Xã Thạch Ngọc, Thạnh Hà, Hà Tĩnh: Đất bỏ hoang vì thiếu nước tưới

00:00 12/10/2020

(DNHN). Người nông dân xã Thạch Ngọc đang từng ngày, từng giờ mong được chính quyền cải tạo lòng đập Dình để có nước canh tác và đó cũng là mong muốn chính đáng và thiết yếu.

vo-dap-sau-nhung-con-mua  

Sau mưa lũ, đập Đình vẫn trơ những cồn cát

Một ngày nắng chói chang vào đầu tháng 8, về với thôn Ngọc Sơn và Đại Long của xã Thạch Ngọc-Thạch Hà mới hiểu hết được những nỗi niềm, mong mỏi của người nông dân được cải tạo con đập Dình để lấy nước canh tác. Mặc dù, con đập Dình nằm cạnh ruộng lúa của người dân 2 thôn  nhưng vì thiên tai, lũ lụt nên lòng đập đã bị bồi lấp, nguồn nước không đủ để canh tác. Bởi thế, mặc cho cái nắng như thêu như đốt, người nông dân như những con ong chăm chỉ không quản ngày đêm đang cần mẫn tìm cách đưa nước vào ruộng. Nhìn từ thôn Đại Long ra cánh đồng khô hạn đang bỏ trống mới thấm hết những nỗi niềm chan chứa trong lòng dân. Gần đập còn sót lại mấy hộ vẫn cố “chạy vạy” được một ít nước ở đâu đó đưa về ruộng nhưng cũng không xua đi “cơn khát” của cây lúa nước. Theo người dân thôn Đại Long kể Đập Dình là con đập có từ năm 1960 của thế kỉ trước, con đập phục vụ nước sản xuất canh tác cho hàng chục hộ dân và khoảng 100ha đất canh tác của 2 thôn Ngọc Sơn và Đại Long. Ngày trước đập lúc nào cũng đầy nước, lấy nước đó tưới tiêu nhờ đó bà con cấy vụ màu nào cũng bội thu ai nấy đều vui mừng. Qua thời gian, lòng đập được bồi lắng, đất nằm trong khu vực lòng đập được bồi đắp cao quá mức khiến đập không có nước. Mấy năm lại đây, vì lượng đất trong đập được bồi tụ nhiều kèm theo nắng nóng kéo dài, hạn hán thường xuyên xảy ra nên đập Dình lúc nào cũng cạn nước. Lòng đập như một cồn đất khô hạn nằm vượt hẳn so với ruộng lúa của người dân. Bà Tâm thôn Ngọc Sơn đưa đôi mắt nhìn ra cánh đồng giọng buồn buồn, bà kể: “Ngày xưa con đập Dình nhiều nước lắm, bà con không khi mô lo thiếu nước canh tác, năng suất luôn bội thu. Nhưng mấy năm lại đây, lòng đập bị bồi lắng nên lượng đất trong đập khi mô cũng cao hơn ruộng thì lấy mô ra nước. Nhìn những cánh đồng bỏ hoang mà đắng lòng cô à”. Được biết, diện tích bỏ hoang vụ hè thu năm 2015 do thiếu nước của thôn Ngọc Sơn là 12ha, thôn Đại Long là 10ha, trong khi xã Thạch Ngọc có tất cả 8 thôn với tổng diện tích bỏ hoang do thiếu nước canh tác vụ hè thu 2015 là 28,6ha. Việc bà con mong muốn được chính quyền địa phương, các cấp ngành cải tạo đập Dình bằng cách lấy bớt đất trong lòng đập tăng trữ lượng chứa nước của lòng đập là đều chính đáng và thiết thực, có ý nghĩa quan trọng, nhằm đáp ứng nhu cầu về nước tưới phục vụ sản xuất, chăn nuôi cho bà con xã Thạch Ngọc, đặc biệt là hai thôn Ngọc sơn và Đại Long. Trao đổi những mong muốn của bà con nhân dân với Chủ tịch UBND xã Thạch Ngọc-Lê Thanh Hải, ông cho biết: “Việc bà con mong mỏi được cải tạo đập Dình để có nước canh tác, sản xuất là có và đó là điều chính đáng. Tuy nhiên, với thẩm quyền của chính quyền xã thì không được tự ý cải tạo mà phải cấp có thẩm quyền cho phép khi đó mới được phép. Năm này nắng nóng, hạn hán kéo dài, đập Dình không có nước, trong khi đó lượng đất trong lòng đập Dình cao hẳn so với ruộng của bà con, bà con than vãn nhiều trong các cuộc họp dân. Nên hiện tại, xã đã có làm tờ trình xin nạo vét, nâng cấp đập Dình lên cấp cỏ thẩm quyền, giờ đang chờ sự cho phép của cấp trên. Sau khi được cải tạo nhất thiết xây trạm bơm điện phục vụ bơm tưới cho nhân dân”. Bà con đang mòn mỏi việc cải tạo lòng đập để lấy nước sản xuất và hơn hết các ban ngành các cấp có thẩm quyền cho phép cải tạo lòng đập cần sớm vào cuộc để thỏa lòng mong muốn của nhân dân. Có lẽ, việc cải tạo lòng đập Dình mới có thể giải tỏa “cơn khát” trong sản xuất của bà con xã Thạch Ngọc, đặc biệt là hai thôn Đại Long và Ngọc Sơn. Hy vọng một ngày không xa lòng đập Dình sẽ ngập nước để những cánh đồng hoang kia xanh một màu mạ non, năng suất bội thu  nhà nhà, người người ở Thạch Ngọc “gạo đầy chum, thóc đây bồ”. Bài và ảnh:  Lê Nga