6 giải pháp hỗ trợ phục hồi thị trường lao động thời gian tới

08:05 30/01/2022

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường và được dự báo là chưa thể kiểm soát hoàn toàn trước năm 2023 làm cho khả năng phục hồi và phát triển thị trường lao động vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Tổ chức ILO cũng đưa ra nhận định khủng hoảng thị trường lao động do đại dịch Covid-19 cần nhiều thời gian để phục hồi, tăng trưởng việc làm sẽ không đủ bù đắp cho những thiệt hại ít nhất phải đến năm 2023. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm cho thị trường lao động Việt Nam càng bộc lộ rõ hơn những vấn đề cần phải tập trung giải quyết, như: tăng áp lực giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội sau đại dịch do gần 2 triệu lao động rời bỏ thị trường lao động sẽ quay trở lại để tìm kiếm việc làm sau thời gian dài giãn cách (phần lớn thuộc vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam); sự mất cân đối giữa cung và cầu lao động trở nên nghiêm trọng hơn do 2 làn sóng dịch chuyển lao động từ các địa phương thuộc vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam về các tỉnh vốn dĩ đang dư thừa lao động; thị trường lao động bị chia cắt cục bộ giữa các vùng, các địa phương gây nên nguy cơ thiếu hụt lao động, do áp dụng các quy định về điều kiện y tế, đi lại để phòng chống dịch, không thuận lợi cho di chuyển, cung ứng lao động; gia tăng khoảng cách giữa các kỹ năng của lực lượng lao động hiện tại và các kỹ năng mà các doanh nghiệp cần, để thích ứng với thay đổi công nghệ và thị trường do đại dịch Covid-19, đã khiến cho lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật bị mất việc làm lớn, các khóa học đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề bị hạn chế. Đồng thời, dịch bệnh lại đang thúc đẩy nhanh hơn việc chuyển đổi số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đi theo với đó là yêu cầu cấp thiết trong việc tuyển dụng lao động có kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng số; thông tin, dữ liệu về người lao động thiếu kịp thời và đầy đủ, kết nối thông tin dữ liệu hạn chế gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện chính sách.

Với tình hình dịch bệnh vẫn còn kéo dài cùng với những khó khăn, áp lực về lao động việc làm mà chúng ta đang phải đối mặt trong thời gian tới, để thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển thị trường lao động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế, hạn chế thấp nhất những tiêu cực từ dịch bệnh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi thị trường lao động và bảo đảm an sinh xã hội trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 176/QĐ-TTg, ngày 05/02/2021. Đồng thời, Bộ cũng đã chủ động ban hành Chương trình Hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động (Quyết định số 1405/QĐ-LĐTBXH, ngày 13/12/2021). Trong đó, tập trung triển khai ngay những giải pháp cụ thể, ngắn hạn để góp phần phục hồi, phát triển thị trường lao động và cũng có những giải pháp bảo đảm sự phát triển bền vững thị trường lao động sau đại dịch. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, hỗ trợ trực tiếp người lao động, tuyên truyền, định hướng thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tham gia kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ trực tiếp cho người lao động các chi phí để mua nhu yếu phẩm, đi lại, chi trả tiền điện, tiền nước, nhà trọ, xét nghiệm Covid-19… để người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động. Các giải pháp có tính tới các địa bàn trọng điểm thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có khu kinh tế lớn, các địa phương có lực lượng lao động lớn.

Thứ hai, hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho người lao động. Tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để giảm tối đa các chi phí đóng góp của doanh nghiệp trong năm 2022-2023 về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chi phí công đoàn; quy định về thời giờ làm việc thời giờ nghỉ ngơi phù hợp với trạng thái “bình thường mới”; các chính sách hỗ trợ giảm chi phí tuyển dụng lao động (miễn phí chi phí tuyển dụng qua hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm, khuyến khích doanh nghiệp giảm chi phí, hỗ trợ tham gia các phiên giao dịch việc làm…); có chính sách giảm lãi suất, bổ sung nguồn vốn để hỗ trợ hộ kinh doanh, người lao động phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh…

Thứ ba, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cung lao động cung ứng kịp thời cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Các giải pháp tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng gấp lao động phục vụ cho doanh nghiệp theo các cấp độ từ đào tạo phổ cập nghề đến đào tạo chất lượng cao, đào tạo đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; tập trung đào tạo trước mắt theo các nghề phục vụ phát triển các ngành kinh tế trọng yếu của đất nước. Đồng thời, cũng đưa ra giải pháp để chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp thích ứng với trạng thái “bình thường mới”.

Thứ tư, hỗ trợ kết nối cung – cầu lao động. Các giải pháp tập trung vào việc hình thành hệ thống thu thập, chia sẻ thông tin về việc làm trống, người tìm việc để phục vụ kết nối, tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm; tổ chức thực hiện các gói hỗ trợ kết nối việc làm thành công để nâng cao hiệu quả, chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm; hiện đại hóa hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và hạ tầng số của hoạt động kết nối cung – cầu lao động.

Thứ năm, phát triển bền vững thị trường lao động. Xây dựng và phát triển, hiện đại các thể chế của thị trường lao động; hiện đại hóa quản trị thị trường lao động. Tập trung rà soát các quy định của pháp luật, hình thành được cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động, việc làm có kết nối chia sẻ với cơ sở dữ liệu về dân cư để phục vụ quản lý, thực hiện các chính sách về lao động việc làm chính xác, kịp thời; có phương án kịp thời để huy động, điều tiết các đối tượng học sinh trường nghề, sinh viên, tham gia phục hồi sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp, ngành nghề trọng yếu.

Thứ sáu, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Tập trung vào tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định về pháp luật lao động, việc làm, phát triển đội ngũ hòa giải viên, trọng tài viên để kịp thời giải quyết tranh chấp lao động, đình công.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội/ Theo EFR