Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu đối với gạo Việt Nam

10:06 02/12/2022

Lệnh cấm xuất khẩu gạo được áp đặt trước đó nhằm đảm bảo đủ nguồn cung trong nước, trong bối cảnh nhà chức trách Ấn Độ lo ngại sản lượng vụ Đông giảm có thể dẫn tới tình trạng thiếu gạo.

Cục Ngoại thương (DGFT) thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã đưa ra thông báo chính thức về việc dỡ bỏ lệnh cấm áp đặt với việc xuất khẩu gạo hữu cơ không phải gạo basmati, gồm cả gạo tấm. Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm được đưa ra ngày 29/11, sau khi những lo ngại về nguy cơ thiếu gạo giảm bớt.

Trước đó, lệnh cấm xuất khẩu gạo được áp đặt nhằm đảm bảo đủ nguồn cung trong nước, trong bối cảnh nhà chức trách Ấn Độ lo ngại sản lượng vụ Đông giảm có thể dẫn tới tình trạng thiếu gạo. 

Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu đối với gạo Việt Nam
Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu đối với gạo Việt Nam.

Trong một nỗ lực tăng nguồn cung trong nước khi đó, Chính phủ liên bang Ấn Độ cũng đã áp đặt thuế xuất khẩu 20% đối với các loại gạo không phải basmati, ngoại trừ gạo đồ.

Xuất khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh ngay sau khi Ấn Độ - quốc gia chiếm 40% sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu ban lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm (chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu) và đánh thuế 20% đối với các loại gạo trắng, kể từ ngày 8/9/2022.

Nguồn cung hạn chế bởi thời tiết bất lợi ở một số nước trồng lúa (thiếu mưa ở Ấn Độ, hạn hán ở Trung Quốc, lũ lụt ở Bangladesh) đã thúc đẩy nhiều thị trường chuyển hướng sang nhập khẩu gạo Việt Nam. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 713.546 tấn, trị giá hơn 341 triệu USD, tăng 22,3% về lượng và tăng 23,9% về trị giá so với tháng 9. Đây là tháng có lượng gạo xuất khẩu cao kỷ lục trong lịch sử.

Trước đó, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đánh giá, với bối cảnh thuận lợi cho ngành gạo trong thương mại quốc tế và nhu cầu nội địa được thúc đẩy, xu hướng tăng giá có thể kéo dài đến cuối năm nay.

Còn sang năm 2023, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, đây cũng là một năm xuất khẩu cho xuất khẩu gạo. Thời tiết khắc nghiệt gần đây ở các nước xuất khẩu gạo lớn tại châu Á (nơi chiếm 90% sản lượng gạo toàn cầu) có thể ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất niên vụ 2022 - 2023. Bên cạnh đó, nhiều nước gia tăng bảo hộ mậu dịch nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Trong bối cảnh nguồn cung giảm khi nhu cầu ổn định, gạo thế giới và gạo Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng giá trong năm 2023.

Tuy nhiên, trong trường hợp Ấn Độ hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ gây áp lực cạnh tranh cho gạo của Việt Nam và có thể làm giảm đà tăng của giá gạo xuất khẩu trong tương lai. Có thể nói, Ấn Độ là đối thủ rất "nặng ký" trong cạnh tranh xuất khẩu gạo ở phân khúc phẩm cấp trung bình với Việt Nam. Bởi vậy, việc cường quốc xuất khẩu gạo này hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ làm cho gạo Ấn Độ có cơ hội tham gia thị trường và lấn át gạo của các nước xuất khẩu khác, trong đó có Việt Nam.

PV (t/h)