285 nghìn tỷ đồng hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

00:00 12/10/2020

Hầu hết các ngân hàng đều đăng ký tham gia gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với tổng giá trị lên đến 285 nghìn tỷ đồng và cam kết sẽ giảm lãi suất từ 0,5%-1%.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết hiện ngành ngân hàng đang xây dựng chương trình hỗ trợ tín dụng để chia sẻ với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Ngân hàng không thiếu vốn

Trong đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đăng ký hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank): 100 tỷ đồng, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB): 35 nghìn tỷ đồng, Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB): 15 nghìn tỷ đồng.

Thậm chí, có những ngân hàng nhỏ tham gia gói nhỏ khoảng 5.000 tỷ đồng; có ngân hàng đăng ký gói giảm hoàn toàn các phí như phí thanh toán, phí chuyển tiền.

Ngoài ra, 2 ngân hàng có vốn nhà nước là Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương (Viettinbank) đang thông qua HĐQT hạn mức hỗ trợ.

"Hiện, các tổ chức tín dụng không thiếu vốn. Tại chương trình lần này, các tổ chức tín dụng đều tham gia rất tích cực, nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để các doanh nghiệp có thể hấp thụ được nguồn vốn hỗ trợ?”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, các ngân hàng sẽ dùng biện pháp giảm bớt chi phí của mình để hỗ trợ doanh nghiệp, mức lãi suất tùy thuộc vào tình hình cụ thể của khách hàng và doanh nghiệp bị ảnh hưởng để căn cứ, không có mức cố định. Bình quân, các tổ chức tín dụng sẽ giảm 0,5-1% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường. Trong trường hợp xảy ra dịch bệnh thì các tổ chức tín dụng sẽ xem xét miễn giảm lãi tùy theo thực trạng tài chính của từng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn.

Trước đó, tại Hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp của ngành ngân hàng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước cho biết bước đầu ghi nhận các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ cho trên 44 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 222 nghìn tỷ đồng thông qua các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi vay các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng...

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, ước tính khoảng 926 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng này và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.

Doanh nghiệp cần đáp ứng đủ điều kiện

Chia sẻ về tiêu chuẩn để được hưởng gói tín dụng trên, ông Hùng cho biết, vấn đề này sẽ được các ngân hàng tự chủ. Bởi đây là gói tín dụng do các ngân hàng tự cho động tham gia, không sử dụng ngân sách nhà nước, nếu doanh nghiệp hoạt động không tốt, không có kế hoạch rõ ràng, doanh nghiệp không bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 cũng sẽ không thể giải ngân cho vay với lãi suất ưu đãi.

Ông Hùng đánh giá hiện nay tác động của dịch virus không chỉ riêng với nhóm doanh nghiệp nông nghiệp nông thôn mà còn cả lĩnh vực xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giày, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục

“Các tổ chức tín dụng trên cơ sở Ngân hàng Nhà nước yêu cầu xem xét hỗ trợ doanh nghiệp đã chủ động tham gia. Đây là vốn do tổ chức tín dụng tự chủ và giảm 0,5-1% là quyền của họ, thể hiện sự chia sẻ, hưởng ứng chính sách”, ông Hùng nhấn mạnh.

Đại diện các ngân hàng lớn cũng cho biết đã có kế hoạch tham gia vào gói tín dụng hỗ trợ lãi suất nói trên, nhưng nhiều ngân hàng mới đang trong quá trình triển khai.

Đại diện Vietinbank thông tin, ngân hàng đã có kế hoạch và chủ trương mở gói tín dụng giảm lãi suất cho nhóm khách hàng này, tuy nhiên chương trình triển khai cụ thể vẫn chưa được áp dụng.

Agribank xác nhận đang tính toán xây dựng phương án cũng như kế hoạch triển khai cụ thể và sẽ sớm công bố.

Để hỗ trợ các ngân hàng triển khai gói vay ưu đãi này, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tại dự thảo, tổ chức tín dụng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay đối với các khoản nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng thuộc một trong hai trường hợp: Thứ nhất là khoản nợ chưa chuyển nợ quá hạn mà khách hàng được đánh giá không có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng đã ký do chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thứ hai là khoản nợ đã chuyển nợ quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày Thông tư được ký ban hành do chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tổng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không vượt quá thời gian cấp tín dụng ban đầu theo hợp đồng đã ký.

Huyền Anh