Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ trứng gia cầm: Doanh nghiệp chưa mặn mà

00:00 12/10/2020

Hà Nội đã và đang xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ trứng gia cầm để bảo đảm đầu ra sản phẩm ổn định, không phụ thuộc vào thương lái.

Tuy nhiên, chưa nhiều DN mặn mà tham gia chuỗi tiêu thụ do chăn nuôi hiện nay đa phần vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, khó kiểm soát chất lượng VSATTP.

Liên kết lỏng lẻo

Để giải quyết tình trạng chăn nuôi thiếu ổn định, từ năm 2012 đến nay, Hà Nội đã xây dựng một số chuỗi tiêu thụ sản phẩm trứng gia cầm như: Chuỗi trứng gà sạch Tiên Viên (Chương Mỹ) quy mô đạt trung bình 72.000 quả/ngày; chuỗi trứng 729 của Công ty TNHH Chăn nuôi và Trồng trọt Phú An (Ba Vì) cung cấp cho thị trường khoảng 5,4 triệu quả/năm…

Tuy nhiên, việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ trứng gia cầm còn khó khăn do quy mô sản xuất của người dân nhỏ lẻ, dẫn tới khó kiểm soát về chất lượng sản phẩm. Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, người dân thiếu kiến thức trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi gà theo mô hình khép kín, chưa chú trọng tới chất lượng con giống, dẫn tới năng suất, chất lượng thấp. Bên cạnh đó, các trang trại coi nhẹ việc xây dựng thương hiệu nên đầu ra bấp bênh.

 Dây chuyền sản xuất theo chuỗi khép kín của Công ty CP Tiên Viên (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Ánh Ngọc

Giám đốc Công ty CP Tiên Viên Đặng Đình Tiên cho biết, để cung cấp trứng sạch ra thị trường, đến nay, công ty đã xây dựng được 8 trại chăn nuôi khép kín, quy mô chăn nuôi hàng năm là 20.000 gà hậu bị, 25.000 gà đẻ. Đồng thời, công ty đã liên kết với 15 trại chăn nuôi vệ tinh của các hộ chăn nuôi tại địa phương và tiêu thụ khoảng 30.000 trứng/ngày cho các trại này.

Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm vẫn khó khăn, mặc dù công ty đã ký kết với các DN sản xuất bánh kẹo trong cả nước nhưng số lượng còn ít. Lợi nhuận từ kinh doanh trứng thấp, nhưng tiền thuê cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm ở Hà Nội khá cao. Một số hộ dân khi liên kết với công ty vẫn còn hiện tượng phá vỡ hợp đồng, bán ra ngoài khi giá trứng lên cao.

Cần được hỗ trợ nhiều hơn

Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội Phạm Thanh Hùng cho biết, để tháo gỡ khó khăn chuỗi liên kết tiêu thụ trứng gia cầm, công ty đã xây dựng nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao tại huyện Phúc Thọ với công suất xử lý 65.000 trứng/giờ, hoạt động từ năm 2017. Bên cạnh đó, công ty đang hợp tác với nông dân để xây dựng chuỗi liên kết bền vững, cung cấp trứng sạch cho thị trường Thủ đô. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có tiềm lực mạnh và mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như Ba Huân.

Thực tế, hiện nay, ở các huyện đã hình thành một số vùng chăn nuôi gia cầm trọng điểm nhưng tiêu thụ trứng chưa ổn định, nhiều trang trại nuôi gà đẻ trứng vẫn thua lỗ. Vì vậy, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho DN, HTX, hộ chăn nuôi trong việc sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm về vay vốn ưu đãi, tháo gỡ về đất đai, mặt bằng để DN đầu tư xây dựng nhà máy và hỗ trợ quảng bá giới thiệu sản phẩm.

Về lâu dài, để chuỗi liên kết tiêu thụ trứng gia cầm phát huy hiệu quả, chính quyền địa phương cần lựa chọn những DN, hợp tác xã, hộ chăn nuôi đủ điều kiện tham gia chuỗi liên kết và quản lý chặt chẽ nhằm bảo đảm chất lượng VSATTP trong quá trình sản xuất.

Cùng với đó, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho người dân để chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang khép kín, từ việc lựa chọn con giống, thức ăn, quy trình chăm sóc. Quan trọng nhất là Nhà nước đứng ra làm khâu trung gian để DN và nông dân ký kết hợp đồng kinh tế, bảo đảm quyền lợi giữa hai bên.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, tổng đàn gia cầm của TP là 22,8 triệu con, với sản lượng trứng đạt 450 triệu quả. Toàn TP có 642 trại chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm quy mô lớn ngoài khu dân cư với tổng đàn gần 2,6 triệu con, sản lượng trứng đạt khoảng 410 triệu quả/năm, tập trung ở các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Đông Anh, Ba Vì…

Ngọc Ánh