Ảnh hưởng của nền kinh tế châu Âu đối với thế giới

00:00 12/10/2020

Bài viết trên trang touteleurope.eu có nội dung xoay quanh sự vận hành của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu cũng như việc EU có những quy định gì để vận hành nền kinh tế khổng lồ của khối này.

Trụ sở của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tại Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

*Thực trạng kinh tế châu Âu

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), với giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức 17.300 tỷ USD trong năm 2017, EU là cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới (đã từng là nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2014). EU chiếm 21% GDP của thế giới, sau Mỹ (24%) và trước Trung Quốc (15%), Nhật Bản (6%), Ấn Độ (3%) và Canada (2%). Tuy nhiên, nếu xét về thu nhập quốc gia trên đầu người thì châu Âu với con số khoảng 41.000 USD/người trong năm 2017, thua xa Qatar (128.000 USD/người) và Mỹ (60.000 USD/người)

Tương tự phần còn lại của thế giới, EU đã bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới bùng phát từ năm 2008. Sau nhiều giai đoạn suy thoái, EU đã lấy lại được đà tăng trưởng kể từ năm 2013 với GDP tăng ít nhất 2%/năm kể từ năm 2015. Mặt khác, lần đầu tiên kể từ năm 2008, GDP của tất cả các quốc gia EU đã bắt đầu tăng trưởng trở lại vào năm 2017.

Cuộc khủng hoảng cũng đã gây ra sự bùng nổ về thâm hụt ngân sách và nợ công tại các quốc gia thành viên, đặc biệt là trong khu vực Eurozone. Tuy nhiên, các vấn đề này đã được hạn chế rõ rệt. Thâm hụt ngân sách của Eurozone chỉ ở mức 0,1% GDP vào quý II/2018, trong khi đó, cũng thời điểm này, nợ quốc gia ở mức 86% GDP.  

Tỷ lệ thất nghiệp cũng ở mức cao khi nổ ra khủng hoảng, thì nay đã giảm xuống còn 6,6% vào tháng 1/2019 tại EU (7,9% trong Eurrozone). Ngoài ra, EU còn là cường quốc thương mại lớn nhất thế giới. Trao đổi thương mại của EU với thế giới chiếm 15% trao đổi thương mại toàn cầu.

*Những khác biệt nội khối

Bên trong EU, sự phồn thịnh của mỗi quốc gia cũng có những khác biệt. Như 5 nền kinh tế lớn nhất EU (Đức, Anh, Pháp, Italy và Tây Ban Nha) chiếm tới 67% GDP của EU năm 2017.

Tại EU, GDP bình quân đầu người vẫn có những chênh lệch lớn. Ở các nước Bắc Âu con số này là 34.000 USD trong khi tại các nước Đông Âu chỉ là 28.000 USD. GDP trên đầu người cao nhất là tại Luxembourg, đạt trên 85.000 USD, cao gấp 2,5 lần so với mức trung bình của EU (trên 33.000 USD) năm 2017. Trái lại, GDP bình quân đầu người tại Bulgaria lại thấp hơn 50% so với GDP trung bình của EU, chỉ ở mức 16.500 USD. 

Tuy nhiên, EU cũng đã ghi nhận một số đồng nhất tương đối về mức sống trong khối, với đa phần các quốc gia thành viên tham gia liên minh vào các năm 2004, 2007 hoặc 2013 đã tiến gần tới mức trung bình của EU, mặc dù vẫn tồn tại một số mặt trái do cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính thế giới năm 2008 gây ra. 

Trao đổi thương mại bên trong Eurozone tiếp tục gia tăng, đạt hơn 3.760 tỷ euro năm 2017, cao gần gấp đôi mức xuất khẩu của EU sang các nước ngoài EU. Trong khi đó, Đức chiếm tới 22,4% tổng giá trị trao đổi thương mại nội khối, còn Pháp chỉ chiếm 12%. 

Cộng đồng Kinh tế chung châu Âu được thành lập vào năm 1957, phỏng theo mô hình Cộng đồng Than Thép châu Âu, vốn được lập ra để loại bỏ các rào cản về lưu chuyển mặt hàng than và thép, phục vụ một phần các mục tiêu kinh tế. 

Với thị trường chung và liên minh thuế quan, Cộng đồng Kinh tế chung châu Âu hướng tới thúc đẩy tăng trưởng của châu lục, vốn dĩ bị phân mảnh bằng cách thúc đẩy hơn nữa sự hội nhập kinh tế giữa các quốc gia thành viên. Được thành lập năm 1986, thị trường chung tăng cường sự hội nhập này bằng cách thiết lập “4 tự do” (tự do di chuyển tài sản, dịch vụ, vốn và con người).

Cùng với hiệp ước Maastricht, một số quốc gia đã quyết định đi xa hơn nữa bằng việc thành lập một “Liên minh kinh tế và tiền tệ” với đồng tiền chung là euro. Liên minh này đi vào hoạt động năm 1999 với mục tiêu một lần nữa thúc đẩy trao đổi giữa các quốc gia thành viên, và đặc biệt đưa tới việc hình thành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). 

Mặt khác, “Liên minh kinh tế và tiền tệ” này còn kéo theo một “hiệp ước ổn định và tăng trưởng”, qua đó đặt điều kiện cho các quốc gia thành viên phải duy trì mức độ thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia trong một phạm vi nhất định (tương ứng ở các mức 3% GDP và 60% GDP).

Hiện nay, có 19 quốc gia là thành viên Eurozone. Một số quốc gia sau khi đã suy nghĩ cân nhắc đã không tham gia Eurozone (gồm Anh, Đan Mạch, Thụy Điển), trong khi một số nước khác lại chưa thỏa mãn được các tiêu chí kinh tế để tham gia.

Cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế năm 2008 đã bộc lộ một số thiếu sót trong phối hợp kinh tế của các quốc gia châu Âu: thiếu sự đồng nhất giữa các nền kinh tế châu Âu, các cơ chế đoàn kết không hiệu quả, sự yếu kém của các ngân hàng…

Để đối phó với những vấn đề này, nhiều công cụ đã được thiết lập hoặc tăng cường sau khủng hoảng. Có thể kể tới một trong những số đó là “Chu kỳ 6 tháng của EU” (Chu kỳ điều phối chính sách kinh tế và ngân sách bên trong EU, trong khuôn khổ quản trị kinh tế của EU). Công cụ này cho phép EU kiểm soát tốt hơn tài khoản của mỗi quốc gia thành viên nhằm tránh mọi nguy cơ bị mất kiểm soát về ngân sách của một trong các quốc gia thành viên có thể đưa tới hiểm họa cho các nước khác.

Nhiều nước Nam Âu, đứng đầu là Hy Lạp, đã bị ảnh hưởng nặng nề do khủng hoảng. Các quốc gia này và các ngân hàng đang gặp khó khăn đã nhận được sự trợ giúp về tài chính với các điều kiện kèm theo từ một cơ chế ổn định kinh tế và tài chính của châu Âu. 

Về phần mình, ECB đã mua lại các khoản nợ xấu của các nước đang gặp khó khăn, một biện pháp bị xem là cấm kỵ, đặc biệt là Đức phản đối mạnh mẽ vấn đề này. Liên minh ngân hàng cũng nằm trong số các công cụ giúp ổn định tài chính của EU, nhưng hiện nay cơ chế của nó vẫn chưa được hoàn thiện, cho phép cảnh báo và quản lý các ngân hàng có nguy cơ phá sản.     

*Những hạn chế của nền kinh tế châu Âu và đồng euro

Kinh tế châu Âu là nội dung chính trong các cuộc tranh luận về EU. Nếu việc đưa EU trở thành một cường quốc kinh tế thế giới là một điều không còn phải bàn cãi, thì thất bại chính của nó lại là việc duy trì vị thế đó, vì kể từ khi xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới 2008, trong EU đang gia tăng sự bất bình đẳng giữa các quốc gia thành viên, đặc biệt là trong Eurozone.

Đối với một số chuyên gia kinh tế (Patrick Artus, Michel Aglietta…), sự khác biệt này là tính cố hữu của Eurozone, như vốn nó đã được xây dựng như vậy, bởi vì liên minh tiền tệ này thiếu một liên minh ngân sách cho phép lưu chuyển những khoản tài chính lớn. Hiện khối chưa thể giải quyết dứt điểm vấn đề này vì hiện Đức đang phản đối.

Nước này muốn duy trì các chính sách ngân sách quốc gia, trong khi từ năm 2016, Ủy ban châu Âu đã “nài nỉ” các quốc gia có thặng dư ngân sách gia tăng đầu tư vào lợi ích của EU. Năm 2018, các quốc gia thành viên Eurozone đã phê chuẩn ý tưởng về một công cụ ngân sách dành cho khu vực này. Đây có thể là một bước đi đầu tiên theo hướng này.

Một cuộc tranh luận khác về quản lý khủng hoảng và cải cách, đôi khi là các biện pháp thắt lưng buộc bụng do EU và các Bộ trưởng Tài chính của các quốc gia thành viên Eurozone thúc đẩy. Một chính sách nhằm giảm thâm hụt ngân sách công thường bị cho là cực đoan thậm chí là phản tác dụng, đặc biệt là trong quản lý khủng hoảng Hy Lạp, và điều này đã làm ảnh hưởng lớn tới hình ảnh của EU trong mắt các công dân của mình.

Tại Pháp cũng như tại những nước khác, một số đảng phái, đa phần là các đảng dân túy, đã xem xét việc đề xuất rút khỏi Eurozone, mặc dù nhiều nhà kinh tế cho rằng một kịch bản như vậy xảy ra sẽ gây thiệt hại lớn cho những quốc gia liên quan. Vấn đề tương tự cũng đã đặc biệt được đặt ra đối với Hy Lạp khi nước này đang chìm sâu vào khủng hoảng. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này dường như đã không còn được đa số các đảng tại Pháp đề cập, kể các thành phần cực đoan./.

Đức Hùng (P/v TTXVN tại Brussels)