Xây dựng thương hiệu từ văn hóa doanh nghiệp: Chia sẻ giấc mơ chung mang tên 'minh bạch'

00:00 12/10/2020

Một ngày nắng đẹp, tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Người đàn ông có gương mặt cương nghị với cách trò chuyện dẫn dắt hài hước và sâu sắc trải lòng với báo giới về văn hóa doanh nghiệp, về thương hiệu. Ông là doanh nhân Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị The PAN Group.

Tập hợp những mảnh ghép để thực hiện giấc mơ

Chỉ sau 7 năm chuyển sang đầu tư kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm, The PAN Group không những phát triển về doanh thu mà còn có quy mô đáng nể. Bí quyết ở đây là nghệ thuật kết nối?

chia se giac mo chung mang ten minh bach

Tiền thân chỉ là một công ty vệ sinh công nghiệp bình thường, PAN đã trở thành một tập đoàn đầu tư, kinh doanh 3 lĩnh vực chính: Nuôi trồng, thực phẩm và dịch vụ. Hiện PAN đang sở hữu hệ thống công ty con, công ty liên kết, trải dài các lĩnh vực trong nông nghiệp từ sản xuất, chế biến (Vinaseed, Aquatex Bentre, Sao Ta) đến thực phẩm (Bibica, Lafooco)... với gần 11.000 cán bộ, công nhân viên.

Tất cả các công ty thành viên của chúng tôi đều hoạt động có hiệu quả và đứng đầu ngành. PAN có 3 doanh nghiệp đứng trong Top 10/200 công ty châu Á có doanh số dưới 1 tỷ USD được Forbes bình chọn là những doanh nghiệp tốt nhất.

Các công ty thành viên của PAN là nơi tập hợp những con người, mà khi nói đến câu chuyện minh bạch, họ đều có thể thực hiện cùng mình - đó là nền tảng cốt lõi. Lúc khó khăn cùng nhau giải quyết, lúc thuận lợi chia sẻ quyền lợi. Điều này cũng giống như khi kết bạn, một lần nói chuyện có thể xác định có thể đi uống cà phê, nói chuyện lâu dài hay không. Quan hệ của mỗi tổ chức đôi khi bắt đầu bằng quan hệ của những người đứng đầu.

Tiêu chí với hệ thống của chúng tôi là minh bạch. Ứng xử với nhau, giải quyết sự cố - đều đi trực diện vào vấn đề. Chúng tôi lấy hệ thống để quản lý. Hệ thống không xây dựng để phù hợp với con người hiện có mà những người phù hợp sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn, những người không phù hợp sẽ bị đào thải. Hệ thống kiểm soát con người không phải con người kiểm soát hệ thống.

Hệ thống được xây dựng sự xuyên suốt từ trên xuống dưới. Không phải anh ở công ty mẹ mà có quyền hơn các công ty con. Từng bộ phận làm việc theo JD (job description). Đấy là hệ thống KPI được xây dựng dựa trên hệ thống đó. Khi xây dựng hệ thống minh bạch sẽ tự động minh bạch. Kể cả người cao nhất là tôi, nếu không minh bạch cũng sẽ bị bong ra khỏi hệ thống.

Chúng tôi cũng có cùng một giấc mơ cùng bắt tay để nâng tầm nông nghiệp, thực phẩm Việt. Đấy là những hành động của chúng tôi, thống nhất từ ban lãnh đạo xuống dưới. Và mọi người đều hiểu rằng, đó là giấc mơ chung của hơn 10.000 cán bộ, nhân viên.

Trên 60% người Việt Nam làm nông nghiệp. Vậy nên, khi làm gì đó cho nông nghiệp, chúng ta đã gửi gắm tình yêu đối với đất nước, với dân tộc.

Xây dựng thương hiệu từ giá trị văn hóa cốt lõi

Câu chuyện giấc mơ phải chăng chính là văn hóa doanh nghiệp của PAN?

Theo định nghĩa của tôi, văn hóa doanh nghiệp là cách hành vi ứng xử với nhau và ra bên ngoài một cách thống nhất. Thương hiệu là thể hiện tất cả những điều mong muốn thành tín hiệu riêng của doanh nghiệp, được nhiều người nhớ đến và công nhận.

Văn hóa doanh nghiệp cũng là cái thể hiện ra hàng ngày với xung quanh. Thương hiệu là cách xung quanh cảm nhận về doanh nghiệp như thế nào. Rõ ràng, những điều nói ra ngược với điều mình làm sẽ rất phản tác dụng, khác hẳn với việc mình nói được, làm được. Khi làm được, sức lan tỏa lớn hơn nhiều. Ban đầu nhìn vào, dễ hiểu nhầm là "chém gió". Nhưng bằng thực tế, năm đầu, năm thứ hai còn coi là "chém", nhưng đến năm thứ ba, người ta sẽ thấy đó là sự thật.

Trong PAN, các công ty thành viên trải dài các tỉnh, văn hóa vùng miền khác, ngôn ngữ địa phương, ngành nghề cũng khác nhau. Nhưng chúng tôi tìm được một điểm chung. Điểm cốt lõi này sẽ dùng để quy tụ cái chung khác. Một lần nữa vẫn phải nhắc đến tính minh bạch. Điểm chung của chúng tôi là minh bạch và hai từ này trở thành cốt lõi của văn hóa PAN.

Thương hiệu là yếu tố vô hình, nhưng rất quan trọng. Vậy PAN sẽ thực hiện điều này như thế nào?

Thời gian trước, các doanh nghiệp quan tâm đến sản xuất hơn là chú trọng xây dựng thương hiệu. Nhưng hiện nay, họ bắt đầu nghĩ đến vấn đề xây dựng thương hiệu bài bản. Trong kinh tế hàng hóa, ai sở hữu thương hiệu tốt mới là tài sản và phát triển bền vững. Doanh thu chỉ là tức thời. Tôi có mong muốn, niềm tin rằng mình có thể sở hữu thương hiệu.

Những con người của PAN cùng chung giấc mơ xây dựng thương hiệu

Đơn cử như câu chuyện thương hiệu ôtô VinFast của Tập đoàn VinGroup. Ai sản xuất không quan trọng, nhưng nếu thành công thì đó là thương hiệu của Việt Nam. Giá trị ấy chính là thương hiệu dựa trên chênh lệch giá sản xuất và giá bán.

Giá thương hiệu phụ thuộc vào giá trị cốt lõi, giá trị cốt lõi của PAN là tiềm năng thị trường, nền tảng doanh nghiệp và quan trọng nhất là nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực của PAN không chỉ tập trung ở công ty mẹ, nguồn nhân lực ở các công ty con mới là tài sản quan trọng nhất. Những người lãnh đạo như chúng tôi tạo ra hệ sinh thái để cho tất cả doanh nghiệp trực thuộc mình phát triển.

PAN mong muốn xây dựng và sở hữu thương hiệu. Giấc mơ là mục tiêu, hiệu quả là con đường, là phương tiện để thực hiện giấc mơ. Xây dựng chiến lược dài nhưng phải hiệu quả. Không có mục tiêu sẽ đi lạc. Nhưng nếu không hiệu quả, giấc mơ sẽ tan biến giữa chừng.

PAN đã có nhiều chiến lược về M&A, gần nhất là việc hợp tác với Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản. Mục đích của hợp tác này có liên quan gì tới câu chuyện về xây dựng thương hiệu mà ông vừa chia sẻ?

Chúng tôi đã có thêm đối tác tham gia điều hành trực tiếp, một người bạn đồng hành nữa là Sojitz để cùng nhau nhìn ra cơ hội, cùng nhau thực hiện giấc mơ.

Họ không hành động vì giấc mơ người Việt hay quyền lợi của The PAN Group. Phải khẳng định rằng, họ cũng vì quyền lợi của họ. Nhưng quan trọng ở đây là, quyền lợi giữa chúng tôi và họ không mâu thuẫn, ngược lại, cùng nhau thăng hoa hơn.

Họ đầu tư không nhiều, song đây là mối quan hệ nghiêm túc. Trước đây, nhiều nhà đầu tư có thương hiệu lớn muốn hợp tác với PAN nhưng tôi không đồng ý bởi họ có thương hiệu rồi, họ sẽ không cùng mình xây dựng thương hiệu nữa.

Sojitz là công ty thương mại đứng thứ 6 tại Nhật Bản, không phải ai cũng biết đến thương hiệu của họ, nhưng bù lại họ có hệ thống phân phối rộng khắp thế giới. Và họ sẽ cùng chúng tôi xây dựng thương hiệu. Đây là cơ hội để giúp hàng hóa của PAN nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển hơn, tiếp cận thị trường thế giới dễ dàng hơn.

Những chia sẻ thực sự rất riêng và thực tâm. Xin cảm ơn ông và mong muốn giấc mơ chung của những thành viên PAN luôn là hiện thực!

Đình Dũng (thực hiện)