Xây dựng chính quyền điện tử: Thiết thực, cụ thể để mọi người dân cùng tham gia

00:00 12/10/2020

Xây dựng chính quyền điện tử, TP thông minh là xu hướng của nhiều TP lớn trên thế giới, Thủ đô Hà Nội cũng đang nỗ lực để bắt kịp xu hướng này. Trong năm 2019, nhiều mục tiêu để hiện thực hóa mô hình chính quyền điện tử đang được TP và các địa phương tích cực triển khai.

 Người dân tra cứu thông tin tại bộ phận một cửa quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Thanh Hải

Tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng liên tục tăng

Tính đến hết năm 2018, Hà Nội đã có 1.055 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), đạt 55% số dịch vụ công. Trong đó có 916 DVCTT mức độ 3 và 139 DVCTT mức độ 4. Việc triển khai hệ thống một cửa điện tử cũng được thực hiện nghiêm túc. Ðến nay, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn của TP đã vận hành hệ thống một cửa điện tử dùng chung ba cấp. TP có hơn 11.000 tài khoản, tiếp nhận hơn 311.000 hồ sơ thủ tục hành chính, riêng cấp xã đã tiếp nhận hơn 279.000 hồ sơ, không chỉ cho thấy tính hiệu quả của hệ thống, mà qua đó phản ánh thực tế người dân đã làm quen nhiều hơn với việc thực hiện các giao dịch hành chính thông qua môi trường mạng.

Trên cơ sở phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, trong năm 2019, TP Hà Nội đã kiện toàn bộ máy, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), từng bước triển khai một số thành phần cơ bản của TP thông minh. Sau khi TP thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã của TP cũng thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tại đơn vị. TP cũng đặt ra những mục tiêu như phấn đấu 50% các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi của TP được kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia hiện có theo quy định; 80% - 100% số thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được cung cấp DVCTT mức độ 3, mức độ 4. Tập trung đầu tư phát triển từ một đến hai khu CNTT tập trung trọng điểm. Bên cạnh đó, việc xây dựng Trung tâm Ðiều hành TP thông minh cũng sẽ được triển khai với 8 trung tâm chức năng. Trước mắt, sẽ tập trung triển khai các thông tin liên quan đến giao thông, du lịch và y tế.

Đồng bộ và bài bản

Cụ thể hóa các mục tiêu cấp TP, tại các quận, huyện, việc triển khai ứng dụng CNTT vào điều hành, cải cách hành chính cũng được thúc đẩy. Như tại quận Bắc Từ Liêm, lãnh đạo quận cho biết, trong năm 2019, quận sẽ triển khai đồng bộ giải pháp để 100% các phường có hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối với TP và các sở, ban, ngành, quận, huyện; 100% văn bản giao dịch dưới dạng điện tử. Quận cũng đặt mục tiêu duy trì bảo đảm tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng đối với các DVCTT mức độ 3, 4 đạt 100% (trong đó phấn đấu 65% hồ sơ đăng ký tại nhà); tối thiểu 50% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, gói thầu quy mô nhỏ thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng… Để làm được điều đó, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, tại mỗi phường sẽ xây dựng thêm ít nhất một mô hình tổ dân phố điện tử. Đồng thời, đảm bảo hạ tầng CNTT đáp ứng yêu cầu triển khai các phần mềm ứng dụng dùng chung của TP.

Tại quận Ba Đình, kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan Nhà nước năm 2019 cũng vừa được triển khai đến cơ sở. Trong đó, tiếp tục duy trì tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng đối với các DVCTT mức độ 3 đạt tối thiểu 90%. 100% phường đạt mức độ điều kiện sẵn sàng trong đánh giá mức độ chính quyền điện tử. 50% các cuộc họp của quận diện rộng đến các phường được thực hiện trực tuyến…

Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, lãnh đạo quận cho biết, đi đôi với tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quận sẽ bố trí đủ trang thiết bị tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính quận và 14 phường đảm bảo phục vụ tốt Nhân dân và DN. Bên cạnh đó, tiếp tục ứng dụng các phần mềm của các bộ chuyên ngành và TP vào triển khai…

Trước những mục tiêu đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, TP cũng sẽ lắp đặt các ki-ốt để phục vụ người dân thực hiện dịch vụ công, là nơi tuyên truyền các chính sách công và các tiện ích khác. Trước mắt, trong quý I/2019, triển khai lắp đặt tại các chung cư cao từ 17 tầng trở lên. Bởi ngoài sự quyết tâm, triển khai bài bản, hiệu quả của chính quyền, việc đẩy mạnh tuyên truyền sẽ giúp người dân đồng hành cùng TP, sớm hiện thực mô hình chính quyền điện tử.

Trần Hà