Xuất khẩu vào Mỹ: Lượng phải đi với chất

00:00 12/10/2020

Để xuất khẩu vào Mỹ, các mặt hàng phải đảm bảo không vấp phải rất nhiều rào cản và ngày càng dày đặc của nước này. Nếu hàng hóa lọt qua được chứng tỏ hàng hóa Việt Nam tiến bộ và như một giấy thông hành để đi tất cả các thị trường khác.

Tại Hội thảo Xuất khẩu (XK) vào thị trường Mỹ và những điểm cần lưu ý được tổ chức chiều 29/8, bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch AmCham Tp.Hồ Chí Minh, cho rằng hàng hóa Việt Nam XK sang Mỹ tăng mạnh trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung ngày càng leo thang, cho thấy cơ hội mở rộng thị trường của các doanh nghiệp (DN) nội vẫn lớn hơn rủi ro.

Chuyển dịch đầu tư

Theo số liệu thống kê của AmCham, tổng giá trị thương mại Việt Nam và Mỹ quý I/2019 đạt 18,44 tỷ USD, tăng 36,51% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch XK của Việt Nam tăng 16,9%, nhập khẩu tăng 40,15%.

“Vậy, có bao nhiêu phần trăm trong số đó là kết quả của căng thẳng giữa Mỹ – Trung Quốc và đâu là kết quả thực sự của hoạt động XK?”, bà Amanda Rasmussen nêu vấn đề.

Chủ tịch AmCham Tp.Hồ Chí Minh cho rằng phần tăng trưởng lành mạnh đối với mỗi thị trường thường dao động theo các năm. Tuy nhiên, hiện nay, XK sang thị trường Mỹ của Việt Nam tăng trưởng nhờ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. “Đây là tin tốt, nhưng tin tốt cũng gắn với một số rủi ro nhất định và Việt Nam phải để ý con số tăng trưởng này”, bà Amanda Rasmussen nói.

Cơ hội mới cho XK vào thị trường Mỹ

Cũng theo báo mới nhất của AmCham về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, Việt Nam hiện dẫn đầu các nước Đông Nam Á thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư, chiếm 36%, trong khi Thái Lan là 21%, Malaysia là 19%…

Trong một khảo sát 219 DN, bao gồm DN Trung Quốc và các DN nước ngoài tại Trung Quốc của SCMP cho thấy có 72% DN cho biết họ đang cân nhắc việc chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi nước này, trong đó nhiều DN lựa chọn thị trường Việt Nam.

Mới đây, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cũng công bố 70% các công ty nước này được khảo sát đang lên kế hoạch tăng đầu tư tại Việt Nam.

Theo đánh giá của bà Amanda Rasmussen, đang có sự chuyển dịch đầu tư của các công ty từ Trung Quốc sang Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất công nghệ cao. Tuy nhiên, đây chỉ là lợi thế trong ngắn hạn, bởi vẫn còn nhiều rào cản như XK bằng đường biển từ Việt Nam sang Mỹ còn hạn chế do số lượng cảng biển, trong khi Trung Quốc có rất nhiều cảng biển quy mô lớn hơn nhiều lần so với cảng biển của Việt Nam.

Từ phân tích trên, Chủ tịch AmCham Tp.HCM cho rằng Việt Nam chỉ hấp thụ một phần từ cuộc chiến thương mại chứ không phải là toàn bộ.

Tuy nhiên, AmCham đánh giá DN Việt Nam vẫn có cơ hội lớn để gia tăng XK sang thị trường Mỹ. Quan trọng là các DN Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe, đặc thù từ Mỹ. Nếu hàng Việt Nam lọt qua được rào cản của Mỹ chứng tỏ có tiến bộ và giống như giấy thông hành để đi vào các thị trường khác.

“Vượt” hàng rào kỹ thuật

Chia sẻ tại Hội thảo, đại diện công ty xuất nhập khẩu Hà Dũng, cũng thừa nhận chiến tranh thương mại Mỹ – Trung mở ra cơ hội lớn cho các DN trong nước, song cũng có không ít thách thức, rủi ro. Trong đó, vấn đề hàng hóa Trung Quốc “mượn” mác Việt Nam để XK sang Mỹ nhằm trốn thuế sẽ ảnh hưởng lớn đến DN Việt.

“Bản thân DN trong nước phải khẳng định chất lượng hàng hóa do mình sản xuất bằng cách chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Luôn đảm bảo chất lượng theo quy định của nước nhập khẩu thì sẽ không lo XK gặp khó khăn”, đại diện công ty xuất nhập khẩu Hà Dũng chia sẻ.

Tuy nhiên, theo vị này, khó nhất hiện tại là hầu hết các DN Mỹ có văn hóa kinh doanh gắn bó lâu dài, nên hiếm khi thay đổi nhà cung cấp, trừ khi có thay đổi giá cả, sản phẩm. Trong khi đó, lãi suất còn cao, lương cho người lao động tăng… khiến cho giá thành sản phẩm Việt Nam khó hạ, giảm sức cạnh tranh.

Ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc công ty TNHH Khai thác mật ong Đắc Nguyên Hồng, cho biết XK mật ong của Việt Nam vào thị trường Mỹ đứng đầu. Chỉ tính riêng công ty Đắc Nguyên Hồng mỗi năm XK khoảng 3.500 – 4.000 tấn mật ong vào thị trường này. “Tiềm năng XK mật ong vào thị trường Mỹ còn rất lớn vì nhu cầu người dân nước này rất cao”, ông Cường nói.

Ông Cường cho hay nông sản Việt hiện nay nói chung đang ở chuỗi giá trị thấp, trong khi thị trường Mỹ đòi hỏi chất lượng cao. Hầu hết các sản phẩm mật ong XK vào thị trường Mỹ chỉ dừng lại ở việc cung cấp nguyên liệu, các DN nước ngoài nhập khẩu mật ong Việt sau đó dán nhãn mác thương hiệu của họ.

Thực tế, nhiều DN chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm khi XK sản phẩm vào thị trường Mỹ. “Chúng ta phải thay đổi tư duy sản xuất theo chuỗi, nắm rõ Luật An toàn thực phẩm mới của Mỹ. Theo đó, DN không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn ISO nữa mà phải nâng một tầm cao hơn”, ông Cường nói.

Theo các chuyên gia, cơ hội đang mở ra cho XK hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Mỹ, song DN Việt Nam phải lường trước tính bảo hộ cho sản xuất trong nước của Mỹ rất cao, đặc biệt đối với hàng nông sản, thực phẩm. Những rào cản thương mại, kỹ thuật của Mỹ ngày càng khắt khe và nếu thấy có dấu hiệu làm nguy hại tới sản xuất trong nước, lập tức họ sẽ bổ sung những quy định mới, điều luật mới để chống đối phó. Như vậy, DN Việt Nam luôn phải đối mặt với nguy cơ bị kiện.

Thanh Hoa