Xu thế dòng tiền: Chờ đợi, hay 'xuống tiền' tiếp?

00:00 12/10/2020

Sàn UPCoM ghi nhận một cổ phiếu tăng giá đến 93% chỉ sau 1 tuần.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đứng ở mức 980,76 điểm, tương ứng giảm 0,8% so với tuần trước đó. HNX-Index cũng giảm 0,6% xuống 107,44 điểm. Các cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục có một tuần giao dịch với biến động phân hóa giằng co. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ tiếp tục là tâm điểm.

Ở sàn HoSE, dẫn đầu danh sách tăng giá là cổ phiếu VHG của Công ty Cổ phần Đầu tư Cao Su Quảng Nam với 33,9%. Trong tuần, VHG đã có trọn vẹn cả 5 phiên tăng trần. Như vậy, VHG đã có 9 phiên tăng trần liên tiếp nhưng thị giá của cổ phiếu này vẫn chỉ là 750 đồng/cp. Trong tuần trước, VHG bị Cục thuế cưỡng chế 626,7 tỷ đồng. VHG vẫn đang nằm trong nhóm nguy cơ bị hủy niêm yết, VHG tiếp tục chịu lỗ 240 tỷ đồng trong năm 2018 – đây cũng đã là năm thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp này kinh doanh thua lỗ và sẽ nằm trong diện bị hủy niêm yết sau khi có BCTC 2018 kiểm toán.

Cổ phiếu NVT của Công ty Cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay vẫn đang có thấy xu hướng đi lên liên tục trong vòng gần 1 năm qua. Riêng ở tuần này, NVT đã tăng gần 30%.

Ở chiều ngược lại, dẫn đầu danh sách giảm giá sàn này là cổ phiếu HSL của Công ty Cổ phần Chế biến Nông sản Hồng Hà Sơn La với 16,5%. Hiện tại, HSL đang giao dịch ở mức giá 9.890 đồng/cp - đây là mức giá thấp nhất của cổ phiếu này kể từ khi niêm yết sàn HoSE từ năm 2018.

Hai cổ phiếu giảm giá trên 10% ở sàn HoSE còn có LGC của Công ty Cổ phần Đầu tư Cầu đường CII và CRC của Công ty Cổ phần Create Capital Việt Nam.

Ở sàn HNX, cổ phiếu ORS của Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong có mức tăng giá mạnh nhất, đạt 41,2%. Mới đây, ở GDCK Hà Nội vừa thông báo quyết định hủy niêm yết toàn bộ 24 triệu cổ phiếu ORS của CTCP Chứng khoán Phương Đông từ 10/4/2019. Cổ phiếu ORS sẽ giao dịch phiên cuối cùng trên HNX vào ngày 9/4/2019. Nguyên nhân bị hủy niêm yết là do lợi nhuận sau thuế 3 năm liên tiếp từ 2016, 2017 và 2018 đều là số âm, thuộc diện chứng khoán bị hủy niêm yết theo quy định.

Cổ phiếu VE4 của Công ty Cổ phần Xây dựng điện VNECO4 cũng gây ấn tượng bởi mức tăng giá 35,6% chỉ sau 1 tuần giao dịch. Nếu nhìn xa hơn, VE4 đã tăng giá gần gấp đôi chỉ trong vòng 1 tháng giao dịch.

Chiều ngược lại, cổ phiếu PSI của Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí giảm mạnh nhất sàn HNX với 23%, tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu này là rất thấp, thậm chí nhiều phiên PSI đã rơi vào trạng thái không có giao dịch. Cổ phiếu KSQ của Công ty cổ phần CNC Capital Việt Nam giảm sâu 22,6%. Trước đó, KSQ đã có chuỗi tăng giá 'sốc' từ 1.200 đồng/cp leo lên thành 3.400 đồng/cp sau khoagr 3 tuần giao dịch.

Ở sàn UPCoM, đa phần các cổ phiếu tăng, giảm mạnh ở sàn này đều có thanh khoản rất thấp với vài trăm cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên. Ở chiều tăng giá, TVM của CTCP Tư vấn Đầu tư Mỏ và Công nghiệp - Vinacomin tăng giá đến 93% sau 1 tuần giao dịch. Tương tự, cổ phiếu VNX của Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Thương mại cũng tăng mạnh 81,3%.

Trong khi đó, có hai cổ phiếu sàn UPCoM giảm giá trên 40% đó là PRO của Công ty Cổ phần Procimex Việt Nam và BAL của Công ty cổ phần Bao bì Bia – Rượu – Nước giải khát.

Bình An