Xóa bỏ rào cản định kiến giới, tăng cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp

00:00 12/10/2020

Nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng trong thời kỳ mới.

Phụ nữ khởi nghiệp: nhiều tiềm năng, lắm rào cản

 

Theo kết quả khảo sát mới công bố gần đây của Facebook, nếu hỏi 5 người phụ nữ ở Việt Nam thì có 4 người mong muốn khởi nghiệp. Họ tính ra rằng, nếu chỉ có một nửa trong số đó có cơ hội khởi nghiệp thành công thì đến năm 2021, Việt Nam sẽ tạo ra 1,1 triệu doanh nghiệp mới và 3,9 triệu việc làm. Nghiên cứu của Việt Nam năm 2015 cũng cho biết chỉ số khởi nghiệp của phụ nữ là 15,5% trong khi chỉ số khởi nghiệp của nam giới là 11,6%. Điều đó cho thấy, tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ rất cao.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng thực hiện nhiều chương trình, hoạt động thực chất nhằm nỗ lực hỗ trợ đổi mới sáng tạo, đặc biệt là với đối tượng phụ nữ khởi nghiệp. Phát biểu tại Tọa đàm về sự phát triển năng động của tinh thần khởi nghiệp nữ doanh nhân tại châu Á – Thái Bình Dương, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Nữ doanh nhân Việt Nam nhận định: “Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như Đề án 844 hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp do do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, Đề án 939 hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam chủ trì… Việt Nam cũng là quốc gia có Luật bình đẳng giới rất tiến bộ. Gần đây Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có những điểm nhấn về hỗ trợ cho phụ nữ. Rất nhiều hành động của Chính phủ lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hướng đến mục tiêu trở thành một Chính phủ hành động, Chính phủ kiến tạo”.

Chủ tịch Hội đồng Nữ doanh nhân Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết Minh cho biết phụ nữ Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp cao nhưng còn đối mặt với nhiều rào cản

Bên cạnh đó, các tổ chức liên quan cũng triển khai rất nhiều sáng kiến để hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân trong đào tạo, tiếp cận thông tin, kết nối thị trường; đặc biệt, mạng lưới nữ doanh nhân ASEAN (AWEN) đã được thành lập theo ý tưởng khởi xướng của Việt Nam, nhằm mục tiêu tạo cơ hội phát triển cho các doanh nhân nữ trong khu vực.

Tuy nhiên với những nỗ lực như vậy từ phía Chính phủ, phụ nữ Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít rào cản trong hoạt động khởi nghiệp. Các chuyên gia đã đề cập đến việc nhiều phụ nữ “đơn độc” trong quá trình kinh doanh, xuất phát từ gia đình của họ và định kiến giới của xã hội. Không phải người phụ nữ nào khởi nghiệp cũng nhận được sự đồng thuận của gia đình. Kỳ vọng của xã hội và gia đình đối với người phụ nữ là phải chăm lo nhà cửa, chăm sóc con cái, đặc biệt là đối với phụ nữ Á Đông, cái nhìn đó làm giảm sự tin tưởng của các nhà đầu tư và các đối tác nam đối với nữ doanh nhân. Trong tiếp cận đào tạo, doanh nhân nữ Việt Nam cũng gặp khó khăn xuất phát từ tiêu chuẩn của xã hội. Quỹ thời gian của phụ nữ cũng có 24 tiếng một ngày như nam giới nhưng họ phải làm nhiều việc không tên hơn nam giới bên cạnh công việc kinh doanh, vì vậy họ không có thời gian dành cho đào tạo nâng cao.

Tạo bình đẳng cho phụ nữ trong khởi nghiệp

Phụ nữ có tiềm năng và vai trò to lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần giải quyết việc làm cho hàng triệu người lao động. Doanh nhân nữ đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế nhưng đang gặp không ít thách thức. Để đạt được kết quả kinh doanh như nam giới, phụ nữ phải nỗ lực gấp 2 – 3 lần do định kiến về trách nhiệm của phụ nữ trong công việc gia đình.

Để loại bỏ rào cản của phụ nữ trong khởi nghiệp sáng tạo, cần giải quyết vấn đề định kiến giới và quan điểm trong cộng đồng xã hội. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, cần làm công tác bình đẳng giới ngày trong mỗi gia đình, trong các dòng họ. “Bởi nếu các gia đình bình đẳng được thì cộng đồng, cơ quan, xã hội mới được bình đẳng. Nếu chỉ làm công tác tuyên truyền ở cơ quan, ở xã hội thì đó chỉ là giải quyết phần ngọn chứ chưa phải là giải pháp từ gốc vấn đề. Đồng thời, Chính phủ nên có cơ chế tạo cơ hội cho phụ nữ bình đẳng như nam giới”.

Bên cạnh đó, người phụ nữ cần tự khẳng định mình, vượt qua rào cản tâm lý của chính mình để làm chủ kiến thức, làm chủ kinh nghiệm và làm chủ cuộc đời mình. Với mục tiêu truyền cảm hứng và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, mạng lưới doanh nhân nữ đang nỗ lực nhân rộng những mô hình tốt và nâng cao trình độ năng lực cho phụ nữ mới khởi nghiệp cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Giống với các nước khác ở mạng lưới doanh nhân nữ trong khu vực, Hội đồng Nữ doanh nhân Việt Nam hỗ trợ hội viên trên nhiều lĩnh vực, trọng điểm vào các hoạt động: doanh nhân thành đạt hỗ trợ người mới khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ, thành lập mạng lưới cố vấn nữ phụ nữ khởi nghiệp tại Việt Nam. Ngoài ra Hội đồng tổ chức nhiều tập huấn đào tạo, hội thảo trong nước, trong khu vực, tham gia Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu…, phối hợp với nước sở tại trong các chuyến thăm Chile, Uruguay, Nam Phi, một số nước nói tiếng Pháp… để tổ chức diễn đàn doanh nghiệp học tập kinh nghiệm của nhau.

Về vấn đề tiếp cận tài chính, phụ nữ Việt Nam cũng như phụ nữ ASEAN có mức tài sản khá thấp, Hội đồng Nữ doanh nhân phối hợp với các ngân hàng và tổ chức tài chính để hỗ trợ phụ nữ về vốn khởi nghiệp, cho vay với lãi suất thấp. Trong lĩnh vực này, các chuyên gia đánh giá phụ nữ có chỉ số tín nhiệm cao hơn, khả năng sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn và khả năng trả tiền cho ngân hàng tốt hơn.

Về vấn đề tiếp cận thị trường: doanh nghiệp khởi nghiệp của phụ nữ thường là doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất thiếu chi phí cho quảng bá sản phẩm và thương hiệu, Hội đồng doanh nhân nữ đã phối hợp với Facebook, Google để triển khai một loạt các chương trình đào tạo về kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử, cách xây dựng một trang web, xây dựng thương hiệu, nhận diện thương hiệu của mình trên các công cụ của Google, Facebook, triển khai trên hai kênh: đào tạo trực tuyến và đào tạo trực tiếp.

Những nỗ lực đó nhất quán với quan điểm của Chính phủ Việt Nam: nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng trong thời kỳ mới. Đề cập đến câu nói “Doanh nhân nữ - Người khổng lồ đứng trước khe cửa nhỏ”, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh khẳng định “trách nhiệm của Chính phủ, của Hội đồng doanh nhân nữ cũng như các tổ chức, hiệp hội là mở cánh cửa đó ra để người khổng lồ có thể tiến về phía trước”.

 Ngọc Mai