Ai đã giúp Masan huy động hàng tỷ USD thời gian qua?

07:00 26/05/2021

Với quan điểm ‘tài năng thì không có tuổi, ông chủ Masan Nguyễn Đăng Quang đã giao trọng trách cho nhiều nhân sự có tuổi đời khá trẻ, bổ nhiệm tại các vị trí chủ chốt ở Masan. Đội ngũ này, đã góp phần giúp Masan huy động được hàng tỷ USD trong thời gian qua.

Huy động gần 3 tỷ USD từ thị trường vốn quốc tế

Nhìn lại quá khứ, hàng chục thương vụ huy động vốn đã được Masan triển khai trong hơn 10 năm qua với quy mô ngày càng gia tăng.

Một trong những khoản đầu tư sớm nhất là khi Mekong Capital rót hơn 9 triệu USD vào Masan Food (tiền thân của Masan Consumer). Nhưng đây là thương vụ thoái vốn sớm của tổ chức này. Masan Food sau đó tăng trưởng rất mạnh và trở thành công ty hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam như hiện tại. 

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Nguồn ảnh: Internet
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Nguồn ảnh: Internet.

Kể từ tiền đề đó, Masan bắt đầu triển khai mạnh mẽ các thương vụ huy động vốn đặc biệt từ các nhà đầu tư quốc tế: từ bán cổ phần, phát hành mới, các khoản vay và trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu thường (hợp vốn từ nhiều ngân hàng)…

Khoản đầu tư giá trị hàng trăm triệu USD đầu tiên vào Masan là của KKR giai đoạn 2011 – 2013. Công ty Mỹ rót tổng cộng 359 triệu USD vào Masan Consumer đổi lấy 18,7% cổ phần.

Đến tháng 4/2017, KKR lần thứ hai đầu tư vào Masan Group, lần này là vào Masan Nutri-Science đổi lấy 7,5% cổ phần.

Giai đoạn 2014 – 2015 cũng là cao điểm huy động vốn của Masan Group, sản phẩm ưa thích là trái phiếu. Tập đoàn đã thu về 100 triệu USD từ việc phát hành trái phiếu cho ADB kỳ hạn 10 năm; 400 triệu USD phát hành trái phiếu cho Vietcombank kỳ hạn 5 năm (hợp vốn với nhiều ngân hàng nội).

Ngoài ra, 2015 cũng là năm Singha đầu tư 650 triệu USD vào Masan Consumer Holdings, khoản đầu tư đổi lấy 14,29% cổ phần công ty này và 33,33% cổ phần Masan Brewery. Thỏa thuận ban đầu được ký kết lên tới 1,1 tỷ USD, nhưng phần còn lại không được thực hiện cho đến nay.

Giai đoạn kế tiếp vào năm 2017, Masan thu về 470 triệu USD từ việc bán cổ phiếu quỹ cho SK Group. Tập đoàn Hàn Quốc thời điểm đó bắt đầu tìm kiếm các khoản đầu tư triển vọng tại Đông Nam Á. Phần SK Group nhận về từ thỏa thuận này là 9,45% cổ phần Masan, đi kèm quyền chọn yêu cầu Masan mua lại toàn bộ số cổ phiếu này sau 5 năm với mức giá SK đã đầu tư (100.000 đồng cho mỗi cổ phần).

Đầu năm nay, Tập đoàn Hàn Quốc tiếp tục rót thêm 410 triệu USD mua 16,3% cổ phần VCM (đơn vị chủ quản VinCommerce) nâng tổng số tiền đã đầu tư lên 880 triệu USD.

Năm ngoái, Masan High-Techs Materials (MHT) bán 10% cổ phần cho Mitsubishi Materials thu về 90 triệu USD. 

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet.

Song song với việc huy động tiền, chiến lược M&A mở rộng các ngành hàng kinh doanh của mình cũng được Masan thực hiện một cách bài bản trong suốt những năm qua. Các thương vụ nổi tiếng có thể kể đến như: Mua cổ phần kiểm soát mỏ Núi Pháo; Thâu tóm Vinacafe Biên Hòa; Vĩnh Hảo; Mua cổ phần Thực phẩm Cholimex; Đầu tư vào Proconco và ANCO; Mua kiểm soát NETCO; 3F Việt; Và lớn nhất là mua lại VinCommerce từ Tập đoàn Vingroup…

Bên cạnh đó, Masan Group cho biết đang trong quá trình đàm phán một giao dịch đầu tư chiến lược với các nhà đầu tư khác trị giá từ 300 – 400 triệu USD vào The CrownX, dự kiến hoàn tất trong năm nay.

Bản thân công ty mẹ Masan Group có kế hoạch chào bán cổ phần mới huy động nguồn tiền, phương án đã được đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 thông qua. Lượng chào bán không quá 10% số cổ phần đang lưu hành, thời gian thực hiện trong năm 2021 cho đến trước ĐHĐCĐ thường niên 2022.

Theo nguồn tin của Bloomberg, Masan Group cũng muốn huy động 1 tỷ USD cho mảng thức ăn chăn nuôi trực thuộc Masan MEATLife. Tập đoàn đang làm việc với bên tư vấn và trong giai đoạn đầu của quá trình thảo luận.

Sau thương vụ đầu tư tỷ USD vào VinCommerce, bảng cân đối kế toán của Masan Group thay đổi rất mạnh với tổng nợ vay tăng thêm 32.000 tỷ đồng, cùng với đó vốn chủ sở hữu giảm hơn một nửa xuống còn hơn 25.000 tỷ đồng.

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ (D/E) của Masan Group tăng từ 0,88 lên 3,62 lần. Đây chính là điều khiến cho giới đầu tư lo ngại đối với hoạt động kinh doanh của Tập đoàn.

Mục tiêu tối quan trọng của Masan Group đặt ra trong vòng từ 12 – 18 tháng là củng cố bảng cân đối, giảm hệ số Nợ ròng/EBITDA về ngưỡng 2,5 – 3 lần, so với khoảng 4,6 lần cuối năm 2020.

Để có được điều này, Tập đoàn cùng lúc phải giảm nợ và tăng EBITDA, nhất là cải thiện hoạt động của VinCommerce.

Hai nhân tố quan trọng

Những thương vụ kể trên minh chứng năng lực làm tài chính xuất sắc của đội ngũ Masan với mục tiêu sau cùng là tạo và cân đối nguồn lực phục vụ chiến lược kinh doanh dài hạn của Tập đoàn. Các thương vụ huy động vốn cũng được phía Masan chèn vào các điều khoản chặt chẽ đồng thời xem xét các lựa chọn nhằm tối ưu hóa chi phí vốn.

Một trong những thành viên quan trọng nhất trong đội ngũ Masan là ông Danny Le, người được giao trọng trách Tổng giám đốc Tập đoàn từ tháng 6 năm ngoái. 

Ông Danny Le - Tổng giám đốc Masan Group. Nguồn ảnh: Internet
Ông Danny Le - Tổng giám đốc Masan Group. Nguồn ảnh: Internet.

Ông Danny Le là "cánh tay đắc lực" của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Ông sinh năm 1984, có bằng Cử nhân Đại học Bowdoin, Mỹ. Trước khi gia nhập Masan, ông Danny Le từng là chuyên viên phân tích, bộ phận Ngân hàng đầu tư tại Morgan Stanley trong giai đoạn 2006 - 2010.

Gia nhập Masan Group của ông Nguyễn Đăng Quang vào năm 2010, ông Danny đảm nhiệm vị trí Giám đốc Chiến lược và Phát triển của Masan từ đó tới nay. Trên Diễn đàn M&A Việt Nam, ông Danny Le được giới thiệu là người có vai trò quan trọng trong việc định hướng chiến lược tăng trưởng của Masan Group và làm việc chặt chẽ với Tổng Giám đốc của từng công ty con nhằm thống nhất các chiến lược tăng trưởng đặc trưng cho từng công ty.

Ông Danny Lê cũng là người phụ trách nền tảng mua bán và sáp nhập của Masan. Ngoài ra, ông còn là Phó Chủ tịch của Masan Nutri-Science, Thành viên HĐQT của Masan Consumer Holdings và Masan Brewery. Thậm chí, ông từng đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc của Masan Nutri-Science.

Trước đó, Danny Le được xem là "kiến trúc sư trưởng" của các thương vụ M&A trọng điểm của Masan. Ông là người dẫn dắt việc sáp nhập Masan Nutri-Science vào Masan và có vai trò quan trọng trong việc thiết lập nền tảng 3F (Feed-Farm-Food) tại Masan Nutri-Science và là động lực thúc đẩy việc chuyển đổi Masan Consumer từ một công ty thuần thực phẩm thành một công ty thực phẩm và đồ uống đa dạng và dẫn đầu thị trường. 

Michael Hung Nguyen -  Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính Masan. Nguồn ảnh: Internet
Michael Hung Nguyen - Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính Masan. Nguồn ảnh: Internet.

Không dừng lại ở đó, vị CEO 8x còn là người kiến tạo các mối quan hệ chiến lược giữa Masan Group với các đối tác như thương vụ Singha đầu tư 1,1 tỉ USD vào Masan Consumer Holdings và Masan Brewery; Quỹ KKR đầu tư 150 triệu USD vào Masan Nutri-Science, 100 triệu USD vào Masan Group và thương vụ đầu tư và thoái vốn thành công trị giá 359 triệu USD của KKR vào Masan Consumer.

Một nhân vật khác là ông Michael Hung Nguyen, hiện là Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính. Ông Michael Hung Nguyen tốt nghiệp Đại học Harvard và đã làm việc tại Masan gần 7 năm. Ông tham gia điều hành nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập của Masan Group và các giao dịch huy động vốn cũng như tham gia xây dựng chiến lược tổng thể của tập đoàn này.

Được biết, ông Michael đã hỗ trợ nhóm thực thi ngân hàng đầu tư tại Việt Nam của J.P Morgan; làm việc trong lĩnh vực M&A, thị trường vốn và các giao dịch khác. Trước khi về Việt Nam, ông làm việc cho J.P Morgan ở New York.

TH