280.000 tỉ “cứu” DN trong đại dịch COVID-19: Cần thiết nhưng có đủ giúp doanh nghiệp “vượt khó"?

00:00 12/10/2020

Doanh nghiệp đang lao đao vì đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, liên tiếp hai gói Hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ và hỗ trợ tài khóa 30.000 tỉ “cứu” doanh nghiệp đã được công bố. Động thái quyết liệt này được các chuyên gia đánh giá là phù hợp và cần thiết, khi hàng loạt Tổ chức tín dụng cũng đã cùng nhau vào cuộc. Thế nhưng, làm sao để việc giảm lãi suất điều hành, hỗ trợ tài chính thực sự đánh “đúng và trúng” vào các đối tượng cần hỗ trợ lại không hề đơn giản.

 

Hai gói hỗ trợ tín dụng và hỗ trợ tài khóa lên đến 280.000 tỉ liệu có đủ giúp doanh nghiệp?

Hàng loạt TCTD vào cuộc

Ngay từ ngày đầu tháng 03, nhận thấy những thiệt hại mà các doanh nghiệp đang gặp phải khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Thủ tướng Chính phủ đã lập tức ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg với các giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những động thái quyết liệt trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.  Ngày 16/3, NHNN quyết định hạ một loạt LSĐH gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng (NH) và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các NH. 

Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4%/năm xuống 3,5%/năm. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên NH và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các NH từ 7%/năm xuống 6%/năm. 

Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Giám đốc Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV đánh giá, quyết định điều chỉnh LSĐH của NHNN được đưa ra sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg là một trong các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19. “Các mức độ điều chỉnh giảm lãi suất được NHNN đưa ra tương đối phù hợp. Việc giảm một loạt LSĐH của NHNN sẽ có tác động tích cực trên thị trường tài chính, giúp tạo điều kiện cho các Tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, qua đó các doanh nghiệp có thể vay vốn với lãi suất thấp hơn”.

Hiện tại, một số NH đã bắt đầu triển khai gói tín dụng ưu đãi lãi suất cũng như chính sách miễn, giảm lãi vay với các khoản dư nợ hiện tại của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. 

Cụ thể, Vietcombank giảm 2 - 2,5%/năm với quy mô tín dụng 30.000 tỉ đồng. Đối với các khách hàng sản xuất mặt hàng thiết yếu sẽ giảm đến 2,5% so với mặt bằng lãi suất hiện nay. Lãi suất cho vay sau giảm sẽ chỉ từ 4,5 - 5%/năm, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất huy động. VietinBank giảm lãi suất cho vay từ 2 - 2,5%/năm, trước hết đối với các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế. HDBank công bố giảm mạnh lãi suất vay ưu đãi từ 2 -4,5% cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng dịch COVID-19 trong cả nước mà không yêu cầu chứng minh khó khăn do dịch Covid-19. 

Hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa đang điêu đứng vì COVID-19

Bên cạnh đó, HDBank cũng thiết kế nhiều gói tín dụng cho nhiều đối tượng khách hàng trong mùa dịch Covid-19 như 10.000 tỷ đồng cho hỗ trợ bình ổn giá hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm, lãi suất linh hoạt chỉ từ 6,5%/năm; dành 5.000 tỷ đồng tài trợ ưu đãi; dành 3.000 tỷ đồng tài trợ các DN hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị vật tư y tế; gói 1.000 tỷ đồng cho chuỗi nông nghiệp nông thôn đảm bảo sản xuất cung ứng lúa gạo...

Ngân hàng Quốc Tế (VIB) tiếp tục mở rộng gói hỗ trợ lãi suất với mức giảm từ 0,5% đến 2,0% trong 6 tháng cho tất cả khách hàng hiện hữu là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ ở tất cả các lĩnh vực. Ngoài ra, các NH cũng đang tiếp tục thực hiện việc cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ… cho những khách hàng bị tác động bởi dịch bệnh theo Thông tư 01 của NHNN.

Doanh nghiệp cần “ một liều thuốc” mạnh hơn

Các chính sách hỗ trợ của NHNN cũng như các NH đối với doanh nghiệp, người dân là rất cần thiết. Tuy nhiên, không chỉ chuyên gia mà những nhà quản lý cũng thừa nhận khó khăn của doanh nghiệp hiện không phải về tín dụng mà nằm ở thị trường tiêu thụ và dòng tiền thanh khoản. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, cho dù nhiều gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đã được tung ra song đến nay tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ đạt 0,1%, (trong khi đó cùng kỳ năm ngoái là 0,85%). Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất cùng kỳ trong 6 năm trở lại đây.

Thực tế đặt ra lúc này, đó là gói hỗ trợ tín dụng lên đến 250.000 tỷ đồng từ các TCTD liệu có thực sự đánh “đúng và trúng”, góp phần thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Phản ứng và tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, trong lúc này, cần được xem là “tham chiếu” để Chính phủ, NHNN và các TCTD cân nhắc kỹ lưỡng khi triển khai gói hỗ trợ tín dụng. 

Trả lời báo chí, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT bày tỏ lo ngại “vốn hỗ trợ chỉ đến được với người giàu, không đến với người nghèo”. Nói cách khác, những doanh nghiệp khó khăn thực sự thì rất khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, dù đây là nhóm đối tượng cần vốn nhất. Bởi các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa đang gặp khó khăn này thì rất khó đáp ứng thủ tục, hồ sơ vay vốn. Đồng thời, vốn cho vay vào các doanh nghiệp này cũng khiến các TCTD quan ngại trước nguy cơ nợ xấu, mất vốn. Vòng luẩn quẩn này khiến các gói hỗ trợ tín dụng hàng trăm nghìn tỷ có thể không phát huy tối đa tác dụng.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trước thềm Hội nghị Chính phủ với địa phương bàn về các giải pháp giải cứu, hỗ trợ doanh nghiệp, một thông tin được đưa ra đã khiến không ít người phải giật mình: Trong 3 tháng đầu năm 2020, cả nước chứng kiến gần 35.000 doanh nghiệp bị xóa sổ. Khảo sát nhanh của VCCI cho thấy, gần 85% doanh nghiệp cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% bị thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh. Có 40% cho biết thiếu nguyên liệu và 43% phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm. 82% cho rằng doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019, trong đó 30% doanh nghiệp dự báo có thể tụt giảm tới 30-50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%.

Doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa (vốn chiếm đại đa số trong cơ cấu doanh nghiệp của Việt Nam) không thể trụ vững trước đại dịch COVID-19 kéo dài nếu không được hỗ trợ vốn. Nhưng đồng thời, các doanh nghiệp này cũng cần Chính phủ, các TCTD có giải pháp hỗ trợ đồng bộ về thanh khoản doanh nghiệp, giãn – giảm nợ, miễn – giảm thuế. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tìm giải pháp tái cơ cấu lại thị trường, tổ chức lại sản xuất để vượt qua khó khăn này. Đây cũng là quan điểm chung của 

Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngoài sự vào cuộc trách nhiệm từ Nhà nước bản thân cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực, chủ động tìm giải pháp tự tháo gỡ khó khăn; tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu thị trường… để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đây cũng là quan điểm thống nhất của nhiều chuyên gia kinh tế với Tạp chí DN&HN:

TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV: Cần hiếu đúng về gói hỗ trợ 

Cần hiếu đúng để có thể làm đúng với 2 gói hỗ trợ: Gói tín dụng 250.000 tỉ đồng và gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỉ đồng. Gói hỗ trợ tín dụng là tổng các gói mà các TCTD cam kết cho vay mới với lãi suất ưu đãi (thấp hơn từ 05-1,5%/năm) so với bình thường. Mục đích của gói này là nhằm cho vay mới, hỗ trợ doanh nghiệp hay hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 (hỗ trợ thanh khoản, nhu cầu vốn lưu động…); nguồn vốn chính của các gói này là tiền gửi của người dân và doanh nghiệp (không phải nguồn vốn từ NSNN); tập trung cho vay những lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19... Trong khi đó, gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỉ đồng được hiểu là dự tính với các khoản miễn, giảm, chi tiêu do dịch COVID-19. Các gói hỗ trợ này chắc chắn là cứu cánh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa. Nhưng cũng cần phải thực tế, các gói này chỉ hỗ trợ một phần, khi bộ phận không nhỏ doanh nghiệp hiện nay không có nhu cầu vay mới nhiều mà cần sự hỗ trợ thanh khoản, tái cơ cấu sản xuất”.

Chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu: Doanh nghiệp khó lòng hấp thụ gói 250.000 tỷ

Khó khăn của doanh nghiệp hiện không phải về vốn mà nằm ở  thị trường hàng hóa dịch vụ, khi mà các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy, ảnh hưởng lớn đến cả nguồn cung và nguồn cầu của các doanh nghiệp trong nước.  Vì vậy, nhu cầu vay vốn trên thị trường không nhiều, doanh nghiệp khó hấp thụ gói 250.000 tỷ. Thực tế, thị trường tiền tệ chỉ đóng góp, hỗ trợ một phần để nền kinh tế vượt qua khó khăn chứ không thể giải quyết được mọi vấn đề, việc cần làm lúc này là tập trung vào việc hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn rất dễ tổn thương trong đại dịch hiện cần có những chính sách cụ thể “ đánh trúng, đánh đúng” vào các vướng mắc, khó khăn của họ. Để hỗ trợ doanh nghiệp, cần phát huy vai trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng đồng thời có thêm nhiều chính sách hỗ trợ về tài thuế, phí. Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch bệnh thông qua việc bơm tiền vào các quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có thể có thêm những chính sách giảm thuế, miễn thuế,… Tuy đã có gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ nhưng gói tài khóa này lại quá nhỏ cần phải có gói quy mô lớn hơn để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân”.

TS Bùi Quang Tín: Ngân hàng phải hỗ trợ thực chất cho doanh nghiệp

Thị trường thời điểm này khó có thể hấp thụ được lượng vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng này trong một sớm một chiều. Mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp lúc này là ngân hàng sẽ hỗ trợ họ trực tiếp, với việc đơn giản hóa quy trình thẩm định hồ sơ, đồng thời, quá trình tư vấn cho doanh nghiệp phải thực chất hơn nữa. Nếu các ngân hàng quá gắt gao trong quá trình hỗ trợ, rất ít doanh nghiệp có thể tiếp cận gói hỗ trợ 285 nghìn tỷ này. Nhà nước đã có chủ trương đúng hướng, phần còn lại, các ngân hàng thương mại phải biến chủ trương này thành khả thi, hỗ trợ thực chất cho doanh nghiệp. Chỉ có như thế, doanh nghiệp mới có đủ điều kiện, động lực để vượt qua thời điểm khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh khi dịch qua đi, theo đó họ mới có dòng tiền trả nợ ngân hàng. 

Ngược lại, nếu ngân hàng chậm trễ hỗ trợ, không có đội ngũ tư vấn tốt thì bản thân họ tự gây khó khăn trong hoạt động kinh doanh của mình.

 Thảo Trang