Áp thuế đường gần 48% sau một năm thực hiện: Thái Lan muốn Việt Nam xem lại quyết định

22:28 21/06/2021

Tờ Bangkok Post dẫn lời ông ông Keerati Rushchano, Vụ trưởng Vụ Ngoại thương, Bộ Thương mại Thái Lan, cho biết sau 1 năm Việt Nam áp thuế chống phá giá và thuế chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường của Thái Lan, nước này sẽ yêu cầu Việt Nam xem xét lại quyết định trên.

“Chúng tôi cho rằng vẫn còn một số điều không chắc chắn, như thiệt hại gây ra bởi các sản phẩm đường của Thái Lan tại Việt Nam”, Vụ trưởng Vụ Ngoại thương Thái Lan nói. 

Thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, thuộc mã HS 1701.13.00, 1701.14.00, 1701.99.10, 1701.99.90, 1702.90.91 sẽ bị áp thuế chống bán phá với giá chính thức là 42,99% và mức thuế chống trợ cấp chính thức là 4,65%. Quyết định có hiệu lực từ 16/5 và thời hạn 5 năm.

Văn phòng Ủy ban Mía đường (OCSB) và Tập đoàn Mía đường Thái Lan (TSMC) cho biết thuế chống bán phá giá trên sẽ không ảnh hưởng đến các nhà sản xuất đường và nông dân Thái Lan. 

Nhận định trên xuất phát từ thực tế dù thị trường Việt Nam chiếm khoảng 26% thị phần xuất khẩu đường của Thái Lan trong ASEAN và 18,5% toàn cầu, nhưng vẫn không đủ để gây áp lực lên giá đường trong nước và xuất khẩu của Thái Lan. 

Giá đường toàn cầu mới là tác nhân trực tiếp gây ảnh hưởng đến nông dân và các nhà sản xuất nước này. Trong khi đó, theo TSMC, các doanh nghiệp kinh doanh và môi giới đường sẽ bị ảnh hưởng bởi mức thuế này do nhóm thương mại vốn nhạy bén với sự tăng/giảm về giá và tình hình cung/cầu trên thị trường. 

Bộ Công Thương thông tin sau khi Việt Nam áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp sơ bộ với sản phẩm mía đường có xuất xứ từ Thái Lan, sản lượng nhập khẩu đã giảm 75%. Cụ thể, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan đã giảm từ mức bình quân 110.000 tấn vào 2020, xuống còn khoảng 28.000 tấn. Mức thuế chống bán phá giá tạm thời 33,88% được đưa ra tại kết luận sơ bộ vụ việc hồi tháng 2 năm nay.

Lâm Nghi