5 xu hướng của bất động sản Việt Nam sau đại dịch Covid-19

00:00 12/10/2020

Sau đại dịch Covid-19, sẽ có một số xu hướng mới xuất hiện trên thị trường bất động sản trong tương lai, trong đó có xu hướng làm việc theo công nghệ số. Đặc biệt, sẽ có làn sóng chuyển dịch nhà máy sản xuất sang Việt Nam. Bất động sản công nghiệp, văn phòng của Việt Nam sẽ phát triển kéo theo nhu cầu nhà ở và du lịch sớm hồi phục.

Đây là chia sẻ của ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Chủ tịch HĐQT CEO Group - đại diện cho cho VNREA trong bài bài phát biểu về “Tương lai của thị trường bất động sản Việt Nam sau Covid-19” tại Hội nghị Quốc tế Online (Webinar) do FIABCI Asia Pacific tổ chức tại Malaysia mới đây.

Chất xúc tác cho thị trường hồi phục

Theo ông Bình, là một thành phần quan trọng trong nền kinh tế, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam vẫn có rất nhiều điểm sáng và sẽ là ngành hứa hẹn phục hồi sớm nhất sau dịch. Điều này xuất phát bởi một số lý do.

Với mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một loạt công cụ tài khóa, tiền tệ hỗ trợ cho người dân và các doanh nghiệp; đẩy mạnh đầu tư công để kích cầu, tạo việc làm, tăng sức mua, hoãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT; giảm lãi suất ngân hàng, giãn thời gian trả nợ, cơ cấu lại thời hạn nợ, miễn giảm lãi vay...

Nền kinh tế Việt Nam rất mở, với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới. Đặc biệt mới đây (ngày 12/2/2020), Nghị viện châu Âu đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn FTA Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Vào cuối tháng 3/2020, Hội đồng châu Âu cũng đã thông qua EVFTA. Trước đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019…

14-4-BDS-cong-nghiep-5645-1586853966.jpg

Dự báo BĐS công nghiệp và văn phòng sẽ có làn sóng dịch chuyển sang Việt Nam, kéo theo BĐS nhà ở phát triển (Ảnh: Internet)

Việt Nam là nước thu hút vốn đầu tư nước ngoài khá tốt. Tính từ đầu năm đến 20/3/2020, Việt Nam thu hút được gần 8,6 tỷ USD. Hơn nữa, môi trường đầu tư của Việt Nam an toàn, cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh vẫn được thúc đẩy một cách nhất quán, thị trường Việt Nam vẫn có một mạng lưới các FTA quan trọng…

Việt Nam đang trong giai đoạn của cơ cấu dân số vàng và cũng là nước có tốc độ đô thị hóa thuộc top đầu thế giới, trở thành động lực phát triển của thị trường nhà ở, bất chấp tác động từ dịch Covid-19.

Hơn nữa, theo ông Bình, người Việt có thói quen tiết kiệm, nên ảnh hưởng của Covid-19 là ngắn hạn, trong khi nhu cầu nhà ở, đầu tư là dài hạn nên sức mua thực tế vẫn tốt.

Ngoài ra, cùng với các chính sách ngày càng cởi mở hơn cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài sở hữu bất động sản tại Việt Nam, thị trường BĐS hứa hẹn sẽ có những bước đột phá trong thời gian tới, khi dịch qua đi.

Xuất hiện xu hướng mới

Nghiên cứu của Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, sau mỗi cuộc khủng hoảng, ngành du lịch luôn có sự phục hồi mạnh mẽ và sự phục hồi này thường diễn ra trong khoảng 6 tháng. Theo dữ liệu của STR, sau khi đại dịch SARS xảy ra vào năm 2003, công suất phòng khách sạn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phục hồi hoàn toàn trong vòng 2 - 3 tháng sau khi WHO đưa ra thông báo đại dịch đã được kiểm soát.

Đại dịch Covid-19 có quy mô lớn hơn và có tác động đáng kể hơn đến nền kinh tế thế giới, khách du lịch nội địa dự kiến sẽ trở lại trong khoảng thời gian ngắn, còn khách quốc tế sẽ phục hồi chậm nhưng ổn định. Đối với thị trường khách quốc tế, nhóm khách đầu tiên dự kiến sẽ quay trở lại là khách công vụ, tiếp theo là khách du lịch tự do và khách du lịch kết hợp tham dự hội nghị, sau cùng là khách du lịch theo nhóm.

Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng cho rằng, ngoài BĐS nhà ở và BĐS công nghiệp, thì du lịch và BĐS du lịch cũng sẽ là ngành có khả năng phục hồi nhanh hơn các ngành nghề khác khi đại dịch kết thúc.

“Do đó, những khó khăn hay biến động thị trường trong ngắn hạn chính là những thử thách giúp sàng lọc, tìm kiếm nhà đầu tư thật sự có năng lực quản trị và tài chính vững vàng cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam”, ông Bình nói.

14-4-Ban-hang-online-2440-1586853967.jpg

Các dịch vụ BĐS sẽ phát triển theo công nghệ số (Ảnh: Internet)

Ông Bình nhận định, sau đại dịch Covid-19, thị trường BĐS Việt Nam sẽ xuất hiện một số xu hướng mới trong tương lai.

Trước hết, Covid-19 tác động đến phương thức làm việc mới theo công nghệ số, online. BĐS Việt Nam cũng sẽ thích ứng theo xu thế này (bán hàng online, các dịch vụ online…).

Thứ hai, các sản phẩm BĐS xanh, gần gũi với môi trường, có tính riêng tư như nhà ở riêng lẻ (biệt thự, liền kề, nhà phố thương mại, biệt thự nghỉ dưỡng, trang trại) sẽ có cơ hội lớn do khách hàng chú trọng đến an toàn vừa ở, vừa đầu tư sinh lợi, vừa có không gian giãn cách xã hội khi cần.

Thứ ba, mặc dù Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng Covid-19 sẽ "sửa chữa" các đứt gãy này và hướng làn sóng chuyển dịch nhà máy sản xuất sang Việt Nam. BĐS công nghiệp, văn phòng của Việt Nam sẽ phát triển kéo theo nhu cầu BĐS nhà ở và du lịch sớm hồi phục.

Thứ tư, do là điểm đến an toàn nên nhóm BĐS nghỉ dưỡng của Việt Nam sẽ được hưởng lợi và sẽ hồi phục nhanh chóng. Trước hết, dựa trên cầu nội địa và sau đó từ các nước Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Thứ năm, với khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, Chính phủ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều cách làm chưa từng có trong lịch sử để chiến thắng Covid-19 và hồi phục kinh tế nhanh nhất. Vì thế, BĐS Việt Nam sẽ được hưởng lợi và có một tương lai tươi sáng, đóng góp vào sự phát triển của BĐS thế giới.

Hải Sơn