Xuất khẩu hàng Việt: Doanh nghiệp bỏ quên “sân nhà”

00:00 12/10/2020

Thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt tới các thị trường quốc tế tăng trưởng mạnh mẽ, thế nhưng DN Việt lại bỏ quên thị trường nội địa. Điều đó dẫn đến khi trở lại sân nhà, DN gặp khó khăn do phải đối đầu với hàng ngoại nhập.

Chưa quan tâm thị trường trong nước

Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, hiện sản phẩm cá tra Việt Nam đã có mặt tại hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm cả những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra dự kiến thu trên 2 tỷ USD. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, sản phẩm cá tra vẫn chưa chiếm lĩnh được thị trường nội địa.

Người dân mua hàng tại phiên chợ Việt tổ chức tại huyện Thạch Thất. Ảnh: Hoài Nam

Không riêng gì mặt hàng cá tra, nhiều mặt hàng khác như dệt may, da giày, gạo… cũng trong tình trạng tương tự. Cụ thể, với mặt hàng dệt may, hiện chỉ có khoảng 20% DN trong ngành phục vụ thị trường nội địa trong khi nhu cầu tiêu dùng lên đến 2,5 tỷ USD/năm. Với ngành da giày, Việt Nam đang trong top 5 nước sản xuất giày, dép lớn nhất thế giới về số lượng nhưng 60% thị phần giày, dép nội địa lại nằm trong tay các sản phẩm nhập ngoại. Đối với mặt hàng hạt điều, theo nguyên Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam Nguyễn Đức Thanh, hạt điều Việt Nam được nhiều nước ưa chuộng. Thế nhưng, việc bán tại thị trường nội địa lại rất chật vật, chủ yếu tiêu thụ được vào dịp Tết Nguyên đán.

"Để xây dựng chiến lược phát triển thị trường nội địa, trước hết DN cần nâng chất lượng sản phẩm ngang hàng với hàng xuất khẩu và giá cả phù hợp nhất. Bên cạnh đó, DN Việt phải dồn lực xây dựng hệ thống bán lẻ, bởi đây là điều khó nhất để thành công ở thị trường trong nước. Việc Tập đoàn Vincom xây dựng, sở hữu hệ thống bán lẻ quy mô lớn với khoảng 100 siêu thị VinMart và 1.400 cửa hàng tiện lợi Vinmart+ trên toàn quốc là mô hình mà các DN Việt cần học tập." - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Trên thực tế, gạo là mặt hàng xuất khẩu số một của Việt Nam và đứng đầu thế giới nhưng nhiều DN bán lẻ lại chuyển hướng mua gạo Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản về bán tại thị trường trong nước. Ngay cả mặt hàng trái cây, mặc dù có nhiều loại trong nước trồng được với sản lượng lớn nhưng nhiều DN vẫn nhập khẩu hàng ngoại với giá cao như: Dâu tây Nhật Bản, Hàn Quốc với giá 580.000 - 780.000 đồng/kg; cam, quýt Australia từ 145.000 - 180.000 đồng/kg; mận Mỹ 400.000 đồng/kg; na Đài Loan 419.000 đồng/kg... Điều đáng nói, mặc dù các loại trái cây ngoại nhập giá cao gấp nhiều lần so với sản phẩm cùng loại của nước ta nhưng vẫn được nhiều người tiêu dùng tìm mua, trong khi một số loại trái cây trong nước bán rất rẻ như thanh long, cam sành...

Sức ép cạnh tranh với hàng ngoại

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng Việt bỏ quên thị trường nội địa là do DN chỉ chú trọng đến thị trường xuất khẩu, chọn sản phẩm tốt để xuất khẩu, còn hàng xấu, kém chất lượng thì tiêu thụ tại thị trường nội địa. Quản lý cao cấp ngành hàng thực phẩm siêu thị Co.opmart Nguyễn Ngọc Diện nhận xét: "Mặc dù chú trọng xuất khẩu cá tra nhưng DN bỏ quên thị trường nội địa khi đa số sản phẩm đưa vào siêu thị chủ yếu là hàng thô như cá tra phi lê, cắt khúc, ít sản phẩm qua chế biến".

Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm Việt chưa tìm được chỗ đứng trên sân nhà còn do DN chưa quan tâm đến khâu phân phối và thị hiếu người tiêu dùng. Trong khi đó, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài như Big C, Aeon, Lotte… đang thâm nhập mạnh và chiếm lĩnh thị trường phân phối bán lẻ Việt Nam. Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, khi DN ngoại nắm được hệ thống bán lẻ, việc vắng bóng hàng Việt tại hệ thống siêu thị là điều dễ hiểu. Thậm chí, một số chủ hệ thống bán lẻ, tập đoàn kinh doanh trong nước còn bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đến việc hàng nội vào các kênh bán lẻ gặp khó khăn.

Ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho thấy, khi Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thì DN xuất khẩu cũng đối mặt với những rào cản thương mại, chủ nghĩa bảo hộ của các nước nhập khẩu. Vì vậy, trong bối cảnh đó, DN không nên bỏ quên thị trường rộng lớn trong nước với hơn 90 triệu dân.

Lê Nam