Ẩn họa từ gian lận xuất xứ

00:00 12/10/2020

Hai vấn đề doanh nghiệp Việt phải đối mặt trong bối cảnh hội nhập là không đáp ứng được quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan và tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa.

Hôm nay, 21-9, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP HCM tổ chức chương trình Cà phê Doanh nhân lần thứ 47 với chủ đề: "Xuất xứ hàng hóa trong bối cảnh hội nhập". Báo Người Lao Động ghi nhận những vướng mắc thực tế liên quan đến xuất xứ hàng hóa trước thềm chương trình.

Nguy cơ giảm uy tín hàng Việt

Theo đó, một DN lớn ngành thép (đề nghị giấu tên) chia sẻ hàng loạt khó khăn khi DN ngành này trong nước đang trong cuộc "đại chiến" quyết liệt về việc tăng thuế hay không tăng thuế để chặn thép Trung Quốc gian lận xuất xứ hàng Việt để hưởng ưu đãi khi xuất sang nước thứ ba. Thực tế, đã có hiện tượng thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam thông qua một số khâu chế biến, gắn nhãn "Made in Vietnam" rồi xuất khẩu hưởng thuế suất thấp và né thương chiến Mỹ - Trung. Việc này cũng đưa hàng Việt vào thế nguy hiểm khi các nước nhập khẩu, đặc biệt là Mỹ, có thể "để mắt" về vấn đề giả mạo xuất xứ, khiến hàng Việt bị giảm uy tín trên thị trường.

Tuy nhiên, theo DN này, nếu đánh thuế thép nhập khẩu đầu vào hàng loạt DN sản xuất tôn mạ trong nước sẽ gặp khó khăn do chi phí đầu vào tăng. Thậm chí, đã có DN phải ngừng một dây chuyền sản xuất bồn inox do không cạnh tranh được về giá. "7 tháng đầu năm 2019, sản lượng tôn mạ của nhiều DN giảm 5%-20%. Hầu hết phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động. DN tôn mạ không thể không nhập khẩu nguyên liệu đầu vào bởi tương lai, nhà máy thép Hòa Phát - Quảng Ngãi đi vào sản xuất và cho ra 2 triệu tấn nguyên liệu mỗi năm cũng chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu. Việc nhà nước nên làm là nghiên cứu chính sách phù hợp để bảo hộ DN nội trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi gian lận xuất xứ" - vị đại diện DN bày tỏ ý kiến.

Ẩn họa từ gian lận xuất xứ - Ảnh 1.

Một lô hàng thiết bị điện thoại di động do Trung Quốc sản xuất nhưng gắn mác Việt Nam bị phát hiện ở Hải Phòng hồi tháng 8 Ảnh: Trọng Đức

Thừa nhận tình trạng DN nêu như trên, ông Nguyễn Phi Phùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, tại một hội nghị mới đây cũng cho biết hiện có rất nhiều hàng hóa Trung Quốc được biến hóa thành hàng Việt. Đây không chỉ là thách thức với cơ quan quản lý nhà nước mà còn gây bức xúc với người tiêu dùng.

Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư TP HCM, nhận định ngoài gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam còn tác động không nhỏ đến sản xuất trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam. Ông Hòa kiến nghị tạo hành lang pháp lý phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng. Trong đó, quy định về ghi nhãn "Made in Vietnam" cần được gấp rút hoàn thiện để chặn dấu hiệu gian lận.

Đào tạo thủ tục xin cấp C/O ưu đãi

Dưới góc độ DN xuất khẩu trong nước, để được hưởng ưu đãi thuế quan đến từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), cần nắm chắc điều kiện ưu đãi cũng như thủ tục, quy trình xin cấp ưu đãi, trong đó có chứng nhận xuất xứ (C/O).

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) lưu ý các hiệp hội ngành hàng, DN, nghiên cứu kỹ và thực hiện đúng các quy định về xuất xứ hàng hóa; chú trọng đào tạo cán bộ nghiệp vụ chuyên phụ trách hoạt động về C/O để biết cách kê khai và biết được thủ tục xin cấp C/O. Nếu không thực hiện được, hiệu quả của quá trình đàm phán FTA nhằm mang lại lợi ích cho DN xuất khẩu trong nước sẽ bằng 0.

Ngoài ra, cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, DN cần đầu tư kinh phí thích đáng cho nghiên cứu cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, nghiên cứu các yêu cầu và tiêu chuẩn xuất xứ của từng khu vực thị trường cụ thể, nắm bắt rõ thông tin về các mặt hàng và thị trường được hưởng thuế ưu đãi. Đồng thời, nỗ lực thâm nhập các thị trường mới trong FTA để tăng sự lựa chọn, tránh rủi ro của việc "bỏ trứng vào một giỏ". Những quy định về cộng gộp xuất xứ ưu đãi cũng cần được nắm chắc để hạn chế thiệt thòi.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh vai trò kết nối, cung cấp thông tin, hướng dẫn cho DN của các hiệp hội ngành hàng. Từ đó, DN có kế hoạch hành động phù hợp với đặc thù của ngành hàng, của thị trường xuất khẩu. "Quan trọng nhất vẫn là DN nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đầu tư công nghệ, tiết giảm lao động, chi phí sản xuất, cải thiện mẫu mã…; điều chỉnh sản xuất - kinh doanh cho hợp lý, nhanh chóng tiếp cận thị trường khi cơ hội đang rộng mở" - bà Trang lưu ý.

Về mặt vĩ mô, nhà nước cần đẩy nhanh hoàn thiện chính sách, đưa ra giải pháp hỗ trợ cho DN tận dụng ưu đãi về thuế quan, như đơn giản hóa về chứng nhận C/O; hỗ trợ DN hiểu được quy định, cam kết phức tạp trong FTA…

Bộ Công Thương đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Dự kiến, hội thảo xin ý kiến về dự thảo thông tư này được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 25-9 và tại TP HCM vào ngày 27-9 do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chủ trì.

Theo Phương Nhung