Xu hướng siêu thị ảo

00:00 12/10/2020

Siêu thị ảo liệu có thể trở thành xu hướng mua sắm ở Việt Nam?

Ảnh minh họa

Siêu thị ảo (virtual store) vừa chính thức hiện diện ở Việt Nam, mở ra hình thức mới để người tiêu dùng có thêm lựa chọn. Nhưng liệu nó có thể trở thành xu hướng mua sắm tương lai?

Thêm lựa chọn mới

Đơn vị đưa mô hình siêu thị ảo vào Việt Nam là Vingroup. Ban đầu, Vingroup dự kiến sẽ chọn khoảng 20 địa điểm tại TP.HCM và Hà Nội để đặt siêu thị ảo. Sau đó, mô hình này sẽ được nhân rộng khắp cả nước.

Siêu thị ảo chính là những quầy hàng dán các áp phích lớn, với hình ảnh mô phỏng từ hàng trăm nhóm sản phẩm chọn lọc. Việc bài trí, sắp xếp hình ảnh tại siêu thị ảo thường rất bắt mắt, tương tự như quầy kệ ở siêu thị thực tế. Khách muốn mua hàng tại siêu thị ảo chỉ cần dùng điện thoại tải một phần mềm hỗ trợ mua sắm của nhà bán lẻ, quét mã QR các sản phẩm và thanh toán ngay trên điện thoại di động. Sau đó, hàng sẽ được giao về tận nhà chỉ trong vài giờ.

Điểm đặc biệt là quy trình mua hàng thường chỉ mất 20-30 giây. Các quầy hàng của siêu thị ảo lại đặt ở những nơi nhiều người qua lại như các con phố đông đúc, trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng, trường học, bến xe, trạm chờ xe buýt... Khi đó, những người bận rộn có thể tranh thủ thời gian nghỉ giữa giờ hay thời gian chờ... để mua sắm. Họ đi chợ mà không cần đến tận nơi, không mất thời gian lấy hàng, chờ thanh toán, chờ lấy xe. Họ có thể mua sắm chỉ với chiếc smartphone trong tay, không cần xách nặng, mang hàng hóa lỉnh kỉnh. Tất cả đều rất thuận tiện.

Xu huong sieu thi ao
 

Thực tế, theo Appota, tính đến nửa đầu năm 2018, đã có 67% người dân Việt Nam sử dụng internet và 72% người dân sở hữu smartphone. Đây chính là những cơ sở để mua sắm qua online, điện thoại thêm bùng nổ. Khảo sát từ Q&Me chỉ ra, năm 2018, 80% người được hỏi xác nhận có mua sắm trực tuyến. Còn số liệu từ Bộ Công Thương cho hay, doanh số thương mại điện tử tăng trưởng khoảng 20%/năm và đến năm 2020 ước đạt 10 tỉ USD. Khi đó, Bộ Công Thương dự đoán 30% dân số cả nước sẽ mua sắm trực tuyến, với giá trị giao dịch trung bình 350 USD/người/năm.

Ở khía cạnh công nghệ, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, từng nhận định: “Công nghệ mới (điện toán đám mây, dịch vụ di động, dữ liệu lớn, tiền kỹ thuật số, blockchain...) đã và sẽ còn tác động mạnh tới mua bán trực tuyến”. Đặc biệt, khi những hình thức kinh doanh mới (platform, nền kinh tế chia sẻ...) trở nên phổ biến thì bán lẻ cũng phải dịch chuyển.

Thế giới không hề xa lạ với mô hình siêu thị ảo. Từ 8 năm trước, Hàn Quốc là quốc gia tiên phong triển khai mô hình siêu thị ảo khi Homeplus, một công ty thuộc Tesco, mở siêu thị ảo đầu tiên trên thế giới (6.2011). Không lâu sau, năm 2012, Tesco mở rộng mô hình này ra khắp Hàn Quốc (22 cửa hàng) và đưa siêu thị ảo về thị trường quê nhà là Anh. Cũng trong giai đoạn 2011-2012, nhiều công ty khác đã mở siêu thị ảo như chuỗi siêu thị ảo Yihaodian (Trung Quốc), Peapod (Mỹ), Lam Soon (Hồng Kông), Jumbo (Chile), Woolworths (Úc)...

Tuy nhiên, thành công nhất vẫn là chuỗi siêu thị ảo Homeplus. Chỉ chưa đến 1 năm kể từ khi thực hiện chiến dịch mở cửa hàng ảo, Homeplus đã trở thành ứng dụng mua sắm phổ biến nhất thời điểm ấy, với 900.000 lượt tải. Doanh số bán hàng trực tuyến của Homeplus tăng 130% và người đăng ký tăng 76%.

Những thành công của chuỗi siêu thị ảo trên thế giới cùng tiện ích, sự mới lạ của mô hình này là các cơ sở để phía Việt Nam kỳ vọng, siêu thị ảo sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong tiêu dùng bán lẻ nội địa.

Khó lòng thay thế

Trước khi mở siêu thị ảo, các nhà bán lẻ đều phải đầu tư về nền tảng. Họ thường thiết lập được hệ sinh thái với hệ thống cửa hàng, siêu thị riêng. Các đơn vị cũng phát triển phần mềm với những trải nghiệm mua sắm, thanh toán trực tuyến... Tuy nhiên, ở Việt Nam, chất lượng sản phẩm, dịch vụ mới là vấn đề được người tiêu dùng quan tâm nhất. Trong một diễn đàn, nhiều người chia sẻ mối quan tâm về thời gian giao hàng. Làm sao để nhà bán lẻ đảm bảo thời gian giao hàng trong vài tiếng? Nếu giao trễ hẹn, không ai ở nhà thì phải giải quyết cách nào? Tương tự, người tiêu dùng rất băn khoăn về chất lượng sản phẩm. Vì không được trực tiếp xem xét, cầm nắm sản phẩm nên chất lượng hàng hóa giao đến cho người tiêu dùng sẽ tùy thuộc nhân viên chuỗi bán lẻ và người giao hàng. Nếu có hư hỏng, hao hụt, chất lượng không đạt, giao hàng không đúng, người tiêu dùng phải kiểm tra, khiếu nại, đổi trả hàng ra sao? Rõ ràng, sẽ có khá nhiều rắc rối phát sinh.

Trong khi đó, mua hàng tại siêu thị ảo là phải thanh toán ngay. Điều này khác với các hình thức bán hàng online vẫn đang cho phép trả tiền sau khi nhận hàng (COD). Theo Bộ Công Thương, dù thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển nhưng thanh toán COD vẫn là hình thức phổ biến nhất. Nếu năm 2013, 74% người dùng ở Việt Nam thanh toán COD thì đến năm 2017, con số này là 82%.

P.V