4.0 đặt yêu cầu quản lý mới

00:00 12/10/2020

Dù muốn hay không, công nghệ 4.0 đang hằng ngày xâm nhập vào đời sống kinh tế-xã hội và mang lại nhiều lợi ích cho con người.

Ảnh minh họa

Có thể thấy đối tượng đang bị tác động mạnh mẽ và toàn diện nhất là lĩnh vực truyền thông. Với sự nhanh nhạy, tiện ích và ít tốn kém nhất, báo điện tử, kể cả mạng xã hội như Facebook, Google… đang lấn áp, từng bước thu hẹp dần các loại hình truyền thông truyền thống.

Hay ở lĩnh vực dịch vụ, khách sạn, các trang mạng đặt phòng Air B&B, Booking.com, Agoda… đang thay thế dần lối thuê dịch vụ thường thấy như trước đây. Hơn hết, gây ra cuộc chiến dai dẳng hiện nay là loại hình taxi công nghệ dưới thương hiệu Grab, Uber.

Thời điểm trước khi Uber, Grab vào Việt Nam, số liệu từ Bộ GTVT cho thấy, năm 2014, tổng lượng xe taxi truyền thống trên toàn quốc vào khoảng 50.000 xe. Riêng tại Hà Nội, năm 2015 có tới 20.000 đầu xe taxi hoạt động. Thế nhưng, chỉ trong vòng hai năm thử nghiệm, Uber, Grab vào thị trường Việt Nam, số xe tham gia đã lên tới hơn 60.000 xe. Con số này bằng cả quá trình phát triển của các doanh nghiệp taxi truyền thống trong nhiều năm.

Theo đại diện Hiệp hội Taxi TP.Hồ Chí Minh, hoạt động của Grab và Uber phát triển rầm rộ trên địa bàn thành phố thời gian qua khiến thị trường taxi bị đảo lộn, hoạt động của các doanh nghiệp taxi truyền thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hệ quả là nhiều công ty taxi đã giải thể hoặc sáp nhập.

Hiện nay, số lượng đầu xe taxi chỉ còn 8.900 xe, giảm hơn 3.000 xe so với năm 2010. Đỉnh điểm là năm 2017, Vinasun đã thông báo sa thải 8.000 nhân viên; Mai Linh cũng mất 6.000 nhân lực dưới áp lực cạnh tranh của taxi công nghệ.

Sự phát triển mạnh mẽ của loại hình taxi công nghệ 4.0 này, có lý do: Với góc độ là người tiêu dùng, người dân lựa chọn đi Uber hay Grab vì thuận tiện mang lại, kết nối dễ dàng, nhanh chóng, nhưng quan trọng hơn nữa là vì giá cả linh hoạt trong khi taxi hiện nay chưa thực hiện được.

Ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) - đánh giá, việc ứng dụng thí điểm đối với xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng điện tử là một yếu tố tất yếu, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hơn hết, sự có mặt của Uber, Grab đã thúc đẩy các hãng taxi truyền thống buộc phải thay đổi. Vấn đề còn lại là phương thức quản lý sao cho bảo đảm giữ được sự đa dạng dịch vụ, tránh độc quyền, và đảm bảo tối đa lợi ích của người tiêu dùng.

Trung Hiếu