4 động lực cho kỳ vọng GDP Việt Nam tăng 7,5% năm 2022

16:48 22/12/2021

Chính phủ đặt mục tiêu trên 70% dân số sẽ được tiêm chủng đầy đủ vào nửa đầu năm tới sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam thích ứng với bình thường mới và quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế Việt Nam sẽ được đẩy nhanh kể từ quý đầu tiên của năm 2022. VNDIRECT chỉ ra 4 động lực cho tăng trưởng kinh tế 2022 và dự báo, GDP năm tới sẽ tăng 7,5%.

4 động lực cho tăng trưởng GDP năm 2022

4 động lực cho kỳ vọng GDP Việt Nam tăng 7,5% năm 2022

Động lực đầu tiên, theo VNDIRECT là cầu nội địa phục hồi. Đây là bệ đỡ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022. Cụ thể, các hoạt động dịch vụ, bao gồm du lịch, vận tải và vui chơi giải trí có thể được phép hoạt động hết công suất kể từ quý II/2022 sau khi Việt Nam đạt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho hơn 70% dân số. Theo đó, tiêu dùng sẽ tăng trở lại với tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dự kiến tăng 10-12% so với cùng kỳ trong năm 2022 nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ. Cùng với đó, Chính phủ có thể sẽ tung ra gói kích thích tài khóa lớn hơn để hỗ trợ phục hồi kinh tế, tập trung vào: trợ cấp tiền mặt cho những người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, giảm thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp) và gia tăng đầu tư công vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và nhà ở xã hội. Các chính sách này nhằm phục hồi cầu tiêu dùng trong nước.

Động lực thứ hai là xuất khẩu duy trì đà tăng tích cực nhờ nhu cầu toàn cầu phục hồi. VNDIRECT lạc quan về triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022, nhờ những lý do như thương mại toàn cầu được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2022. Dựa trên báo cáo mới nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khối lượng thương mại toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 4,7% vào năm 2022, tăng từ mức dự báo 4,0% trong báo cáo trước đó và có thể quay trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm 2022. Chi phí vận chuyển dự kiến sẽ dần bình thường hóa từ cuối năm 2021 do các biện pháp phòng chống Covid-19 được giảm thiểu nhờ tỷ lệ tiêm phòng cao cũng như tình trạng thiếu hụt container được giảm thiểu sau khi đơn đặt hàng sản xuất container tăng mạnh kể từ giữa năm 2021. Chi phí vận tải hạ nhiệt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, đặc biệt là sang thị trường Mỹ và châu Âu. 

Ảnh minh họa
VNDIRECT tin rằng, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trong năm 2022.

Động lực thứ ba là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự báo sẽ phục hồi vào năm 2022. VNDIRECT tin rằng, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trong năm 2022 nhờ Việt Nam có kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế từ đầu năm 2022, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và chuyên gia quay trở lại Việt Nam và thúc đẩy đầu tư trong năm tới (2) Việt Nam vẫn là một địa điểm hấp dẫn đối với các công ty nước ngoài trong chiến lược đa dạng hóa ”Trung Quốc + 1'' do các lợi thế như giá nhân công cạnh tranh và dân số lớn; và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) rất tiến bộ với các đối tác lớn trên thế giới như CPTPP, EVFTA, RCEP... Do đó, các nhà đầu tư vào Việt Nam sẽ được hưởng những ưu đãi lớn về thuế khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước đã có FTA với Việt Nam. Với những lợi thế đó, dự báo vốn FDI đăng ký vào Việt Nam sẽ tăng khoảng 9-10% so với cùng kỳ và vốn FDI giải ngân tăng 8-9% so với cùng kỳ vào năm 2022.

Động lực thứ tư là các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. VNDIRECT đánh giá, Việt Nam vẫn còn khá nhiều dư địa cho chính sách tài khóa. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô các gói hỗ trợ tài khóa COVID-19 của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua chỉ chiếm khoảng 2,85% GDP, thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế châu Á. Ngoài ra, ước tính tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam vào cuối năm 2020 chỉ hiếm khoảng 45% GDP (GDP sau khi tính toán lại), thấp hơn nhiều so với mức trần nợ công của Việt Nam là 60% GDP. Do lãi suất trái phiếu Chính phủ đang ở mức thấp so với lịch sử và lạm phát được kiểm soát tốt, nên Chính phủ có thể tung ra nhiều gói hỗ trợ tài khóa hơn để hỗ trợ phục hồi kinh tế, tập trung vào: trợ cấp tiền mặt cho những người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, giảm thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp) và tăng vốn đầu tư công vào phát triển hạ tầng giao thông và các dự án nhà ở xã hội.

4 động lực cho kỳ vọng GDP Việt Nam tăng 7,5% năm 2022

Quy mô của gói hỗ trợ tài khóa mới bổ sung được kỳ vọng có thể ở mức 3-4% GDP (không bao gồm chi phí y tế bổ sung cho phòng chống dịch COVID-19) và sẽ góp phần thúc đẩy sự phục hồi kinh tế Việt Nam vào năm 2022. Cùng với các gói hỗ trợ tài khóa sắp tới, Chính phủ có kế hoạch tăng cường đầu tư công vào năm 2022 để bù đắp cho sự suy giảm của các động lực tăng trưởng khác. Chính phủ dự kiến chi 566 nghìn tỷ đồng cho đầu tư công vào năm 2022 (+10% so với kế hoạch đầu tư công năm 2021) để hỗ trợ phát triển.

4 động lực cho kỳ vọng GDP Việt Nam tăng 7,5% năm 2022

Liên quan đến chính sách tiền tệ, VNDIRECT đánh giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng ít nhất cho đến cuối quý II/2022 để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, với dự báo tín dụng sẽ tăng khoảng 12% năm 2021. Mặc dù không kỳ vọng NHNN sẽ cắt giảm thêm lãi suất điều hành chủ chốt, nhưng VNDIRECT cũng cho rằng, NHNN sẽ không nâng lãi suất trong 6 tháng đầu năm 2022 nhằm duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Theo đó, dự báo tín dụng năm 2022 tăng trưởng ở mức 13-14% so với cùng kỳ.

Dự báo TTCK năm 2022

Thị trường chứng khoán Việt Nam được yểm trợ bởi sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân trong nước với sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư cá nhân - những người đang tìm kiếm kênh đầu tư có lợi suất cao hơn khi lãi suất huy động đang giảm. Bất chấp thời điểm khó khăn do, số lượng tài khoản cá nhân mở mới liên tục đạt mức cao kỷ lục trong những tháng cuối năm 2021, giúp thanh khoản thị trường năm 2021 tăng gấp 2,5 lần so với năm ngoái. VNDIRECT tin tưởng rằng, nhờ mức độ số hóa ngày càng tăng, TTCK sẽ ngày càng trở nên dễ tiếp cận đối với nhà đầu tư cá nhân, trong bối cảnh số lượng tài khoản chứng khoán ở Việt Nam chỉ ở mức 3,5% dân số, tương đối thấp trong nhóm ASEAN-6.

4 động lực cho kỳ vọng GDP Việt Nam tăng 7,5% năm 2022

Đặc biệt, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết giai đoạn 2022-2023 được dự báo là tốt, sẽ là bệ phóng vững chắc cho thị trường chứng khoán tăng trưởng. VNDIRECT ước tính, chỉ tiêu lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) của TTCK Việt Nam sẽ tăng 39% trong năm 2021 và duy trì mức tăng trưởng bình quân 20% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2022-23. Đà tăng của EPS thị trường chủ yếu sẽ đến từ kết quả ổn định của nhóm bất động sản và dầu khí, cũng như sự phục hồi tăng trưởng của nhóm bán lẻ và thực phẩm đồ uống (F&B).

Theo đó, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đủ hấp dẫn khi so sánh với các thị trường láng giềng. Tại thời điểm ngày 06/12/2021, theo dữ liệu của Bloomberg, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 12 tháng (TTM P/E) là 16,7 lần, thấp hơn một chút so với mức P/E 17,3 lần vào đầu năm 2021. So với các nước trong khu vực, P/E dự phóng của Việt Nam đang rẻ so với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết giai đoạn 2022-23. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là thị trường cận biên trong khi hầu hết các thị trường trong khu vực đều là thị trường mới nổi.

Kinhtevadubao.vn