Vượt ngục - không chỉ là câu chuyện vụ án

00:00 12/10/2020

(Nhân đọc tiểu thuyết VƯỢT NGỤC (NXB DÂN TRÍ, 2016) của nhà báo Cao Thâm)

Cao Thâm là tác giả trưởng thành từ vùng mỏ, sau chuyển sang làm báo và viết văn, từng làm Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Cạn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Than và hiện là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp & hội nhập - Phụ trách trang điện tử Doanhnghiepnet (doanhnghiepnet.com.vn) - Cơ quan ngôn luận của hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt nam. Anh đã xuất bản khá nhiều sách, trong đó có những tác phẩm tiêu biểu như:

- Lạc thú - tiểu thuyết, 1991. - Cơ hội vàng - tiểu thuyết, 1992. - Đa mang - tiểu thuyết, 1993. - Số phận một đại ca - truyện vừa, 1993. - Thần tượng - tập truyện ngắn - phóng sự, 2003. - Những ngày đàng - tập ký sự, 2006. - Chạy trốn - tiểu thuyết, 2006. - Tiếng đập cửa - Tập kịch bản phim truyện và sân khấu, 2009. - Ký sự nhân vật - tập ký sự, 2010. - Thăm thẳm đường xa - tập phóng sự, 2014. - Góc khuất - Tập phóng sự - ghi chép, 2015. - Vượt ngục - tiểu thuyết, 2016. - Sập hầm - tiểu thuyết đã hoàn thành, dự kiến sẽ ra mắt độc giả vào cuối năm 2016.

tieu-thuyet-vuot-nguc

Cao Thâm là người đam mê đi và đam mê viết. Tôi biết vậy là bởi chúng tôi quen rồi thân nhau từ “thuở hàn vi”, cách đây cũng gần bốn mươi năm rồi. Hồi ấy anh là thợ lò ở mỏ Mông Dương, còn tôi là lính đóng quân tại Ba Chẽ. Chúng tôi quen nhau tình cờ, nhưng gặp nhau là “kết” ngay. Mặc dù tính cách của  tôi và Cao Thâm thì lại có vẻ như chẳng mấy giống nhau! (Cao Thâm thích giao du, băm bổ, táo tợn, còn tôi thì ngược lại, hơi ngại tiếp xúc, ngại đám đông…). Nhưng có lẽ vì thế mà bị “hút” vào nhau chăng? Chỉ biết là giữa hai đứa có rất nhiều kỷ niệm, thậm chí trong các tiểu thuyết của Cao Thâm, tôi vẫn thấy thấp thoáng bóng hình của anh, của tôi và của nhiều người mà chúng tôi cùng quen biết… Nhưng nếu chỉ có vậy thì VƯỢT NGỤC chưa phải là cuốn tiểu thuyết có gì đặc biệt nổi trội; thậm chí, thẳng thắn mà nói, nó còn chưa vượt lên được một truyện vụ án loại… “tầm tầm”. Cái mà tôi nghĩ là tác  phẩm này có thể gây được ấn tượng với độc giả là ở những chương đầu tiên, khi anh miêu tả cuộc sống tù túng, bức bối của Na, Nhu v.v.. trước khi đi đến quyết định bỏ trốn. Tôi đoán tác giả đặt tên cho tác phẩm của mình là “Vượt ngục” chính là nhằm nói điều này.Nói dông dài một chút vậy là bởi khi đọc VƯỢT NGỤC, cuốn tiểu thuyết mới nhất của Cao Thâm, nó lại gợi tôi nhớ tới cái thời xa xưa ấy. Mặc dù, đây là một câu chuyện vụ án mà như anh nói, chỉ toàn… “cướp, giết, hiếp...” (!).

Câu chuyện kể về một mối tình vụng trộm của một người đàn ông tên là Nhu với một cô gái tên là Na. Họ vốn là “cặp uyên ương” thời còn làm ở mỏ than, nhưng do hoàn cảnh run rủi nên đã “đường ai người ấy đi”. Sau nhiều năm gặp lại thì Na đã có chồng và “tình cũ không rủ mà tới”… Họ bàn nhau tìm cách vượt biên để được tự do sống với nhau. Thế nhưng trớ trêu là kẻ chủ mưu giấu mặt, cầm đầu đường dây đưa người vượt biên mà họ tham gia lại chính là Lừ, chồng Na, một công an bị thải hồi. Với nhiều tình tiết gay cấn, phức tạp, mang tính hình sự khá ly kỳ, tác giả dẫn dắt người đọc theo chân các cảnh sát điều tra để tìm ra manh mối phá án và cuối cùng là một cái kết có hậu, kẻ ác bị tiêu diệt, những người lầm lỡ có cơ hội để làm lại cuộc đời…

Trong truyện có chi tiết Nhu bị bắt, bị giam và sau đó đã tìm cách vượt ngục cùng với một “đại ca” trong tù. Thế nhưng, đó chỉ là cái nhà tù nhỏ, còn một “nhà tù” khác là cuộc sống ngột ngạt, với những mối quan hệ giả dối, những ràng buộc nặng mùi thực dụng trong gia đình, ngoài xã hội v.v.. đã đẩy họ tới ý nghĩ bỏ trốn... Về điểm này, ngòi bút của Cao Thâm tỏ ra khá sắc sảo. Nhất là khi anh miêu tả tính cách các nhân vật mang tính “phản diện” như Lừ, Long “đại ca” v.v.. Thậm chí là cả những nhân vật phụ trong truyện như bà Xuyền tổ trưởng dân phố, bà Liên, cô Thảo v.v.. ở Phòng Tài vụ của Công ty Thương mại nơi Na công tác.

Đọc những đoạn Cao Thâm miêu tả về các nhân vật này, với những cá tính tủn mủn, đố kỵ, ganh ghét, mè nheo v.v.. của họ, tôi lại nhớ về cái thời xa xưa, khi anh còn làm thợ. Nếu không có những năm tháng ấy, không là “người trong cuộc”, thì chắc chắn Cao Thâm khó mà có những đoạn miêu tả sinh động và sắc sảo như vậy.

Chỉ tiếc là những đoạn như thế này chủ yếu chỉ có ở phần mở đầu, còn về sau, chất “chuyện vụ án” càng lấn át, ít có những đoạn viết hay, sắc sảo như thế nữa. Từ đó, cái ý đồ của tác giả là muốn đưa một vấn đề mang tính xã hội, đó là bi kịch của những con người khao khát tự do, muốn phá đi những kìm hãm, o bế trong cuộc sống hiện tại nhưng lại chọn lối đi lầm lẫn vào trong câu chuyện một vụ án dường như chưa đạt như mong muốn. Nó không thực sự gắn kết vào trong câu chuyện. Đây là điều hơi đáng tiếc!

Tuy nhiên, nói thì nói vậy nhưng tôi vẫn nghĩ VƯỢT NGỤC là một cuốn sách đáng đọc, hấp dẫn. Và nữa, nếu nó được chuyển thể thành kịch bản phim, có thể sẽ rất hay…

Theo Quốc Huấn/Báo Quảng Ninh