Xuất khẩu 10 tháng năm 2018 gần bằng kỷ lục cả năm 2017

00:00 12/10/2020

Kết thúc tháng 10, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa cả nước đã đạt tới 200,27 tỷ USD, tiệm cận con số kỷ lục của cả năm 2017 (214 tỷ USD). Xuất siêu ở mức cao cũng giúp tăng nguồn cung ngoại tệ và giảm áp lực tăng tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

Kim ngạch xuất khẩu tăng cao

Thông tin được công bố tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 10 cho thấy, kim ngạch XK hàng hóa tháng 10 ước đạt 20,8 tỷ USD. Mặc dù giảm 1,5% so với tháng trước song tính chung 10 tháng, kim ngạch XK hàng hóa vẫn đạt 200,27 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Xuất khẩu nông sản đạt nhiều kết quả tích cực

Đáng chú ý, kim ngạch XK của khu vực kinh tế trong nước đạt 56,82 tỷ USD, tăng 16,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 143,45 tỷ USD (chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 13,2%. Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đây là điểm sáng đáng ghi nhận trong bức tranh xuất nhập khẩu thời gian vừa qua. Bởi từ trước đến nay, khu vực kinh tế trong nước luôn có mức tăng trưởng XK thấp hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Chưa kể, đây là mức tăng liên tục trong nhiều năm gần đây (năm 2015 giảm 2,6%; năm 2016 tăng 4,8%; năm 2017 tăng 17,6%).

Thành tích XK 10 tháng có sự đóng góp lớn của các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo như điện thoại các loại, linh kiện, dệt may, máy tính, da giày… Nhóm hàng này có mức tăng trưởng 16,9%. Đặc biệt, các mặt hàng truyền thống của nước ta như dệt may, da giày, đồ gỗ đều đã đạt những kết quả XK tích cực trong những tháng qua.

Bên cạnh đó, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản tuy có sự sụt giảm về giá nhưng lượng tăng nên vẫn duy trì được mức tăng trưởng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khối nông, lâm, thủy sản, có 3 mặt hàng tiêu biểu với kim ngạch tăng cao là gạo, rau, quả và thủy sản. Cụ thể, XK gạo tăng 7,6% về lượng và 22,1% về trị giá; rau, quả tăng 15,2%; thủy sản tăng 6,9%... Trong bối cảnh nguồn cung trên thị trường thế giới dư thừa, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan bằng các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm… Việc các mặt hàng nông sản chủ lực này duy trì được đà tăng trưởng XK là tín hiệu đáng mừng, cho thấy chất lượng nông sản Việt Nam ngày càng có xu hướng tăng cao.

Duy trì xuất siêu

Cùng với thành tích cao trong XK, nhập khẩu (NK) hàng hóa trong tháng 10 cũng ổn định, ước kim ngạch đạt 20,7 tỷ USD, tăng 6,1% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng, kim ngạch hàng hóa NK cả nước đạt 193,84 tỷ USD, tăng 11,8%. Hàng hóa NK tập trung vào các mặt hàng cần NK như thủy sản, than đá, dầu thô, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu, linh kiện phục vụ sản xuất… Tỷ trọng nhóm hàng cần kiểm soát NK chỉ chiếm khoảng 6,5% tổng kim ngạch NK.

Như vậy, cán cân hàng hóa trong nước tiếp tục duy trì xuất siêu. Cụ thể, trong tháng 10, xuất siêu 100 triệu USD và sau 10 tháng đạt 6,42 tỷ USD. Việc kiểm soát tốt cán cân thương mại đã góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ và giảm áp lực tăng tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

Theo phân tích của Bộ Công Thương, trong những tháng tới, kinh tế toàn cầu tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ kéo theo sự phục hồi của nhu cầu thế giới. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. Được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan, môi trường kinh doanh thuận lợi, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định, đầu tư trong nước dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc và cùng với đầu tư nước ngoài tạo ra năng lực sản xuất mới. Ngoài ra, mới đây, Hoa Kỳ đã giảm thuế chống bán phá giá với tôm và cá tra, tạo tâm lý tốt cho doanh nghiệp XK. Do đó, kim ngạch XK dự báo sẽ tiếp đà tăng và nhiều khả năng vượt qua con số kỷ lục của năm 2017.

Bộ Công Thương dự báo, kim ngạch XK năm 2018 sẽ tăng trưởng 10 - 12%, đạt 239 - 240 tỷ USD; kim ngạch NK đạt 237 tỷ USD; xuất siêu khoảng 2 - 3 tỷ USD.

Bảo Ngọc