Xuất khẩu thịt: Bài học từ Thái Lan

00:00 12/10/2020

 Để đẩy mạnh xuất khẩu thịt gia súc, gia cầm sang thị trường các nước Cục Thú y đề nghị đề nghị Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành, địa phương tăng đầu tư cho công tác thú y như kinh nghiệm của Thái Lan đã làm.
 
Ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y cho hay, yêu cầu quan trọng của các nước nhập khẩu là sản phẩm thịt phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, ATTP theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Muốn vậy, Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, TP cần tập trung đầu tư kinh phí cho việc quy hoạch vùng chăn nuôi lợn và gia cầm, tăng cường đầu tư năng lực cho ngành thú y ở T.Ư và địa phương.
Trong đó cấp đủ kinh phí để thực hiện các chương trình quốc gia về phòng chống dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật theo yêu cầu của Tổ chức OIE như lở mồm long móng, dịch tả lợn, cúm gia cầm… Qua đó mới có thể xây dựng được các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn dịch bệnh, ATTP để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang các nước theo đúng quy định của Tổ chức OIE. Ông Đông lấy ví dụ như tại Thái Lan, nước này đã đầu tư nguồn nhân lực rất lớn và tiềm lực tài chính rất mạnh để thực hiện các hoạt động thú y. Cụ thể, Thái Lan có hệ thống thú y đồng bộ, thống nhất và được tổ chức theo ngành dọc từ T.Ư cho tới cấp xã với số lượng gần 5.000 người làm việc trong các cơ quan thú y T.Ư và 37.000 cán bộ thú y làm việc ở các cơ quan thú y cấp tỉnh, huyện, xã. Ngoài ra còn có hệ thống Viện nghiên cứu thú y và Phòng xét nghiệm thú y hiện đại, đáp ứng mọi yêu cầu kỹ thuật trong lĩnh vực thú y. Đặc biệt Thái Lan cũng cấp đủ nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động thú y theo chuỗi. Hàng năm nước này cấp khoảng 180 triệu USD, tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng để thực hiện các Chương trình phòng chống dịch bệnh động vật, đánh dấu nhận dạng gia súc, kiểm dịch vận chuyển, quản lý vận chuyển thông qua hệ thống trạm, chốt kiểm dịch và camera giám sát tuyến đường... Là nước có ngành chăn nuôi phát triển trong khu vực và trên thế giới, từ sau dịch cúm gia cầm năm 2004, Thái Lan đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình chăn nuôi. Đó là giảm chăn nuôi nông hộ tiềm ẩn nguy cơ cao dịch bệnh, đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm công nghiệp, khép kín, có kiểm soát tại tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất từ khâu sản xuất con giống, thức ăn, giết mổ, chế biến và bán sản phẩm ra thị trường. Một số tập đoàn có tiềm lực kinh tế lớn như Tập đoàn CP đầu tư hệ thống trang trại chăn nuôi gà áp dụng công nghệ hiện đại, điều khiển tự động hoàn toàn các hoạt động của trại như điều hoà nhiệt độ, độ ẩm, thông gió, lượng khí độc, thức ăn, nước uống, khẩu phần thức ăn, kiểm tra tăng trọng, hồ sơ theo dõi, kiểm soát thú y... Ngoài ra, các nhà máy giết mổ gia cầm, cơ sở sơ chế và chế biến sản phẩm thịt gia cầm đảm bảo an toàn dịch bệnh, ATTP theo tiêu chuẩn quốc tế cũng được xây dựng để phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Nhờ đó, sản phẩm thịt gà chế biến của Thái Lan xuất khẩu ngày càng tăng. Năm 2013, đã xuất khẩu sản phẩm thịt gà đạt trên 4 tỷ USD, chủ yếu là sản phẩm thịt đã qua chế biến, chiếm trên 83%. Thị trường xuất khẩu chủ yếu vào các nước châu Âu (chiếm 47%), Nhật Bản (chiếm 40%) và một số thị trường khác như Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nga, Canada...
(Theo THIÊN TÚ - KTĐT)