Xem xét rút giấy phép những dự án thủy điện không chấp hành đúng quy định

00:00 12/10/2020

Chúng ta phải trả giá nếu công trình thủy điện làm không tốt, chất lượng không đảm bảo, cơ sở pháp lý không đầy đủ. Chính vì vậy, chúng tôi sẵn sàng xem xét đến mức độ dừng giấy phép tham gia của các dự án thủy điện nếu như chủ đầu tư không chấp hành đúng quy định. Xem xét chế tài xử lý đối với các Trưởng ban phòng chống lụt bão các địa phương”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói.

Thủy điện Đăk Mi 4 (ảnh Công Bính)

Sáng nay (17/3), tại Đà Nẵng, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị quản lý, vận hành an toàn và hiệu quả hồ chứa thủy điện nhằm thực hiện hóa các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện. Hồ thủy điện đang tiềm ẩn nguy cơ cho vùng hạ du… Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh biểu dương các kết quả mà toàn ngành đạt được trong công tác quản lý, vận hành hệ thống thủy điện. Trong quá trình hình thành và phát triển, gần 60 năm qua, các thủy điện ở Việt Nam đã làm tốt vai trò, sứ mệnh của mình và là nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Song Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, các hồ thủy điện đang tiềm ẩn nguy cơ cho vùng hạ du nếu các thủy điện vận hành không an toàn. Do vậy, việc thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại để có biện pháp xử lý, khắc phục nhằm quản lý thủy điện tốt hơn, phát huy những thế mạnh, đồng thời hạn chế thấp nhất những thiệt hại trong tương lai là việc làm cần thiết và cấp bách. Ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp - cho hay, hiện nay, trong phạm vi hành lang thoát lũ một số hồ chứa thủy điện có đông dân cư sinh sống, sản xuất nông nghiệp, công trình xây dựng… gây cản trở khả năng thoát lũ và có thể gây mất an toàn cho vùng hạ du trong khi các hồ chứa thủy điện vận hành xả lũ.

Hội nghị diễn ra tại TP Đà Nẵng sáng 17/3

“Công tác phối hợp giữa chủ hồ và các cấp chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, thông tin xả lũ chưa tốt, thông báo chưa kịp thời, chưa đầy đủ nội dung gây bức xúc cho nhân dân. Chủ hồ chưa diễn tập các phương án theo quy định nên khi sự cố xảy ra hoàn toàn bị động. Cơ quan quản lý ở Bộ, địa phương chưa thực hiện tốt công tác phổ biến hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý các vi phạm”, ông Lượng nói. Ông Trần Quang Hoài, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng nhận định, các hồ thủy điện đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội nhưng nó luôn tiềm ẩn những nguy cơ nếu không vận hành đúng quy trình đã được đặt ra. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, vấn đề tính mạng con người liên quan đến việc xả lũ của thủy điện cũng như trách nhiệm của chủ đầu tư, chính quyền địa phương trong việc vận hành liên hồ là một vấn đề nóng và thực tế nó luôn là vòng xoáy chưa có cách xử lý dứt điểm. Vì thế, biện pháp sắp tới không thể chỉ dừng ở kêu gọi, lưu ý, mà phải đi vào những biện pháp cụ thể. “Những dự án nào tác động tiêu cực đến môi trường, đời sống của người dân thì cần phải xem xét lại. Chúng ta phải trả giá nếu công trình thủy điện làm không tốt, chất lượng không đảm bảo, cơ sở pháp lý không đầy đủ. Chính vì vậy, chúng tôi sẵn sàng xem xét đến mức độ dừng giấy phép tham gia của các dự án thủy điện nếu như chủ đầu tư không chấp hành tốt quy định. Xem xét chế tài xử lý các Trưởng ban phòng chống lụt bão các địa phương”, Bộ trưởng nói. Bất cập trong việc quản lý xả lũ của các địa phương. Tại hội nghị, có những ý kiến cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác quản lý và vận hành các hồ chứa thuỷ điện trong những năm qua có nhiều vấn đề từ khâu đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác, quản lý gây bức xúc cho xã hội. Qua kiểm tra của Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng cho thấy, năng lực quản lý chuyên môn của các địa phương còn hạn chế, thiếu trách nhiệm, nhiều chủ trương đầu tư dự án thủy điện không đủ năng lực, thiếu kinh nghiệm hoặc không chấp hành các quy định của pháp luật từ khâu khảo sát, thiết kế thi công đến quản lý vận hành. Do vậy, đã đến lúc cần phải siết chặt các quy trình quản lý, vận hành nhằm đảm bảo các thủy điện hoạt động an toàn, hiệu quả, giảm thiểu những rủi ro thiệt hại có thể xảy ra cho người dân. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, điều bộc lộ trong thời gian vừa qua là khâu tổ chức, phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan cũng như việc phân cấp trách nhiệm để tổ chức thực hiện trong quản lý thủy điện. “Trên thực tế trong thời gian vừa qua chúng ta đã thấy bộc lộ một số bất cập và tồn tại trong việc quản lý xả lũ của các địa phương. Qua thực tế kiểm tra và đánh giá của Bộ công thương, Bộ tài nguyên Môi trường và một số cơ quan quản lý khác, chúng ta cũng thấy đang tồn tại những vấn đề mang tính chủ quan từ hệ thống quản lý Nhà nước ở địa phương, trong đó có vai trò của các sở, ngành tại địa phương tham mưu cho chính quyền địa phương để tổ chức thực hiện quản lý tốt thủy điện”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng Bộ Công Thương đơn cử một số phương án phòng chống lụt bão tại địa phương, việc tham gia của các đập thủy điện trong việc phòng chống lụt bão và việc xây dựng các bản đồ ngập lụt ở vùng hạ du, các phương án chống lũ ở hạ du và cũng như quản lý quy trình xả lũ của hồ và liên hồ trong các mùa lũ và mùa cạn… điều bộc lộ ra những vấn đề liên quan đến chỉ đạo trực tiếp của từng địa phương. [box]Hiện cả nước có 330 công trình thủy điện được đưa vào khai thác, sử dụng với tổng công suất lắp đặt 17.615MW, trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc và miền Trung - Tây Nguyên. Tổng sản lượng điện phát của các công trình thủy điện năm 2016 là 63.730 triệu kWh so với năm 2012 (48421 triệu kWh) phát tăng thêm 15.309 triệu kWh. Bên cạnh đó, Việt Nam có khoảng 193 dự án (tương đương 5.662MW) đang thi công xây dựng; 245 dự án (3.006MW) đang nghiên cứu đầu tư. Tính đến hết năm 2016, các nhà máy thủy điện đang vận hành chiếm tỷ trọng khoảng 32% về điện năng và 40% về công suất lắp máy. Đây là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, giá thành rẻ hơn các nguồn điện khác. Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII điều chỉnh) thì đến năm 2020, tổng công suất các nguồn thủy điện bao gồm cả thủy điện vừa và nhỏ, đạt khoảng 21.600MW; khoảng 24.600MW vào năm 2025 và 27.800MW vào năm 2030. Trong đó, điện năng sản xuất từ nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng tương ứng là 29,5%, 20,5% và 15,5%.[/box] theo dantri