Xây dựng đề án, chương trình hành động về công nghiệp 4.0 của Việt Nam

00:00 12/10/2020

Sáng ngày 13/7, Diễn đàn cấp cao về Cách mạng Công nghiệp 4.0 được tổ chức nhằm tập hợp, bổ sung ý kiến để xây dựng đề án, chương trình hành động về công nghiệp 4.0 của Việt Nam.

Cụ thể, Diễn đàn cấp cao “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” được tổ chức tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cắt băng khai mạc Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Industry 4.0 Summit

Diễn đàn do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức, dự kiến sẽ có khoảng 1.700-1.800 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự sự kiện. Đặc biệt trong đó là những doanh nghiệp tiêu biểu trong nước và quốc tế trên tất cả lĩnh vực từ tự động hóa, robot, công nghệ thông minh, nông nghiệp, y tế, giáo dục, phần mềm...

Theo đó, Chính phủ khẳng định chú trọng tới việc tận dụng cơ hội của cuộc CM CN 4.0, coi đây là trọng tâm, cốt lõi của tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: “Nhận thức rõ hơn về CMCN 4.0 và sự sẵn sàng cho cuộc cách mạng ấy là vấn đề rất lớn hiện nay. Điều quan trọng là không chỉ nhận thức mà biện pháp nào để Việt Nam có thể thành công trong cuộc cách mạng đó”.

Đồng thời, cuộc CMCN 4.0 đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Nhiều công nghệ tiên tiến của thế giới về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ 4.0 như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, người máy đã bước đầu được áp dụng. Phần lớn người dân đều sử dụng smartphone, đây là điều kiện quan trọng để Việt Nam hội nhập sâu hơn. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo được hình thành với khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp.

Chính phủ Việt Nam tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tạo điều kiện cho phát triển khoa học công nghệ nói chung và cho CMCN 4.0 nói riêng, trong đó có luật về chuyển giao công nghệ, công nghệ cao, sở hữu trí tuệ… Hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay tương đối hoàn thiện, phù hợp với cam kết quốc tế. Thông tin về xếp hạng mới nhất về Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng thêm 2 bậc trong năm 2018, xếp thứ 45/126 nền kinh tế.

Tuy nhiên, thực tế, trong hơn 1 năm qua, các Bộ, ngành hưởng ứng tích cực Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng vẫn còn khá nhiều lúng túng, không biết làm từ đâu, nguồn lực từ đâu ra… Nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn còn gặp khó khăn. “Vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện, đòi hỏi phương án triển khai nhanh, quyết liệt hơn”, Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận.

Do đó, tại Diễn đàn cấp cao này, Thủ tướng mong muốn có nhiều ý kiến của các đại biểu về những nội dung cốt lõi của CMCN 4.0 để nhận thức sâu hơn những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang đối diện và từ đó có thể xây dựng những chủ trương, chính sách để Việt Nam chủ động tham gia CMCN 4.0.

Áp dụng, ứng phó, ngăn chặn tác động tiêu cực để phát triển tốt hơn, hoàn thiện hơn, tạo cơ hội để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến, là vấn đề chúng tôi suy nghĩ, đặt ra và cũng mong các chuyên gia, diễn giả, các nhà khoa học, các doanh nghiệp tiếp tục ủng hộ Việt Nam tiến bước trong CMCN 4.0”, Thủ tướng nói.

Với 5 phiên thảo luận chuyên đề, Diễn đàn hôm nay sẽ đưa ra những chính sách cụ thể hoá cho từng ngành, nhóm ngành. Thông tin, ý kiến sẽ được tập hợp, bổ sung để xây dựng đề án, chương trình hành động về công nghiệp 4.0 của Việt Nam mà Ban Kinh tế Trung ương đang được giao chủ trì xây dựng.

Thy Hằng