Ai đẩy giá cổ phiếu công nghệ Mỹ: Cá voi, cá con và quỹ ETF!

00:00 12/10/2020

Trong những ngày vừa qua, thị trường chứng kiến một sự sụp đổ nhanh chóng của nhóm cổ phiếu công nghệ Mỹ. Các cổ phiếu của Apple, Amazon, Microsoft đều lần lượt giảm giá hơn 5%. Đây là đợt rớt giá mạnh nhất kể từ tháng 6. Cổ phiếu Tesla rớt từ mức đỉnh 500 đô la Mỹ xuống 375 đô la Mỹ chỉ trong hai ngày, trước khi gượng dậy lên trên mức 400 đô la Mỹ/cổ phiếu vào cuối ngày 4-9.

Giới phân tích cổ phiếu, mặc dù có chút bất ngờ với tốc độ rớt, không ngạc nhiên về lần điều chỉnh này. Giá cổ phiếu công nghệ Mỹ quá cao và tăng quá mạnh, mặc dù nhiều cổ phiếu trong nhóm này là những khoản đầu tư dài hạn tốt, đó là nhìn nhận chung của đa số nhà phân tích trên thị trường.

Các cổ phiếu này nhanh chóng hồi phục từ đáy của dịch Covid-19 và đã nhanh chóng lập kỷ lục tăng giá mới. Một vài con số ấn tượng: cổ phiếu Apple tăng 126% so với cuối tháng 8-2019, Square tăng 130%, ngay cả loại được coi là “chậm chạp” như Microsoft cũng tăng 53%. So với đáy tạo lập ở thời điểm dịch Covid-19 hoành hành ở châu Âu, nhiều cổ phiếu đã tăng 150-230%. Đương nhiên, sẽ là thiếu sót nếu quên kể đến việc Tesla đã tăng từ mức 70 đô la Mỹ lên đỉnh 500 đô la Mỹ từ tháng 3 đến tháng 8-2020. Ngay cả lấy mức giá thấp nhất 375 đô la Mỹ sau đợt rớt giá đầu tháng 9-2020, thì Tesla cũng đã tăng hơn 5 lần.

Điều thú vị là vào thời điểm thị trường rớt, người ta bắt đầu nhận ra rõ hơn đâu là những thế lực đẩy giá cổ phiếu công nghệ lên mức “trên cung trăng”.

Từ những “cá con”- nhà đầu tư nhỏ lẻ...

Đầu tiên, là nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ giao dịch qua Robinhood, còn được dân đầu tư gọi là “cá con”. Nhóm này là lực lượng chính thúc đẩy sự hồi phục của nhiều dòng cổ phiếu kể từ tháng 3, đặc biệt là dòng cổ phiếu công nghệ.

Trong lúc người giàu ở châu Á đang tăng tỷ trọng giữ tiền mặt lên 40% so với mức 30% trước dịch, còn giới siêu giàu ở Mỹ thì đã tiến hành bán cổ phiếu, mua bất động sản và tăng giữ tiền mặt từ cuối năm ngoái, thì các nhà đầu tư nhỏ lẻ lại tăng mua cổ phiếu kể từ cuối tháng 3. Số tài khoản mở ở Robinhood tính đến tháng 6-2020 đã tăng 3 triệu so với đầu năm, và số giao dịch tạo ra doanh thu lên đến 4,3 triệu mỗi ngày.

Có nhiều yếu tố dẫn đến điều đó. Người ta cho rằng việc bị buộc phải nghỉ ở nhà do dịch bệnh khiến nhiều người có nhiều thời gian để tìm đến một thú vui mới (và họ cũng nghĩ là cách kiếm tiền mới): giao dịch cổ phiếu, ngoại tệ. Một số người dùng tiền trợ cấp nhận được từ Chính phủ Mỹ để mua bán cổ phiếu như một số báo của Mỹ đưa tin.

Lại là Masayoshi son!

Thế nhưng, một số nhà phân tích nhận định dòng tiền từ nhóm này dẫu có thể kéo thị trường cổ phiếu tăng mạnh lại từ đáy tháng 3, nó không thể tạo ra một đợt tăng giá “rực rỡ” của cổ phiếu công nghệ trong tháng 8 được. Mặc dù dòng vốn của các nhà đầu tư qua tổ chức vẫn ở trạng thái rút ra khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu (tính đến ngày 3-9 là tuần lễ thứ 19 rút vốn ròng liên tiếp) và đang chuyển vào trái phiếu (dòng vốn vào quỹ trái phiếu Mỹ đã tăng liên tiếp sang tuần thứ 21, theo dữ liệu của Lippers), đã có tín hiệu cho thấy một vài con “cá voi” đang âm thầm đẩy giá cổ phiếu công nghệ.

Đến ngày 3-9, tờ Financial Times và hãng tin Bloomberg bắt đầu đăng tin cho rằng Công ty Softbank của tỉ phú Masayoshi Son chính là một trong những con “cá voi” đó (Tờ Financial Times gọi là “cá voi Nasdaq”). Theo các hãng tin tài chính, Softbank đã mua vào rất nhiều cổ phiếu công nghệ và cả các công cụ phái sinh như quyền chọn mua cổ phiếu công nghệ.

Financial Times cho rằng số tiền Softbank đã bỏ ra để trả phí quyền chọn mua cổ phiếu công nghệ  lên đến vài tỉ đô la Mỹ. Wall Street Journal mạnh dạn ước đoán con số này là 4 tỉ đô la Mỹ - phí quyền chọn đối với các cổ phiếu công nghệ như Amazon, Microsoft, Netflix và Tesla. Với mức đòn bẩy tài chính mà quyền chọn cho phép, tờ này ước tính tổng vị thế quyền chọn của Softbank với cổ phiếu công nghệ là khoảng 50 tỉ đô la Mỹ, chưa kể số cổ phiếu mà họ mua và nắm giữ.

Một đại diện quỹ đầu tư chuyên về phái sinh ở Mỹ nhận xét với Financial Times: “Đây là vị thế quyền chọn lớn nhất mà tôi từng thấy trong suốt 20 năm trong nghề này”. Đó là một ván cược đầy rủi ro, nhưng nếu tỉ phú Son đúng, ông ta sẽ kiếm được một khoản tiền lớn nhờ mức đòn bẩy tài chính mà quyền chọn đem lại. Nhưng một số nhà phân tích cho rằng khi ông Son đặt cược vào canh bạc mua quyền chọn các cổ phiếu đã niêm yết với đòn bẩy nợ vay cao như vậy, rõ ràng ông đã “hết ý tưởng”.

Những canh bạc của ông Son vào WeWork và Wirecard đã không được như ý, và ông đang phải thanh lý khoảng 40 tỉ đô la Mỹ các khoản đầu tư rủi ro vào các công ty công nghệ, công ty chưa niêm yết. Vì vậy, quả thật có cơ sở để nhận định rằng ông Son “hết ý tưởng” khi buộc phải thanh lý các khoản đầu tư vào những công ty khởi nghiệp, hay đã niêm yết nhưng quy mô còn nhỏ, và cuối cùng buộc phải dùng đòn bẩy nợ để kiếm lời từ những công ty công nghệ đã có tên tuổi.

Trên hết, nhà đầu tư Softbank vẫn đang sốt ruột chờ đợi đến cuối năm công ty sẽ làm ra được thành tích gì, sau một loạt thất bại và xì căng đan ồn ào. Ông Son phải “làm một cái gì đó” và đây có thể là canh bạc để ông khẳng định lại mình vẫn là một nhà đầu tư có tầm nhìn và biết chớp cơ hội.

Và quỹ ETF cổ phiếu công nghệ “thiếu niên”

Bên cạnh các “cá voi” như Softbank của tỉ phú Masayoshi Son và các “cá nhỏ” như nhà đầu tư Robinhood, còn có một dòng vốn nữa đang hỗ trợ các cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là nhóm cổ phiếu công nghệ “thiếu niên” như Tesla, Roku, Square, Zillow và LendingTree - những cái tên xa lạ với ngay cả những người quan tâm đến cổ phiếu công nghệ. Đây là dòng cổ phiếu công nghệ mới nổi lên trong vòng ba năm trở lại đây, tận dụng sự bùng nổ của thị trường năng lượng tái tạo, thương mại điện tử, điện toán đám mây và công nghệ tài chính (FinTech). So với nhóm công ty công nghệ tuổi trung niên như Apple, Microsoft, Google và Amazon, nhóm này có vốn hóa nhỏ hơn, doanh thu nhỏ hơn, đa phần còn thua lỗ nhưng tiềm năng tăng trưởng nhanh hơn. Người ta hy vọng một trong số này là những Apple hay Amazon mới.

Bắt nhịp được nhu cầu của những nhà đầu tư đã “lỡ chuyến tàu làm giàu” với Amazon, Goolge và Apple, một số quỹ đầu tư ETF định hướng đầu tư vào các công ty công nghệ nhỏ hơn đã mở ra và chuyên đầu tư vào nhóm công nghệ “thiếu niên”, rủi ro còn cao hơn các công ty công nghệ lớn nhiều lần. Không khó để tìm ra trong danh mục nắm giữ của các quỹ này những công ty có chỉ số giá/doanh thu từ 50-200 lần (không thể dùng chỉ số giá/lợi nhuận một cổ phiếu - tức P/E - vì các công ty này đều thua lỗ nên E vốn dĩ là số âm và thậm chí cả dòng tiền hoạt động cũng âm).

Một quỹ đầu tư tiêu biểu trong nhóm này được chú ý trong năm nay là Ark Innovation ETF (ARKK), quỹ đã nhận thêm tới 67% tiền đầu tư từ đầu năm tới nay, nâng tổng số tài sản quản lý lên trên 7 tỉ đô la Mỹ. Theo số liệu công bố đại chúng, những cổ phiếu ARKK đang sở hữu nhiều nhất là Tesla, Square, Invitae, và Roku. Vì vậy, đây cũng là những quỹ đầu tư góp phần đẩy giá cổ phiếu công nghệ Mỹ, nhất là nhóm cổ phiếu “thiếu niên”.

Rủi ro với các cổ phiếu công nghệ và chuyện bầu cử tổng thống Mỹ

Rủi ro khi đầu tư vào các cổ phiếu công nghệ hiện tại có thể chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất - rủi ro thuộc về bản chất của hoạt động kinh doanh - tăng trưởng cao thì rủi ro cao, nếu như kỳ vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận không đi đúng hướng, giống như đặt cược vào các công ty startup mà thôi. Nhiều người đang đẩy giá Tesla không còn vì xe hơi của Tesla nữa, mà vì đặt cược vào công nghệ pin của họ, mà họ cũng chưa biết công nghệ đó thực chất sẽ ra sao.

Những công ty như Roku, Square cũng có thể mất thị phần dễ dàng nếu một công ty công nghệ mới nào đó đưa ra một sản phẩm ưu việt hơn họ. Đây là những công ty mà toàn bộ giá trị tập trung vào một hoặc hai nền tảng công nghệ và sản phẩm chủ chốt, và họ không nắm độc quyền kinh doanh trong lĩnh vực đó. Mỗi ngày đều có đối thủ mới xuất hiện, họ chỉ có lợi thế của người đi trước và có một số khách hàng mà thôi.

Trong khi đó, với những công ty như Apple, Amazon, Facebook, Google và Microsoft, họ có một lợi thế so với nhóm công ty công nghệ “thiếu niên”, đó là họ ít nhiều giữ vị thế độc quyền hoặc độc quyền nhóm trong một lĩnh vực nào đó, đang là con gà đẻ trứng vàng cho họ. Vì vậy, rủi ro đối với kinh doanh và tăng trưởng của họ ít hơn. Tuy nhiên, họ đối mặt với rủi ro khác, đó là rủi ro chính sách. Không ít người trong nhóm cố vấn của ứng cử viên tổng thống Mỹ Biden có quan điểm là các đại công ty công nghệ này đang độc quyền, và do đó cần phải bị chia tách.

Nếu ông Biden trở thành tổng thống Mỹ, chủ đề chia tách công ty công nghệ Mỹ có thể sẽ nóng lên. Ít nhất, ông Biden từng thừa nhận cần xem xét các khoản thuế đánh vào các công ty này vì vị thế “đặc biệt” của họ.

Đây là một điểm rất quan trọng về rủi ro chính sách của các cổ phiếu công nghệ. Mặc dù lúc này người ta cho rằng các cổ phiếu công nghệ lớn của Mỹ như nhóm Apple, Amazon, Facebook, Google và Microsoft có giá quá cao so với mặt bằng định giá hợp lý, người ta vẫn chấp nhận vì về mặt cơ bản, đó là những khoản đầu tư dài hạn tốt, ít nhiều nhờ vào lợi thế độc quyền nhóm, lượng tiền mặt dồi dào, nợ thấp, không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 và những khoản đầu tư mạo hiểm họ đang tiến hành để tạo doanh thu mới. Nhưng nếu đột nhiên chính sách chống độc quyền thay đổi theo hướng bất lợi cho họ, nhất là sau khi có kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, câu chuyện định giá của các cổ phiếu công nghệ lớn có thể sẽ bị viết lại.

Hà Quốc Tuấn