng Tài chính Australia, ông Josh Frydenberg, cho biết, luật sẽ "giúp sân chơi bình đẳng" và đảm bảo các doanh nghiệp truyền thông báo chí Australia được trả tiền để sáng tạo nội dung gốc.

Các quan chức nước này cũng cho biết thêm với CNBC rằng, luật mới sẽ được Bộ Tài chính xem xét trong vòng một năm kể từ khi có hiệu lực.

Chính phủ Australia từng thúc giục các công ty công nghệ thỏa thuận về việc tự nguyện trả tiền khi lấy tin tức từ các tổ chức báo chí địa phương nhưng không đi đến kết quả. Từ giữa năm ngoái, Australia đã thúc đẩy ban hành Bộ quy tắc thương lượng truyền thông.

Mục đích của luật là tạo ra khuôn khổ pháp lý cho việc đàm phán bình đẳng giữa các công ty công nghệ lớn trên thế giới (vốn được coi là có sức mạnh thị trường lớn hơn hẳn so với các hãng tin tức nội địa) để thông qua đó buộc các công ty này (trước hết là Google và Facebook) trả tiền cho nội dung tin tức của các tổ chức báo chí nội địa xuất hiện trên các nền tảng công nghệ.

Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh hoạt động báo chí ở Australia ngày càng gặp nhiều khó khăn do bị mất nguồn thu quảng cáo một cách đáng kể vào tay các công ty công nghệ.

Hôm 18/2, mạng xã hội lớn nhất thế giới đã chặn mọi bài báo của Australia xuất hiện trên nền tảng này ở phạm vi toàn cầu như một phương thức nhằm phản đối trả tiền cho các công ty truyền thông dẫn liên kết tới trang của họ theo đúng yêu cầu của Luật Thương lượng truyền thông Australia.

Quyết định này của Facebook được đưa ra chỉ sau vài giờ khi Google (cũng là mục tiêu bởi dự luật mới) ký bản thỏa thuận với Công ty News Corp (Australia) của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch với mục đích tiếp tục dẫn liên kết tới bài viết của hãng tin.

Theo tờ The Economist, Facebook cho rằng vào năm ngoái họ đã đem đến 5,1 tỷ lượt nhấp chuột cho các nhà xuất bản tin tức ở Australia, kiếm về 317 triệu USD. Theo nhà mạng xã hội này, đây là một mối làm ăn có lời đối với các nhà xuất bản.

Tuy vậy, dưới sức ép của Chính phủ và dư luận Australia, Facebook đã buộc phải nhượng bộ và khôi phục các trang tin tức của nước này trên nền tảng của mình, đồng thời quay lại bàn đàm phán.

Chủ tịch Microsoft, ông Brad Smith, nêu quan điểm rằng luật mới của Australia là "một bước tiến lớn". Ông Smith viết trong một tweet rằng luật này sẽ "đảm bảo các nhà xuất bản và nhà báo được trả một khoản công bằng hơn cho công việc của họ".

Trước đó, phía Microsoft đã công khai ủng hộ luật truyền thông mới của Australia sau khi Google ban đầu đe dọa rút tính năng "Tìm kiếm" của họ khỏi quốc gia này. Theo công ty phân tích web StatCounter, công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft chỉ nắm giữ 3,6% thị phần ở quốc gia này, quá nhỏ bé so với tỷ lệ thị phần 94,5% của Google.

Luật mới của Australia có thể tạo tiền lệ cho các quốc gia khác áp dụng để ban hành các quy định điều chỉnh các công ty công nghệ lớn như Facebook và Google. Đơn cử như Pháp đã thực hiện một số hành động để khiến các công ty công nghệ trả tiền cho tin tức, trong khi Canada và Anh đang xem xét các bước tiếp theo của họ.

PV