WEF: 10 điều cần biết về cạnh tranh trong CMCN 4.0

00:00 12/10/2020

Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những chuyển biến lớn về kinh tế và xã hội, các chuyên gia của Diễn đàn kinh tế Thế giới đưa ra 10 lưu ý quan trọng để các nền kinh tế tiên tiến cũng như các quốc gia mới nổi tận dụng tối ưu công nghệ trong việc tạo ra bước nhảy vọt về kinh tế nhưng vẫn đảm bảo bình đẳng và ổn định xã hội.

(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Ngay cả khi toàn cầu hóa mang lại những lợi ích chưa từng thấy từ sự lưu thông của hàng hóa, dịch vụ, cho đến con người và các ý tưởng, thì đi kèm với đó là những mất mát về kinh tế, chính trị, hoặc các giá trị văn hóa.

Điều này góp phần làm dấy lên các cuộc tranh luận về chính trị ngày càng chia rẽ, phong trào dân túy, chủ nghĩa dân tộc, và đôi khi là những nghị trình cực đoan ở cả Tây lẫn các thị trường mới nổi. Trong bối cảnh lo ngại của người dân về việc làm, bất bình đẳng và toàn cầu hóa, các nhà hoạch định chính sách đang tìm kiếm những con đường mới dẫn đến sự thịnh vượng.

Càng ngày chúng ta càng thấy rõ hơn những con đường đó và các sắc thái của chúng. Chính xác là vào 10 năm trước, toàn thế giới bị bao trùm bởi cuộc khủng hoảng tài chính. Tiếp đó là sự xói mòn niềm tin trong giới tinh hoa và chính giới cũ, nhưng cũng là những bài học mới về yếu tố nào giúp nền kinh tế phát triển trở lại, đâu là nhân tố khiến nền kinh tế gặp khó khăn và lý do tại sao. Và gần đây nhất, khi cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN) diễn ra, nó đã mang lại những cơ hội mới cũng như những thách thức mới về cách thức các nền kinh tế sử dụng công nghệ để có con đường đến với sự thịnh vượng nhanh hơn và trên một phạm vi rộng hơn.

Ngoài ra, sự phân hóa việc làm ngày càng tăng trong các nền kinh tế tiên tiến cũng như sự sụt giảm thu nhập của người lao động tại các nền kinh tế công nghiệp trong những thập kỷ qua đã dẫn đến lời kêu gọi cải cách hệ thống giáo dục và chính sách cho thị trường lao động.

Ngày càng rõ ràng, mô hình phát triển dựa trên sản xuất giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo trong thời gian gần đây ở châu Á dường như đã không còn khả thi, hay thậm chí không thể là kỳ vọng của tương lai. Thay vào đó, một loạt các ngành nghề khi áp dụng công nghệ cao sẽ là tiềm năng trong tương lai. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực: giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, năng lượng xanh… đòi hỏi một cách thức tiếp cận mới về “chính sách công nghiệp” trong thời đại kỹ thuật số.

Trên cơ sở đó, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã đưa ra bộ chỉ tiêu đánh giá mới về chỉ số “Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0”, bao gồm 12 trụ cột chính là: thể chế, cơ sở hạ tầng, công nghệ truyền thông, ổn định kinh tế vĩ mô, sức khỏe, kỹ năng, thị trường sản phẩm, thị trường lao động, hệ thống tài chính, quy mô thị trường, sự năng động kinh doanh và năng lực đổi mới.

Cách tiếp cận này nhấn mạnh rằng “năng lực cạnh tranh” không phải là một trò chơi có tổng bằng 0 giữa các quốc gia - thay vào đó, nó có thể đạt được bởi tất cả các quốc gia.

Một khi các quốc gia này muốn thiết lập lại con đường phát triển để đưa nền kinh tế có tính “cạnh tranh” hơn, có 10 lưu ý quan trọng mà các nền kinh tế cần chú ý.

1. Năng lực cạnh tranh không phải là hàng xa xỉ

(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Trên thực tế, tất cả các nền kinh tế phải theo đuổi các thành tố cấu thành của năng suất, bất kể mức thu nhập hoặc lĩnh vực kinh tế nào mà họ đang có lợi thế, nếu họ muốn phát triển nhanh hơn và xây dựng khả năng phục hồi chống lại những cú sốc trong tương lai.

Có mối tương quan chặt chẽ giữa năng lực cạnh tranh và mức độ thu nhập giữa các nền kinh tế hiệu quả và kém hiệu quả khi thiết lập các nền tảng cho năng lực cạnh tranh. Cụ thể, nền kinh tế kém hiệu quả có thể gặp khó khăn hơn trong việc duy trì mức thu nhập hiện tại mà không cải thiện khả năng cạnh tranh của họ.

Không có sự bù trừ nào giữa 12 trụ cột chính của năng lực cạnh tranh – một hệ thống tài chính lành mạnh không thể bù đắp cho cơ sở hạ tầng yếu kém, cũng như trình độ công nghệ thông tin không thể bù đắp cho việc thiếu hụt một hệ sinh thái kinh doanh năng động và đổi mới. Các quốc gia phải theo đuổi tất cả 12 trụ cột nhưng cần có chiến lược sắp xếp riêng để cân bằng và tập trung các nỗ lực, tận dụng vốn và công nghệ tối ưu hơn.

2. Đầu tư vào con người là chìa khóa cho các thành quả kinh tế – xã hội

Không có sự đánh đổi giữa sự hòa nhập xã hội và mức độ cạnh tranh của một quốc gia. Trên thực tế, sức khỏe, giáo dục và kỹ năng của dân số là một trong những động lực chính của năng suất lao động, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi mạnh mẽ về kinh tế và công nghệ.

Với các kỹ năng phù hợp, người lao động có thể làm chủ và điều chỉnh các thay đổi, thay vì bị chúng chi phối. Đầu tư vào con người không thể chỉ còn là một ý tưởng – nó là nền tảng cơ bản của sự tăng trưởng và khả năng phục hồi trong thời đại công nghệ 4.0.

3. Sự bao phủ của toàn cầu hóa trong CMCN 4.0 vượt ra ngoài thương mại tự do

Mở rộng hội nhập vẫn là một động lực cơ bản cho khả năng cạnh tranh: nền kinh tế càng mở thì mức độ sáng tạo càng cao và thị trường càng cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, định nghĩa về tính “mở” phải xét đến các khái niệm xa hơn thương mại và bao gồm quyền tự do đi lại và trao đổi ý tưởng của con người.

Bên cạnh đó, hợp tác xuyên biên giới đặc biệt quan trọng đối với một hệ sinh thái đổi mới năng động. Với định nghĩa đó, WEF đánh giá Singapore, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Phần Lan và Hoa Kỳ là các quốc gia “mở” nhất trên thế giới, trong khi 2 quốc gia mới nổi là Brazil và Ấn Độ lại tương đối “đóng”.

4. Nhưng các nền kinh tế mở cũng phải theo đuổi sự đảm bảo xã hội

Trong khi sự mở cửa hội nhập đặt các quốc gia trong thế các bên cùng thắng thì đôi khi nó lại dẫn đến tình huống “thắng - thua” giữa các quốc gia.

Điều này có nghĩa rằng ngay cả khi các chính phủ phải theo đuổi sự cởi mở cho sự thịnh vượng lâu dài hơn, họ cũng phải hỗ trợ những tầng lớp bị thiệt thòi do toàn cầu hóa.

Mặc dù vậy, cố gắng giải quyết sự bất bình đẳng bằng cách đảo ngược toàn cầu hóa là phản tác dụng. Thay vì bảo vệ các công ăn việc làm cụ thể hoặc các sản phẩm được làm ra từ các công việc đó, các chính sách nên tập trung vào việc cải thiện các điều kiện của những đối tượng bị ảnh hưởng bởi toàn cầu hóa thông qua các chính sách tái phân phối thu nhập, trợ cấp xã hội, phát triển nguồn nhân lực, thuế lũy tiến và cơ hội chuyển đổi sang các cơ hội kinh tế mới.

5. Tạo ra một hệ sinh thái đổi mới vượt xa nghiên cứu và phát triển

(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Đổi mới đã trở thành một yêu cầu đối với tất cả các nền kinh tế tiên tiến và là ưu tiên hàng đầu của các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, trong 77 trên 140 nền kinh tế được nghiên cứu, “năng lực đổi mới” lại là trụ cột yếu nhất, ngoại trừ các cường quốc về đổi mới như: Đức, Hoa Kỳ và Thụy Sĩ.

Trong khi các nghiên cứu khoa học, ứng dụng bằng sáng chế, đầu tư cho R&D và các tổ chức nghiên cứu là những khía cạnh thiết yếu để phát triển năng lực đổi mới, thì chúng vẫn chưa nhận được đầu tư đúng mức.

Bên cạnh đó, để đứng vững trước các tác động từ thương mại hóa, một số kỹ năng “mềm” cũng có vai trò quan trọng không kém, bao gồm khả năng của các công ty trong việc nắm bắt những ý tưởng đột phá (điều mà Mỹ dẫn đầu); thái độ đối với rủi ro trong kinh doanh (điều Israel dẫn đầu); đa dạng hóa lực lượng lao động (điều Canada dẫn đầu); và cấu trúc phân cấp phẳng ở các công ty (Đan Mạch, Thụy Điển và các nước Bắc Âu khác dẫn đầu).

6. ‘Công nghệ’ cung cấp một con đường để giúp nền kinh tế tăng trưởng nhảy vọt nhưng chỉ khi có sự kết hợp cùng các yếu tố khác

Mặc dù công nghệ không phải là một “viên đạn bạc”, nó là một công cụ thiết yếu cho sự tăng trưởng và thịnh vượng. Do đó, việc làm chủ và tận dụng được công cụ này có ý nghĩa rất quan trọng.

Tuy nhiên, chủ trương thúc đẩy công nghệ để đạt nhảy vọt về kinh tế phần lớn vẫn chưa được hoàn thành. Chẳng hạn, toàn thế giới có khoảng 4,5 tỷ điện thoại thông minh được sử dụng, nhưng vẫn còn hơn một nửa dân số toàn cầu vẫn chưa tiếp cận được với internet. Mấu chốt là các nền kinh tế cần phải cung cấp sự tiếp cận lớn hơn với công nghệ thông tin cho phần lớn dân số của họ. Trong khi nó sẽ là sai lầm nếu chỉ dựa vào một mình yếu tố “công nghệ” để giải quyết mọi vấn đề.

Đối với nhiều nền kinh tế kém cạnh tranh nhất, nguyên nhân gốc rễ của tăng trưởng chậm vẫn tiếp tục là những vấn đề “cũ” cản trở sự phát triển như: thể chế, cơ sở hạ tầng và kỹ năng người lao động. Những vấn đề này không thể bị bỏ qua đối với các nền kinh tế có thu nhập thấp đang muốn tìm kiếm sự phát triển nhảy vọt dựa trên nền tảng yếu tố “công nghệ”.

7.  Thể chế vẫn là yếu tố quan trọng

(Ảnh: Shutterstock)

Các thể chế yếu – được định nghĩa là bao gồm an ninh, quyền sở hữu tài sản, vốn xã hội, cơ chế kiểm tra chéo, tính minh bạch và đạo đức, hiệu quả khu vực công và quản trị doanh nghiệp – tiếp tục là “gót chân Achilles” cản trở khả năng cạnh tranh, phát triển và thịnh vượng ở nhiều quốc gia.

Đối với 117 trong số 140 nền kinh tế được nghiên cứu, hiệu quả của trụ cột “thể chế” vẫn là một lực cản trên tổng điểm số cạnh tranh của họ. Các Chính phủ phải chú ý đến cả hai khía cạnh truyền thống và đổi mới của môi trường thể chế như là một yếu tố của năng suất.

Ví dụ như vốn xã hội - khái niệm rộng phản ánh chất lượng của các mối quan hệ cá nhân và xã hội, sức mạnh của các chuẩn tắc xã hội và mức độ ý thức cộng đồng trong xã hội - được đánh giá cao nhất ở Úc và New Zealand, trong khi tự do báo chí được đánh giá cao nhất Na Uy và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tốt nhất ở Phần Lan.

8. Cơ sở hạ tầng và hệ thống tài chính cũng vậy

Chất lượng và độ bao phủ của các cơ sở hạ tầng giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không) và hạ tầng tiện ích hoàn thiện sẽ giúp hạ thấp chi phí vận chuyển, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và đi lại của con người. Mặc dù vậy, các yếu tố cơ bản như vậy vẫn còn thiếu trong nhiều nền kinh tế, làm cản trở khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, hệ thống tài chính vẫn còn là một điểm yếu tại một số nền kinh tế. Phần Lan, Hồng Kông, Thụy Sĩ, Luxembourg và Na Uy có thị trường tài chính ổn định nhất (tất cả đạt trên 95 điểm), trong khi Ấn Độ, Trung Quốc, Nga và Ý - đều có 84 điểm trở xuống - thuộc trong số các nền kinh tế G20 có lỗ hổng trong hệ thống tài chính.

9. Trong thời điểm thay đổi liên tục, cần có sự thích ứng linh hoạt

Giữa các biến chuyển và sự gián đoạn do cuộc CMCN 4.0 mang lại, khả năng thích ứng và sự linh hoạt của tất cả các bên - cá nhân, chính phủ và doanh nghiệp - sẽ là những đặc tính chính yếu của một nền kinh tế thành công.

Đối với các chính phủ nói riêng, “định hướng tương lai” đòi hỏi các khía cạnh như điều chỉnh khung pháp lý cho các mô hình kinh doanh kỹ thuật số, tạo môi trường ổn định cho việc kinh doanh, phản ứng hiệu quả để thay đổi và có tầm nhìn dài hạn.

Chính phủ Singapore được đánh giá là quốc gia “sẵn sàng cho tương lai” nhất, tiếp theo là Luxembourg và Hoa Kỳ. Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và bốn quốc gia vùng Vịnh khác xuất hiện trong top 10, ngoài ra còn có Malaysia. Ngược lại, chính phủ của các quốc gia Brazil, Hy Lạp và Venezuela được đánh giá là ít “sẵn sàng cho tương lai” nhất.  

10. Đạt được tăng trưởng bền vững và bình đẳng cùng lúc là có thể - nhưng cần có lãnh đạo chủ động, có tầm nhìn xa

Có một sự đồng thuận trên toàn thế giới về sự cần thiết có một mô hình kinh tế toàn diện hơn có thể mang lại mức sống cao hơn cho tất cả mọi người, nhưng vẫn tôn trọng ranh giới chủ quyền lãnh thổ, và không làm ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai.

Trong khi, không có một sự bù trừ cố hữu nào  giữa bình đẳng và tăng trưởng, mối quan hệ giữa CMCN 4.0 và các biện pháp môi trường lại không rõ ràng như vậy.

Các nền kinh tế cạnh tranh nhất thường tác động đến hệ sinh thái nhiều nhất, nhưng lại được sử dụng hiệu quả nhất (tỷ lệ sử dụng tự nhiên trên GDP là thấp nhất). Do đó, điều quan trọng là các nhà lãnh đạo đương nhiệm đặt các ưu tiên dài hạn hơn và đặt ra các nỗ lực chủ động để tạo ra các chu kỳ tích cực giữa bình đẳng, sự bền vững và tăng trưởng kinh tế.

Án Ngọc (Theo Klaus Schwab, Saadia Zahidi/WEF)