Yếu tố nào đưa chứng khoán Việt lên đỉnh 9 năm?

00:00 12/10/2020

Tại tọa đàm ngày 22/7, các chuyên gia kinh tế hàng đầu và lãnh đạo các công ty chứng khoán lớn đã “mổ xẻ” những yếu tố giúp thị trường chứng khoán Việt Nam “tỏa sáng” từ đầu năm nay. Từ trái qua: ông Võ Trí Thành, ông Lê Đăng Doanh, ông Lâm Minh Chánh. Đến đầu tháng 7, chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 17% so với đầu năm 2017 và đã đạt mức đỉnh trong 9 năm trở lại đây. Trong khi đó, HNX-Index không chịu thua kém khi tăng hơn 23%. Mức tăng trưởng này đã giúp tổng vốn hóa thị trường đạt hơn 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 25,7% so với cuối năm 2016. Góp phần vào bức tranh sáng sủa của thị trường chứng khoán, khối ngoại đã mua ròng kỷ lục với giá trị hơn 9.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay, trái ngược với xu hướng bán ròng những tháng cuối năm 2016. Nói về các động lực đẩy thị trường chứng khoán, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương nêu ba điều mới. Thứ nhất là Chính phủ mới, thứ hai là sự hưng phấn, tươi sáng của thị trường chứng khoán, hàn thử biểu của nền kinh tế; và thứ ba là kinh tế thế giới có nhiều lãnh đạo mới, chính sách mới. Ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những khởi sắc dựa trên nền tảng chính sách rõ ràng, và nền kinh tế hội nhập sâu rộng. Các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký thể hiện sự cam kết cải cách không chỉ về thuế mà còn về mặt nhà nước như bảo hộ, đầu tư, chống tham nhũng. Thứ hai, Chính phủ mới có những nỗ lực vượt bậc trong việc khuyến khích doanh nghiệp tư nhân, cải cách doanh nghiệp nhà nước. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu hơn 700 doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá mà chưa niêm yết trên sàn chứng khoán phải lần lượt lên sàn hết. Khi các doanh nghiệp niêm yết, khả năng vốn hoá sẽ tăng lên, khiến thị trường thêm hấp dẫn. Trong số đó phải kể đến nhiều doanh nghiệp đang trong tầm ngắm của các nhà đầu tư như Sabeco, Habeco. Ông Doanh cũng chỉ ra rằng Chính phủ lúc này đang rất quan tâm đến sự phát triển của kinh tế tư nhân. Chính phủ đã 4 năm liên tiếp ban hành Nghị quyết 19, và một loạt các nghị quyết khác nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Thủ tướng Chính phủ đã gặp các doanh nghiệp tư nhân và lắng nghe họ. “Tôi nghĩ rằng với xu thế hiện nay và môi trường kinh doanh được cải thiện, vốn và sự năng động của người dân sẽ được phát huy, từ đó đóng góp của kinh tế tư nhân sẽ tăng lên và sẽ làm giảm đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài”, chuyên gia kinh tế kỳ cựu nhận định. Ông Võ Trí Thành cũng đề cập đến một yếu tố quan trọng, đó là lòng tin. Lòng tin vào cải cách của Việt Nam đã có tác động tốt đến thị trường chứng khoán. Phân tích thêm các động lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thị trường chứng khoán tăng nhanh là do khối ngoại mua ròng. Khối ngoại này mua thì có nhiều lý do, vì M&A hay nhiều lý do khác nữa. Thứ hai là do Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực như nới room, bãi bỏ các quy định cứng nhắc cho các nhà đầu tư ngoại, từ đó tạo ra động lực cho sự phát triển của chứng khoán. Nói thêm về sự quan tâm và vai trò của khối ngoại, ông Lâm Minh Chánh, Chủ tịch CTCP Đầu tư và Thương mại LMC, nói rằng sự hăm hở của nhà đầu tư nước ngoài đã tiếp thêm động lực cho thị trường khi họ rót thêm vào thị trường Việt Nam hơn 9.000 tỷ trong 6 tháng đầu năm. Thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá tích cực khi Chính phủ thúc đẩy cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. “Với các nhà đầu tư nước ngoài đầy kinh nghiệm, đây là một trong những thị trường “béo bở” còn lại và họ đang rất kỳ vọng vào thị trường Việt Nam”, ông Chánh nói. Các chuyên gia cũng có nhận xét tích cực về triển vọng của thị trường chứng khoán phái sinh, dự kiến ra mắt vào tháng sau. Thị trường này được kỳ vọng sẽ tăng thanh khoản, tăng hấp dẫn cho thị trường chứng khoán. “Sang năm thị trường có thể có điều chỉnh, nhưng tôi tin sự tích cực vẫn giữ được”, ông Chánh bày tỏ sự lạc quan. Theo Bizlive