Yếu tố nào đang chi phối giá cổ phiếu trên sàn?

00:00 12/10/2020

Lâu nay, các con số tài chính vẫn luôn là yếu tố quan trọng nhất trong việc chi phối giá cổ phiếu, nhưng lý thuyết này đang dần không đúng với thị trường chứng khoán kể từ đầu tháng 4 tới nay.

Theo báo cáo phân tích của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tỷ trọng giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân nội tăng lên trong những tháng gần đây đóng vai trò tương đối quan trọng giúp các chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục mạnh từ vùng đáy hồi cuối tháng 3 lên như hiện nay.

Tuy nhiên, đó cũng là dấu hiệu tương đối tiêu cực đối với thị trường khi lực cầu từ các nhà đầu tư F0 là dựa theo cảm tính, không phụ thuộc vào bất cứ một phân tích kỹ thuật hay con số tài chính nào của doanh nghiệp.

Thị trường thiếu bền vững

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư Chứng khoán Maybank KimEng chia sẻ, thời gian gần đây có hiện tượng một số nhà đầu tư cá nhân bán bất động sản, rút tiền tiết kiệm tại ngân hàng để chuyển sang đầu tư chứng khoán.

Sở dĩ có việc rút tiền về để đầu tư chứng khoán là do sự đồn thổi giữa các nhà đầu tư cá nhân về việc chứng khoán là kênh đầu tư khá “ngon ăn”. Lời đồn này là hoàn toàn có cơ sở, bởi trong 2 tháng vừa qua “mua con gì cũng trúng” là diễn biến chính của thị trường chứng khoán.

yeu-to-chi-phoi-gia-co-phieu-2359-159463

Giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố thị trường hơn là tài chính doanh nghiệp 

Chính vì lẽ đó, lượng tài khoản chứng khoán của các cá nhân ngày càng tăng mạnh. Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính tới cuối tháng 6/2020, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đạt mức hơn 2,5 triệu tài khoản.

Riêng trong tháng 6, có 35.230 tài khoản được mở mới, tăng nhẹ 3% so với tháng 5. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp, thị trường ghi nhận số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trên 30.000, trong đó nhà đầu tư trong nước mở mới 35.046 tài khoản (34.965 tài khoản cá nhân và 81 tài khoản tổ chức).

Như vậy, lũy kế 4 tháng gần nhất, các nhà đầu tư trong nước đã mở mới 137.753 tài khoản chứng khoán, tương đương 73% số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong cả năm 2019.

Hiện, dòng tiền F0 vẫn đang là chủ đạo nâng đỡ thị trường, nhưng dưới góc nhìn của một chuyên gia, ông Khánh cho rằng đây là điều đáng lo, bởi xu hướng thị trường trong ngắn hạn vẫn còn khá bất ổn. Hiện, các chỉ số thị trường vẫn tăng điểm nhưng thanh khoản đang giảm dần đều và thấp kỷ lục trong nửa đầu năm 2020.

Lý giải về hiện tượng này, ông Khánh cho biết có một lượng giao dịch lớn khi Vn-Index ở vùng giá 890 - 910 điểm, có nghĩa là lượng hàng lớn bị kẹt ở vùng giá này. Nếu thị trường không lấy lại được mức giá đó và đi xuống, thì nhà đầu tư mới sẽ thiệt hại nặng.

“Điều tôi rất lo là dòng tiền đang chảy nhiều vào những tài sản đầu cơ, thay vì sản xuất. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà ở nhiều nước trên thế giới. Kinh tế đi xuống, nhưng thị trường chứng khoán vẫn tăng điểm là nhờ dòng tiền đầu cơ nên thiếu sự bền vững”, ông Khánh nói.

Tác động qua lại

Cùng với diễn biến "xanh mướt" của các chỉ số thị trường, từ đầu quý II đến nay, nhiều cổ phiếu đã có mức hồi phục khá tốt và dần lấy lại được những gì đã mất, thậm chí vượt thị giá so với trước khi dịch bệnh xảy ra.

Là cổ phiếu có mức tăng mạnh nhất thị trường chứng khoán kể từ đầu năm đến nay, GAB của CTCP Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC (FLC GAB) đã ghi nhận mức tăng 774,3%. Điều đáng chú ý là cổ phiếu này không hề bị ảnh hưởng ngay cả khi thị trường chung giảm điểm.

Trước đó, quý I/2020 là thời gian thị trường giảm mạnh nhất nhưng GAB vẫn có mức tăng lên tới 643,51% dù kết quả kinh doanh không có gì nổi bật. Theo các chuyên gia, động lực tăng trưởng của GAB đến từ câu chuyện sáp nhập với CTCP Xây dựng FLC Faros (mã: ROS).

Một mã cổ phiếu khác là DST của CTCP Đầu tư Sao Thăng Long ghi nhận mức tăng 533,3%. Trong khi đó, doanh thu và lợi nhuận của năm 2019 của công ty lần lượt giảm 67,37% và 96,82% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh những mã cổ phiếu tăng mạnh do có “câu chuyện riêng” hỗ trợ, vẫn có những cổ phiếu tăng mà không có nhiều lý do. Điển hình như cổ phiếu VTX của CTCP Vận tải đa phương thức Vietranstimex đã tăng tới 288,7%, WTC của CTCP Vận tải thủy – Vinacomin tăng 247%, VCX CTCP Xi măng Yên Bình tăng 235%...

Thực tế, giá cổ phiếu tăng hay giảm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố từ tình hình chung của nền kinh tế, quy luật cung cầu cho tới đặc thù của mỗi công ty. Trong đó, yếu tố tài chính của doanh nghiệp nắm giữ vai trò khá quan trọng trong mỗi quyết định đầu tư.

Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến trên có thể thấy những lý thuyết này ngày càng trở nên không đúng. Theo ông Hoàng Thạch Lân – Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giá cổ phiếu hiện nay đang bị chi phối bởi các yếu tố thị trường nhiều hơn là tài chính doanh nghiệp. Nói cách khác, trong ngắn hạn, giá cổ phiếu vẫn có thể tăng dù lợi nhuận doanh nghiệp đi lùi, hoặc giá cổ phiếu giảm nhưng cũng không thể khẳng định là do lợi nhuận đi lùi.

Nhìn chung, giá cổ phiếu không tự nhiên tăng lên hay hạ xuống, mà do sự chi phối của các yếu tố chủ quan và khách quan trên thị trường. Các yếu tố này không riêng biệt mà tác động qua lại lẫn nhau, mỗi nhà đầu tư cần nghiên cứu và đánh giá sự ảnh hưởng của các yếu tố này tới những cổ phiếu mà mình đang quan tâm để có thể đưa ra quyết định mua bán chính xác và hiệu quả nhất.

Linh Đan