Xuất khẩu 2 tháng: doanh nghiệp trong nước giữ mức tăng trưởng

00:00 12/10/2020

Mặc dù tháng 2 là thời điểm Tết Nguyên đán, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm khá mạnh so với tháng đầu năm nhưng vẫn tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2018.

Công ty Cổ phần Dệt may 29/3 tại Đà Nẵng, chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, tạo việc làm ổn định cho hơn 4.300 lao động. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu trong hai tháng đầu năm.

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 2 cả nước đạt 14,6 tỷ USD, giảm 33,9% so với tháng 1 năm 2018 và tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Tính từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 36,68 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước đạt 10,72 tỷ USD, tăng 9,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,96 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động thương mại của Việt Nam với mức tăng trưởng 9,9%, cao hơn so với tăng trưởng 4,3% của khối doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, xét về tổng thể khối doanh nghiệp FDI vẫn đang là khu vực kinh tế có đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng chung khi chiếm tới 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về yếu tố tác động tới kết quả xuất nhập khẩu, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ngay trong những tháng đầu năm, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản đã gặp khá nhiều khó khăn về đầu ra cũng như giá bán.

Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội chuyên sản xuất giầy xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Anh, Mỹ. Ảnh: TTXVN

Điều này thể hiện qua việc hầu hết các mặt hàng nông, thủy sản có giá xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2018 như hạt điều, cà phê, hạt tiêu, gạo, cao su... khiến kim ngạch xuất khẩu tháng 2 chỉ đạt 1,15 tỷ USD, giảm 49,1% so với tháng 1 và giảm 20% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 7,88% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Với nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản, hoạt động xuất khẩu có tăng nhưng chủ yếu là do xuất khẩu dầu thô tăng mạnh 76,8% về lượng và 82,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018, đạt 1,19 triệu tấn, kim ngạch 646 triệu USD. Tuy nhiên, các mặt hàng còn lại của nhóm hàng này như than đá, xăng dầu đều giảm so với cùng kỳ năm 2018.

Ông Trần Thanh Hải cho hay, trong 2 tháng đầu năm cả nước có 8 mặt hàng đạt trị giá trên 1 tỷ USD, đa phần là các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến. Nổi bật nhất là mặt hàng dệt và may mặc với mức tăng trưởng lên tới 19%, đạt 4,89 tỷ USD.

Đặc biệt, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là thị trường EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong tháng 2, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu cũng giảm so với tháng trước đạt 15,5 tỷ USD, giảm 27,1%. Hàng hóa nhập khẩu giảm tập trung ở một số mặt hàng điện tử; máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; chất dẻo; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng....

Tuy nhiên, nếu tính chung 2 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu đạt 36,76 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 15,29 tỷ USD, tăng 11%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,47 tỷ USD, tăng 5,1%.

Sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH khai thác, chế biến lâm sản Đà Lạt (Lâm Đồng). Ảnh: TTXVN

Theo các chuyên gia thương mại, sau khi thặng dư 816 triệu USD trong tháng 1, sang tháng 2 nhập siêu của Việt Nam đã trở lại với kim ngạch đạt 900 triệu USD. Như vậy với con số này, sau 2 tháng đầu năm, Việt Nam thâm hụt nhẹ 84 triệu USD.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 7-8% của năm 2019, ông Dương Duy Hưng cho biết, ngành công thương sẽ tiếp tục tập trung vào các giải pháp trọng điểm như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ cũng sẽ tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp và người dân nhận diện cơ hội và thách thức của Hiệp định CPTPP và các FTA song phương.

Bộ sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Bên cạnh đó, nhằm phát triển thị trường xuất khẩu, mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống cũng như tại các thị trường là đối tác của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Bộ Công Thương cũng sẽ tập trung lựa chọn các mặt hàng có thế mạnh để xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường theo từng giai đoạn cụ thể.

Về phía doanh nghiệp, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần nắm rõ về khung pháp lý của thị trường và các rào cản kỹ thuật để chủ động hơn trong xuất khẩu; đặc biệt là khi Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực thực hiện./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN