Apple thỏa hiệp các chính sách ở Trung Quốc và đây không phải là gã khổng lồ công nghệ duy nhất làm như vậy

10:19 20/05/2021

Apple sẽ chia sẻ dữ liệu người dùng với Trung Quốc, cũng sẽ giao chìa khóa để có thể giải mã dữ liệu cho chính phủ nước này.

Gã khổng lồ công nghệ Mỹ Apple đã thực hiện một số thỏa hiệp như lưu trữ dữ liệu người dùng trên các máy chủ của nhà nước Trung Quốc - mâu thuẫn với chính sách quyền riêng tư của chính họ và đồng thời cũng đưa ra lệnh kiểm duyệt lại ứng dụng xung đột với các quy định tại địa phương. Những động thái này đều với mong muốn nhắm vào thị trường Trung Quốc, vốn là một khu vực quan trọng đối với Apple, cả về doanh số bán sản phẩm và dịch vụ cũng như chuỗi cung ứng. Theo báo cáo, Apple lắp ráp gần như tất cả các sản phẩm của mình tại Trung Quốc và 1/5 doanh số bán hàng của họ đến từ nước này.

Tim Cook, CEO của Apple
Tim Cook, CEO của Apple.

Thỏa hiệp từ phía Apple

Một trong những phát hiện chính của cuộc điều tra mới đây trên trang New York Times là Apple sẽ chia sẻ dữ liệu của người dùng Trung Quốc với chính phủ, điều này đi ngược lại các chính sách thân thiện với người dùng được hãng xây dựng từ trước đến nay. 

Apple đang xây dựng một trung tâm dữ liệu ở Quý Dương, dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào tháng tới. Chính phủ Trung Quốc sẽ kiểm soát và vận hành trung tâm dữ liệu, nơi các máy chủ của công ty công nghệ sẽ lưu trữ dữ liệu của người dùng tại địa phương, mặc dù đã được mã hóa. Nhưng chìa khóa để giải mã các tập tin như vậy cũng sẽ được lưu giữ ở Trung Quốc.

Chiến lược thông thường của Apple là gửi dữ liệu đến các máy chủ chính của họ ở Hoa Kỳ thông qua điện toán đám mây và giữ nó được mã hóa. Quá trình mã hóa được bảo mật mà bất cứ công ty nào cũng không thể truy cập được.

Các quy định của Hoa Kỳ trước đây đã cấm Apple giao dữ liệu cho các nhà chức trách Trung Quốc.

Nhưng giờ đây, một công ty Trung Quốc, Guizhou-Cloud Big Data (GCBD), là chủ sở hữu hợp pháp của khách hàng sử dụng iCloud (một dịch vụ lưu trữ và điện toán đám mây của Apple) tại Trung Quốc.

Gã khổng lồ công nghệ đã trao quyền sở hữu khóa mã hóa cho người dùng iCloud Trung Quốc tại quốc gia này vào năm 2018 theo luật của Trung Quốc vào thời điểm đó.

Trong một tuyên bố với The New York Times, Apple cho biết họ phải tuân theo luật pháp ở Trung Quốc và làm mọi thứ có thể để bảo vệ an ninh và quyền riêng tư đối với dữ liệu của khách hàng tại quốc gia này.

Apple cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ xâm phạm đến bảo mật của người dùng hoặc dữ liệu của họ ở Trung Quốc hoặc bất cứ nơi nào chúng tôi hoạt động.

Các thỏa hiệp không kết thúc ở đây. Theo báo cáo điều tra, khoảng 55.000 ứng dụng khiến Bắc Kinh không hài lòng đã biến mất khỏi App Store ở Trung Quốc kể từ năm 2017.

Các ứng dụng tin tức, ứng dụng nhắn tin nước ngoài, dịch vụ hẹn hò đồng tính, cũng như các nền tảng như VPN cho phép người dùng vượt qua các hạn chế internet đều đã biến mất.

Mức độ quan trọng của thị trường Trung Quốc  

Theo một báo cáo trên Tạp chí World Politics Review, đã có một cuộc tranh cãi gay gắt giữa chính phủ Trung Quốc và Google trong giai đoạn 2006-2010. Mặc dù đồng ý kiểm duyệt kết quả tìm kiếm của mình theo các quy tắc của Trung Quốc, Google vẫn gặp rắc rối do các lớp kiểm soát internet khác nhau. Công ty cũng liên tục nhận được các khiếu nại chính thức từ các cơ quan quản lý Trung Quốc rằng họ đã không chặn được các nội dung xấu và các trang web bất hợp pháp khác.

Vào tháng 8 năm 2018, các báo cáo chỉ ra rằng lãnh đạo cấp cao của Google đã giới thiệu một công cụ tìm kiếm và nền tảng tin tức ở Trung Quốc tuân thủ theo các yêu cầu của cơ quan kiểm duyệt. 

Năm 2017, hai nhà sản xuất chip lớn nhất là Qualcomm và AMD đã bắt đầu làm việc trực tiếp với Chính phủ tỉnh Quý Châu của Trung Quốc để thiết lập nhà máy sản xuất các bộ phận quan trọng cho máy chủ internet. Cisco - Công ty hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin và kết nối mạng đã chia sẻ một số tài sản trí tuệ của mình với một công ty Trung Quốc vào năm 2015.

Nhà sản xuất máy tính hầng đầu của Mỹ Dell và HP cũng đã trao đổi thông tin IP với Trung Quốc.

Vào đầu năm 2017, nhà sản xuất ổ cứng Seagate đã rút khỏi Trung Quốc với lý do luật thuế áp bức và đối xử không công bông bằng đối với các công ty nước ngoài. 

Bảo Bảo (Theo CNBC)