Xây dựng “Văn hóa doanh nghiệp”sao cho phù hợp ?

00:00 12/10/2020

“Văn hóa doanh nghiệp”cụm từ không mới, nhưng luôn là đề tài được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, ở mỗi góc độ, cũng như mô hình kinh doanh khác nhau… doanh nghiệp sẽ có những quan niệm và xây dựng“Văn hóa doanh nghiệp”riêng của mình để phù hợp với môi trường kinh doanh. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã từng chia sẻ “Văn hoá doanh nghiệp” là một yêu cầu tất yếu của sự phát triển thương hiệu vì hình ảnh doanh nghiệp sẽ góp phần quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp và đòn bẩy để doanh nghiệp phát triển vượt bậc và bền vững. Bà Cao Thị Ngọc Dung, CEO Công ty PNJ cho biết: Xây dựng “Văn hóa doanh nghiệp” phải xuất phát từ trái tim của người lãnh đạo và mỗi con người trong tổ chức. Yếu tố quan trọng nhất đó là lòng tin, phải coi nhau như một gia đình”. Tại buổi hội thảo “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp” do Công ty Action COACH CBD Firm vừa tổ chức tại TP.HCM, bà Cynthia Wihardja với vai trò là Nhà huấn luyện doanh nghiệp & huấn luyện lãnh đạo của ActionCoach đến từ Jakarta khẳng định: Thành công trong doanh nghiệp là chủ doanh nghiệp phải hiểu rõ hơn trong việc chọn đúng người, đúng việc và đây chính là thước đo thái độ, yếu tố chiếm 70% sự thành công của doanh nghiệp. Và bà Cynthia Wihardja đưa ra ví dụ,những doanh nghiệp vô cùng thành công như APPLE, STARBUCKS, GO - JET… chính là tầm nhìn, là sứ mệnh và sự khác biệt. Kinh nghiệm từ những chương trình huấn luyện cho doanh nghiệp trên thế giới, bà Cynthia Wihardja cho biết, những câu hỏi thường được doanh nghiệp quan tâm như: Làm thế nào để doanh nghiệp chọn nhân viên phù hợp với doanh nghiệp? Làm thế nào để doanh nghiệp chọn được khách hàng phù hợp với doanh nghiệp? Làm thế nào để doanh nghiệp chọn được nhà đầu tư phù hợp với doanh nghiệp? Làm thế nào để bạn sở hữu một đội nhóm gắn kết, hỗ trợ cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp gia đình? Làm sao để phát triển một văn hóa doanh nghiệp chiến thắng, thứ mà có thể tồn tại mãi về sau, ngay cả khi bạn đã không còn điều hành hay cả khi bạn đã ra đi? Đúc kết từ thực tế tại các doanh nghiệp,“Văn hoá doanh nghiệp” vẫn là đối nội phải tăng cường tiềm lực, quy tụ được sức sáng tạo của công nhân viên chức, khích lệ họ sáng tạo ra nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp; đối ngoại phải được xã hội bản địa chấp nhận và phải luôn được “làm giàu” theo quá trình tiến hóa của xã hội. Vậy nên “Văn hóa doanh nghiệp” vẫn là mảng đề tài luôn được chủ doanh nghiệp quan tâm và tồn tại vô hình cùng với sự phát triển sản xuất kinh doanh của mỗi một doanh nghiệp, một chuyên gia kinh tế nhấn mạnh. H. Minh (Tc DN&HN)