Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam - Mỹ khoảng cách quá lớn

10:10 22/04/2021

Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ vẫn tăng mạnh và chưa có dấu hiệu chậm lại.

Trong quí 1, Việt Nam xuất sang Mỹ với giá trị là 22,24 tỉ đô la, trong khi nhập khẩu từ thị trường này là 3,72 tỉ đô la.

Việc Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam được đánh giá là tín hiệu tích cực, bởi đây là thị trường rất rộng lớn và còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, làm thế nào để tận dụng tốt nhất cơ hội từ thị trường này cũng như vượt qua được những rủi ro là bài toán đang được đặt ra.

Đơn cử như các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như gạo, trái cây... đến nay vẫn chỉ xuất khẩu với số lượng rất nhỏ sang thị trường Mỹ. Nguyên nhân là tiêu chuẩn chất lượng không đạt yêu cầu; các mặt hàng nông sản hiện chủ yếu xuất khẩu thô sang Trung Quốc.

Điều này đặt ra cho doanh nghiệp xuất khẩu và cả người nông dân, nhà sản xuất phải thay đổi, điều chỉnh để đáp ứng về các tiêu chuẩn của Mỹ đặt ra như mã số vùng trồng, rau quả tươi phải được chiếu xạ, nhà máy đóng gói phải đạt chuẩn do Mỹ cấp...

Theo giới phân tích, còn nhiều thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải nếu muốn đưa hàng vào thị trường Mỹ, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, thói quen của người dùng thay đổi. Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải kịp thời nhận biết xu hướng này.

Ngoài việc chuẩn bị năng lực sản xuất, điều kiện tham gia thị trường, doanh nghiệp còn phải đáp ứng đúng nhu cầu mới của thị trường như mua sắm trực tuyến, thiết kế sản phẩm, đóng gói bao bì thế nào để tận dụng ngay thị trường khi cơ hội mở ra sau đại dịch.

Đáng chú ý, với thị trường Mỹ, khi tham gia hợp tác đầu tư, kinh doanh, doanh nghiệp cần đảm bảo truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Hiện nay, theo các chuyên gia, cơ quan chức năng Mỹ rất quan tâm tới hoạt động đầu tư có dấu hiệu gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cũng nhiều lần khuyến cáo Việt Nam cần phải cẩn trọng để không trở thành nạn nhân đáng tiếc trong việc trở thành điểm trung chuyển hàng hóa cho quốc gia thứ ba.

Trao đổi về vấn đề tăng trưởng xuất khẩu ngành gỗ vào thị trường Mỹ giữa bối cảnh dịch Covid, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TPHCM (HAWA), vừa thể hiện niềm vui về ngành gỗ phát triển nhưng cũng đồng thời lo lắng việc tăng cao xuất khẩu khiến phía Mỹ sẽ chú ý đến thị trường Việt Nam để kiểm soát.

Trên thực tế thời gian qua có không ít ý kiến lo ngại ngành gỗ Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư “núp bóng”, đầu tư “chui” của một số nhà đầu tư ngoại ở thị trường Trung Quốc nhằm lẫn tránh thuế cao do Mỹ áp với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, dẫn đến nhiều rủi ro thương mại mà phía Mỹ sẽ có các biện pháp hành động trừng phạt hoặc phòng vệ thương mại.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo ngại về việc rủi ro với xuất khẩu vào thị trường Mỹ và dẫn lại bài học khi cuối năm 2020, Mỹ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ. Rất may sau đó, Việt Nam đã chứng minh và được phía Mỹ chấp nhận, không áp dụng biện pháp trừng phạt.

Đây là câu chuyện đã được cảnh báo từ trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra. Trong bối cảnh là nước xuất siêu sang Mỹ, Việt Nam sẽ dễ bị nghi ngờ làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc nhằm né thuế xuất sang Mỹ.

Bên cạnh đó còn là những lo ngại về việc khó có thể cải thiện, điều hòa cán cân thương mại với các nước trong Hiệp định khi Việt Nam đang nhập siêu từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN, nhưng lại đang xuất siêu lớn sang Mỹ. Và các biện pháp phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ…, không chỉ ở thị trường Mỹ mà còn các thị trường khác trong tương lai sẽ là nguy cơ xảy ra với các doanh nghiệp Việt Nam.

Tại 2 hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành nông nghiệp và ngành công thương vào cuối năm 2020, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đặc biệt lưu ý các vấn đề liên quan tới rủi ro gian lận thương mại. Người đứng đầu Chính phủ khi đó khẳng định, Việt Nam rất quyết liệt trong việc triển khai các hành động cụ thể để giảm thâm hụt thương mại, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.

Ở phía doanh nghiệp thì mong rằng chính phủ cần điều tiết để làm sao kéo kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam - Mỹ không còn khoảng cách quá lớn.

Lê Hoàng