Yên Dũng - Bắc Giang: Lợi dụng đào ao để "đánh cắp" đất sét?

00:00 12/10/2020

Nhiều người dân địa phương cho biết: khu hồ 5 héc ta ở thôn Tân Cương, xã Thắng Cương, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đang triển khai dự án nuôi trồng thủy sản đã bị một số người khai thác đất sét trái phép. Người “đánh cắp” đất sét chính là ông Trần Thế Hậu, em trai của ông Trần Thế Chung, Chủ tịch UBND xã Thắng Cương.

Chiếc xe ô tô “hổ vồ” này đang chở đất sang Bắc Ninh tiêu thụ.
Chiếc xe ô tô “hổ vồ” này đang chở đất sang Bắc Ninh tiêu thụ.

Trao đổi với phóng viên, bà Thanh, nhà có bến sông cho ông Trần Thế Hậu đang thuê bến để tập kết vật liệu cho biết: gia đình bà cho ông Hậu thuê bến sông để vận chuyển đất, mỗi tầu cập bến “ăn đất” thì phải trả cho gia đình bà 200 nghìn trên một tầu. Bà Thanh cũng thừa nhận: Tình trạng khai thác đất ở đây đã diễn ra nhiều năm rồi. Bến sông của gia đình cho những người khai thác đất ở đây thuê để các tầu về lấy đất. Bà Thanh chỉ vào những ao hồ trước mặt bức xúc cho biết cứ một thời gian lại có dự án đào ao thì những ông chủ khai thác đất lại thuê bến nhà bà để vận chuyển đất lên tầu chở đi các nơi bán, giờ khu vực này thành ao hồ hết rồi. Có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn, từ ngập lụt đến trẻ con tắm chết đuối...

Đất sét chở ra bến sông bán cho tầu chở đi các tỉnh tiêu thụ.
Đất sét chở ra bến sông bán cho tầu chở đi các tỉnh tiêu thụ.

“Mục sở thị” tại hiện trường, phóng viên quan sát thấy các đối tượng này đang đào sâu xuống cả chục mét để khai thác đất sét chở đi bán. Lý do “trá hình” của việc bán đất này là để  lấy tiền làm dự án đường nông thôn mới.  Hằng ngày rất nhiều xe ra vào lấy đất sét, đất sét ở đây một phần chở xuống bến đò, múc lên thuyền chở đi các nơi, một phần chở đi Bắc Ninh và xuống nhà máy gạch  Thạch Bàn, xe chở đất thì toàn xe “hổ vồ” chạy nát cả tuyến đường đê. Dự án chỉ cho phép đào sâu 1,3m mà giờ họ đào sâu xuống có chỗ đến 5m, có chỗ đến 10m.... Tiền bán đất sét thì nhập nhèm, chả biết là mua bán thực tế là bao nhiêu...

Xe “hồ vổ” chở đất chạy trên đê.
Xe “hồ vổ” chở đất chạy trên đê.

Đối thoại với phóng viên, ông Trần Thế Hậu, là em trai ruột của Chủ tịch xã Thắng Cương, và cũng là người đúng ra khai thác, vận chuyển đất sét ở đây lý giải: “Việc mình đứng ra thi công, khai thác vận  chuyển đất sét ở đây và mang  đi bán cho thôn đổi lại anh làm cho thôn hơn một cây số đường nông thôn mới”. Nhưng khi hỏi về việc cân đối tiền giữa đất bán đi có lãi nhiều hơn làm đường bê tông thì ông Trần Thế Hậu “ngắc ngứ” không trả lời.

Tiếp tục tìm hiểu, phóng viên được biết: Ngày 26/4/2016, Sở TN&MT Bắc Giang có văn bản số 694/TNMT-TNKS, về việc gia hạn thời gian vận chuyển đất dư thừa khi đào ao nuôi trồng thủy sản tại khu vực thôn Tân Cương, xã Thắng Cương, huyện Yên Dũng. Trong văn bản nêu rõ, đồng ý với đề nghị xin gia hạn của gia đình ông Trần Văn Tình được gia hạn thời gian cải tạo, hạ cốt ao để nuôi trồng thủy sản tại khu đất công ích thôn Tân Cương, xã Thắng Cương với diện tích 4.168,4m2…. Với độ sâu hạ thấp bình quân 1,3m so với mặt ruộng liền kề…

Thực hiện việc đào ao nuôi trồng thủy sản trong ranh giới, độ sâu được chấp thuận: Đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông khu vực đào ao, trên đường vận chuyển; sử dụng ô tô vận chuyển đất có tải trọng phù hợp với tuyến đường và đê, đảm bảo đúng tuyến đường vận chuyển…

Cả một khu đất rộng đào bới tan hoang có chỗ sâu đến cả chục mét.
Cả một khu đất rộng đào bới tan hoang có chỗ sâu đến cả chục mét.

Và cũng từ “lá bùa” nêu trên của Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang do Phó giám đốc Nguyễn Văn Tuyến ký, gia đình nhà ông Tình và ông Hậu “mặc sức” đào chở đất trước sự “làm ngơ” của các cơ quan chức năng, bất chấp các quy định của pháp luật về môi trường, khoáng sản...

Đối thoại với phóng viên, ông Trần Thế Chung - Chủ tịch UBND xã Thắng Cương cho biết: Diện tích 5 héc ta của thôn Tân Cương xã giao cho gia đình ông Trần Văn Tình. Gia đình ông Tình được đấu thầu 5 héc ta đất đó phải làm cho thôn  hơn 1 cây số đường giao thông nông thôn mới. Còn việc người ta đào ao, đất dư thừa, không sử dụng hết người ta chở đi bán là việc của họ, tiền bán đất không liên quan gì đến hơn 1 cây số đường nông thôn mới... Khi được hỏi về vấn đề  ai kiểm tra, giám sát trách nhiệm, đặc biệt là ở đây lại có “người nhà” của chủ tịch xã tham gia thì ông  Trần Thế Chung  đã “né” trả lời.

Ông Trần Thế Chung - Chủ tịch UBND xã Thắng Cương.
Ông Trần Thế Chung - Chủ tịch UBND xã Thắng Cương.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Sản, trưởng thôn Tân Cương cho biết: Khu đất 5 héc ta giao cho thôn đã hết hạn, giờ chuyển diện tích đó sang cho xã, để xã chuyển đổi sang mô hình khác chăn nuôi thủy sản, để lấy  kinh phí chuyển đổi làm con đường bê tông cho thôn. Và với lý do đó, họ đã cho đào đất, đất chủ yếu là đất sét được đào lên bán cho thuyền chở đi Vĩnh Phúc, một phần bán cho nhà máy máy gạch Thạch Bàn và nhiều tỉnh thành khác...

Trao đổi với phóng viên, luật sư Hà Thị Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích: “Đây là một hình thức “ăn cắp” khoáng sản tinh vi, một hình thức “ăn cắp” công khai và biết cách “lách luật”, bất chấp Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường và các nghị định của Chính phủ trong việc bảo vệ tài nguyên, khoáng sản”. “Bằng các chiêu trò của mình, các đối tượng đã công nhiên tận thu khai thác khoáng sản đi bán. Trách nhiệm ở đây là phải kể đến Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang, kế đó là UBND huyện Yên Dũng, nơi đang để tình trạng khai thác khoáng sản “trá hình” diễn ra... Phải làm rõ trách nhiệm như thế mới xác định được vai trò quản lý nhà nước cũng như tính thượng tôn của pháp luật” - Luật sư Hà Thị Thanh nhấn mạnh.

Diễn biến của nạn khai thác đất sét trá hình này, Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bài & ảnh: Hà Thúy – Nhật Lam/baotainguyemoitruong.vn