Ấn Độ muốn “kéo đám mây” về nước mình

00:00 12/10/2020

Tại Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ dữ liệu di động lớn nhất toàn cầu, việc siết chặt gọng kiềm pháp lý lên hoạt động thu thập và sử dụng thông tin của những gã khổng lồ nước ngoài đang là vấn đề nhức nhối. Trong mắt chính phủ Ấn Độ, đây là điều nên làm, nhưng với Mỹ và các doanh nghiệp của họ, việc này là cái gai cần nhanh chóng nhổ bỏ.

Tại buổi nói chuyện với nhà sử học và tác giả Yuval Noah Harari, CEO của Facebook Mark Zuckerberg thừa nhận rằng, gần đây nhu cầu địa phương hóa dữ liệu tại Ấn Độ đang ngày một trở nên cấp thiết. Tuy vậy nếu Facebook thỏa mãn nhu cầu trên, nó có thể trở thành một tiền lệ xấu, khuyến khích việc địa phương hóa thông tin bị sử dụng sai lệch tại những quốc gia khác. 

Ấn Độ muốn “kéo đám mây” về nước mình - ảnh 1

Chủ tịch Reliance Industries, Mukesh Ambani phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu Vibrant Gujarat. Ảnh: AP Photo/Ajit Solanki.

Một trong số những người lên tiếng yêu cầu địa phương hóa nội dung tại Ấn Độ là chủ tịch Reliance Industries, ông Mukesh Ambani. Ông tuyên bố rằng thông tin của người Ấn Độ chỉ nên thuộc quyền sở hữu của chính họ. Nhận định này của người đàn ông giàu nhất Ấn Độ đã làm bùng lên tranh cãi xoay quanh việc địa phương hóa nội dung tại Ấn Độ - thị trường Internet có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. 

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu Vibrant Gujarat, nơi tập hợp các lãnh đạo doanh nghiệp và công nghệ, Ambani đã đốc thúc chính phủ Ấn Độ đưa ra những quy định chấm dứt nạn "thực dân hóa thông tin" mà các công ty nước ngoài đang thực hiện. Theo ông, thông tin là "nguồn dầu mỏ và của cải" trong thời đại mới. Vì thế việc "trao trả quyền điều khiển và sở hữu thông tin của Ấn Độ về tay Ấn Độ" là một vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết.

"Thông tin của Ấn Độ phải do người Ấn Độ, chứ không phải bất cứ công ty toàn cầu nào kiểm soát và sở hữu," Ambani nhấn mạnh.

Chủ tịch của Reliance Industries chỉ ra rằng các công ty nước ngoài đang gặt hái được những thành tựu to lớn tại thị trường Ấn Độ. Các doanh nghiệp Mỹ hiện là thế lực lớn có sức chi phối mạnh mẽ trên thị trường Internet Ấn Độ. Người khổng lồ Amazon đang ngồi vững ở vị trí doanh nghiệp bán lẻ thành công thứ nhì tại Ấn Độ, trong khi đó ứng dụng nhắn tin WhatsApp của Facebook hiện là ứng dụng điện thoại phổ biến nhất và hệ điều hành của Google cũng đang được sử dụng với hàng trăm triệu thiết bị di động tại thị trường Ấn Độ.

Ấn Độ muốn “kéo đám mây” về nước mình - ảnh 2

Thành công của những công ty nước ngoài phần lớn đến từ khả năng thu thập, phân tích và chia sẻ dữ liệu của hơn 1,25 tỉ dân Ấn Độ. Ảnh: AP Photo/Anupam Nath.

Ấn Độ là một trong những nền kinh tế lớn có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và là nơi tiêu thụ dữ liệu di động lớn nhất toàn cầu. Các quy định pháp luật ràng buộc những doanh nghiệp như Google, Twitter hay MasterCard vẫn còn hạn chế, cho phép các công ty này thu về rất nhiều lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, các doanh nghiệp này lại đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận với thị trường Trung Quốc. Đó là lý do vì sao họ vô cùng sốt sắng đổ vốn vào Ấn Độ.

Thành công của những công ty nước ngoài phần lớn đến từ khả năng thu thập, phân tích và chia sẻ dữ liệu của hơn 1,25 tỉ dân Ấn Độ. Vì vậy chính phủ nước này vô cùng quan ngại và cho rằng thông tin cần được quản lý chặt chẽ hơn. Trong những tháng gần đây, chính quyền Ấn Độ đã thông qua một loạt các quy định siết chặt hoạt động của những gã khổng lồ công nghệ nước ngoài. Dự kiến chúng sẽ bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm 2019.

Cuối tháng 4.2019, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã đưa ra các quy định yêu cầu các công ty thanh toán nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu liên quan tới các giao dịch và khách hàng Ấn Độ trong hệ thống máy chủ (server) trong nước. Điều này sẽ gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các công ty như Visa, MasterCard hay American Express.

Các doanh nghiệp này đã phải lao tâm khổ tứ vận động hành lang để thuyết phục chính quyền Ấn Độ rằng họ cần thời gian để áp dụng các điều luật mới. Một vài báo cáo chỉ ra rằng Visa và MasterCard đã phải sớm thích ứng với những thay đổi trên, nhưng ba gã khổng lồ khác đã không thể tuân thủ theo đúng thời hạn đã hứa. Tất cả những doanh nghiệp này vẫn đang hướng tới việc xin Ngân hàng Trung ương Ấn Độ nới lỏng quy định.

Ấn Độ muốn “kéo đám mây” về nước mình - ảnh 3

Cuối tháng 4.2019, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã yêu cầu các công ty thanh toán nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu liên quan tới các giao dịch và khách hàng Ấn Độ trong hệ thống máy chủ (server) trong nước. Ảnh: Getty Images. 

Những động thái kể trên đã làm dấy lên cuộc tranh luận dữ dội giữa các doanh nghiệp nước ngoài và nhà nước Ấn Độ về việc kiểm soát thông tin. Chính phủ nước này tuyên bố rằng địa phương hóa dữ liệu là một vấn đề trọng đại để đảm bảo thông tin luôn minh bạch và được sử dụng một cách có trách nhiệm, đồng thời vẫn đảm bảo được an toàn thông tin cho công dân của mình. Việc áp dụng các quy định quản lý thông tin đã từng bị trì hoãn trong một thời gian dài, trong khi Internet ngày một phát triển và bám rễ sâu chặt hơn tại Ấn Độ, khiến việc bảo mật thông tin nhanh chóng trở thành vấn đề bức thiết hơn bao giờ hết.

Hiện tại chính phủ Ấn Độ đang đẩy nhanh tiến độ đưa các hoạt động thu thập, phân tích và chia sẻ thông tin của doanh nghiệp nước ngoài vào khuôn khổ, đảm bảo các công ty Ấn Độ lẫn các công ty nước ngoài đều phải có trách nhiệm bảo vệ, lưu trữ thông tin và tuân theo những luật định như nhau.

Tuy vậy một vài công ty nước ngoài đang hoạt động tại Ấn Độ lại nhìn nhận sự việc này theo một chiều hướng khác: Họ cho rằng chính phủ đang cố gắng tước đi sức mạnh của họ nhằm ép giá và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước theo cách thiên vị.

Mỹ cũng đứng về phía các doanh nghiệp của mình. Trong báo cáo Ước tính thương mại quốc gia, đại diện thương mại Mỹ đã chỉ trích Ấn Độ, cho rằng quốc gia này đang làm tắc nghẽn dòng chảy thông tin quốc tế bằng cách cố gắng thực hiện nội địa hóa thông tin.

"Một khi chính phủ xây nên các thành trì nhằm bẻ gãy dòng chảy thông tin liên quốc gia và phân biệt đối xử với các doanh nghiệp nuốc ngoài, đối tượng chịu thiệt thòi lớn nhất chính là những doanh nghiệp địa phương. Họ sẽ không thể tận dụng được những lợi thế dịch vụ kỹ thuật số quốc tế mang lại để cạnh tranh trên thị trường quốc tế," đại diện thương mại Mỹ cho hay.   

 Ronak D. Desai