Vùng than Việt Bắc ngày ấy...bây giờ

00:00 12/10/2020

Năm 2016, ngành Than (TKV) kỷ niệm 80 năm Truyền thống công nhân Mỏ - Truyền thống ngành Than (12/11/1936-12/11/2016) cùng với việc ôn lại lịch sử và truyền thống của cả ngành Than Việt Nam với những trang sử oai hùng và buất khuất mà trong đó bắt đầu phải kể đến là vùng than Đông Bắc (nơi khởi nguồn của phong trào cách mạng của ngành Than) là chính. Song cũng có một vùng than lớn thứ hai có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước đó là vùng than Việt Bắc.

Để bạn đọc cùng tham khảo thêm một số tư liệu lịch sử về mảnh đất này, tôi muốn cùng các bạn biết thêm về sự ra đời của các mỏ than thuộc  chiến khu Việt Bắc năm xưa để ôn lại một trang sử hào hùng vẻ vang và oanh liệt của một vùng than ra đời đầu tiên trong chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đồng thời ôn lại quá trình gần một thế kỷ sản xuất, chiến đấu, xây dựng và liên tục phát triển của đội ngũ những người thợ mỏ vùng Việt Bắc kể từ khi kháng chiến chống Pháp thành công, thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, khai thác và phát triển Than hướng tới ngày kỷ niệm 80 năm Truyền thống ngành Than Việt Nam.
anh bo moong KH1
    Moong than Khánh Hòa ngày nay
Hàng năm cứ vào tháng 9, tập thể những người công nhân, cán  bộ các thế hệ vùng Than Việt Bắc bao gồm các Công ty than Khánh Hòa, Làng Cẩm, Phấn Mễ, Núi Hồng... đều cảm thấy tự hào về ngày truyền thống vẻ vang của những người thợ mỏ vùng chiến khu năm xưa đã từng được vinh danh là " Thủ đô kháng chiến". Nhìn lại một chặng đường đã đi qua với gần 70 năm vừa xây dựng, chiến đấu, sản xuất và liên tục phát triển. Ngày 24-9 hàng năm được coi như một mốc son tươi thắm ghi dấu ấn vào lịch sử xây dựng và phát triển ngành than vùng Than Việt Bắc năm xưa, đóng góp vào sự hình thành và phát triển của ngành Than trong cả nước.
Ngày kỷ niệm 24 tháng 9 hàng năm là một sự kiện quan trọng  mà nơi khởi đầu thành lập là mỏ than Lam Sơn - Quán Triều (Than Khánh Hòa ngày nay). Mỗi một năm là một sự đánh dấu bước trưởng thành trong xây dựng và phát triển, đồng thời cũng là một ngày để các thế hệ công nhân cán bộ hiện đang công tác thể hiện tấm lòng tri ân đối với các thế hệ cha ông đi trước, đồng thời nhắc nhở con cháu hôm nay và những thế hệ mai sau hãy luôn ghi nhớ và phát huy gìn giữ những truyền thống quý báu của cha ông để lại.
Theo sự kể lại của các bậc tiền bối thì cách đây trên 100 năm, vào khoảng những năm đầu tiên của thế kỷ hai mươi, vùng than Quán Triều- Sơn Cẩm này còn hoang vu, u tịch. Vào một buổi chiều sau cơn mưa rừng, lũ suối chảy mạnh cuốn đi mọi thứ, sau khi nước rút có một người nông dân ở bản Cẩm Bình đi về nhà tình cờ nhặt được một hòn đá đen rất lạ. Nó nặng hơn gỗ nhưng lại nhẹ hơn đá, khi để gần bếp lửa nó bắt cháy và phát ra nguồn nhiệt rất nóng. Sự việc đến tai chức sắc địa phương. Thực dân Pháp đã không bỏ lỡ những chi tiết này! Căn cứ vào tài liệu cũ của Pháp để lại thì vùng than Thái Nguyên đã được thăm dò và hoạch định khai thác bằng Nghị định ngày 30 tháng 5 năm 1913 và ngày 16 tháng 2 năm 1918 của Toàn quyền Pháp ở Đông dương. Việc ra đời vùng than Quán Triều – Sơn Cẩm đồng nghĩa với sự xuất hiện công nghiệp khai thác và sự ra đời của giai cấp công nhân vùng mỏ Thái Nguyên. Bằng phương pháp khai thác thủ công bóc lột sức lao động đến cùng cực  phu mỏ, suốt mấy chục năm trời thực dân Pháp đã lấy đi hàng chục vạn tấn than. Những hòn than đã thấm đẫm không biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt, xương máu của rất nhiều thợ mỏ vùng Việt Bắc ngày ấy.
Sau khi giành lại được độc lập vào tháng Tám năm 1945, toàn bộ khu mỏ Việt Bắc đã được Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quản lý và khai thác để phục vụ quốc kế, dân sinh.
Ngày 30 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa năm thứ hai là Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 90 hủy bỏ các Nghị định của Toàn quyền Pháp tại Đông dương về khai mỏ. Như vậy Bộ Quốc dân kinh tế Việt Nam đã chỉ đạo việc khai mỏ từ năm 1946.       Sau khi Pháp xâm lược trở lại Việt Nam và Đông Dương, vùng Việt Bắc được Chính phủ coi là Thủ đô kháng chiến của Tổ quốc và căn cứ địa cách mạng. Việc đầu tư khai thác than phục vụ cho kinh tế của nước Việt Nam độc lập hết sức có ý nghĩa, than ở Quán Triều, Làng Cẩm, Núi Hồng... lại nằm trong chiến khu Việt Bắc, than phục vụ sản xuất, phục vụ quân giới, phục vụ các cơ sở nhà máy lúc đó như: Xí nghiệp quân giới ở Phan Bồi, Bản Thi (Chợ Đồn), Đầm Hồng ở Tuyên Quang, Nhà máy giấy Hoàng văn Thụ ở Thái Nguyên và một số công binh xưởng ở Bắc Kạn. Điều kiện sản xuất ban đầu bằng thủ công rất nhỏ bé, sản lượng không đáp ứng được yêu cầu phục vụ chiến đấu. Do vậy tháng 9 năm 1949 được sự đồng ý của Chính phủ, Nha khai khoáng và Công nghệ lúc đó đã ra Quyết định thành lập Xí nghiệp than Lam Sơn bao gồm Quán Triều và Làng Cẩm. Ông Ngô Huy Lễ được giao nhiệm vụ làm Giám đốc Xí nghiệp do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam quản lý. Trên thực tế ngày 24 tháng 9 là ngày khai sinh Công ty than Quán Triều (than Khánh Hòa) hiện nay với đầy đủ tư cách pháp nhân và mô hình của một đơn vị công nghiệp Nhà nước.
Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954) đã mở ra một trang mới cho lịch sử dân tộc. Trước ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội, theo hiệp định Giơ ne vơ, thực dân Pháp còn được ở vùng Hải Phòng, Hồng Quảng 300 ngày nên không có than đưa từ Hồng Quảng về Hà Nội để phát điện.
Được sự chỉ đạo của Chính phủ, trực tiếp là đồng chí Lê Thanh Nghị, Xí nghiệp thực hiện nhiệm vụ khai thác than để phục vụ tiếp quản Thủ đô. Vùng mỏ Quán Triều lúc đó đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi; sản xuất than để góp phần thắp sáng Thủ đô và đã vận chuyển được 1.320 tấn than tập kết ở ga xe lửa Trung Giã rồi vận chuyển bằng ô tô Cam nhông về cung cấp cho nhà máy điện Yên Phụ chạy máy phát. Ngày 10/10/1954 quân đội Việt Nam tiến về giải phóng và tiếp quản Hà Nội, một ngày thật huy hoàng của nhân dân Thủ đô đón mừng Chính phủ cách mạng và Hồ Chủ tịch. Thủ đô của chúng ta vẫn rực rỡ ánh sáng của đèn điện và cờ hoa.
Hoà bình lập lại, miền Bắc bước vào giai đoạn hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Do nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước, năm 1956 Xí nghiệp Lam Sơn được chia tách thành 2 đơn vị là mỏ than Quán Triều và mỏ than Làng Cẩm. Mỏ than Quán Triều là Công ty than Khánh Hòa ngày nay với đội ngũ 500 công nhân và một Đảng bộ có 50 đảng viên. Các thiết bị như: khoan tay, trục tời, bơm nước và thiết bị cơ giới như máy xúc 0,6 m 3/gầu được trang bị. Cán bộ công nhân của Xí nghiệp phấn khởi thi đua lao động sản xuất. Các tổ đội sản xuất phát triển từ 4 lên 10 tổ, các hoạt động văn hoá thể thao được diễn ra khá sôi nổi. Mọi người hăng hái phấn khởi bước vào thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 5 năm (1961-1965). Năm 1967 một bộ phận khai thác được cử lên xã Yên Lãng, huyện Đại Từ để thành lập Công trường than Núi Hồng (Công trường dừng sản xuất do chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ từ năm 1970, đến 01 tháng 8 năm 1980 thì đươc thành lập mới mang tên Mỏ than Núi Hồng trực thuộc Công ty than III)
Bị thua ở chiến trường miền Nam, Đế quốc Mỹ dựng lên sự kiện vịnh Bắc bộ ngày 5/8/1964 và leo thang bắn phá ra Miền Bắc với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân. Vùng than Quán Triều và các Công trường khai thác than thuộc Xí nghiệp than Quán Triều  đã vạch ra nhiệm vụ mới lúc này là: "Sản xuất và chiến đấu ".Toàn Xí nghiệp sinh hoạt theo tác phong thời chiến, lực lượng tự vệ của mỏ được củng cố. Đối diện với tầng than là trung đội trực chiến của tự vệ mỏ. Ngày 29/4/1966 đội tự vệ Xí nghiệp đã có thành tích góp phần vào chiến công cùng quân và dân tỉnh Bắc Thái bắn rơi chiếc máy bay thứ 1000 của Mỹ trên miền Bắc. Đã có nhiều đồng chí được tỉnh Thái Nguyên, khu tự trị Việt Bắc tặng giấy khen về gương chiến đấu và phục vụ chiến đấu như: Đồng chí Phạm Thị Lý, Đinh Văn Tân, Phạm Văn Vĩnh...và nhiều đồng chí khác .
Phong trào thanh niên tình nguyện lên đường chống Mỹ cứu nước được dấy lên sôi nổi. Xí nghiệp đã có 150 thanh niên ra trận chi viện cho chiến trường miền Nam, nhiều thanh niên của đất mỏ đã không trở về, vùng than Việt Bắc năm xưa, than Khánh Hoà hôm nay và các thế hệ sau này luôn ghi nhớ và biết ơn lớp cha anh đã anh dũng hy sinh vì đất mỏ, vì nền độc lập, thống nhất đất nước. Tên tuổi các liệt sỹ như: Liệt sỹ Nguyễn Văn Quý, Liệt sỹ Nguyễn Văn Tráng, Liệt sỹ Nguyễn Văn Lệ, Liệt sỹ Nguyễn Văn Thống, Liệt sỹ Nguyễn Văn Đức, Liệt sỹ Nguyễn Văn Tấn,v.v..và thân nhân của gần 50 thanh niên đã anh dũng hy sinh góp xương máu cho nền độc lập tự do của Tổ quốc mãi mãi được  tôn vinh, ghi nhớ và tự hào về họ.
Trong lao động sản xuất, vùng than Việt Bắc (có tính thêm mỏ than Na Dương – Lạng Sơn) cũng có niềm tự hào về chiến sỹ thi đua, người thợ máy xúc Lê Văn Dòn(bộ đội miền Nam tập kết) của mỏ Khánh Hoà. Chiến sỹ thi đua lái máy xúc Hoàng Cao Chung (dân tộc Tày) ở mỏ than Na Dương được thay mặt tập thể công nhân cán bộ vùng Việt Bắc vinh dự tham gia đoàn đại biểu công nhân cán bộ ngành Than đi gặp Bác Hồ tháng 11 năm 1968 tại Hà Nội. Được Bác hỏi thăm về tình hình sản xuất của các mỏ và được Bác dặn dò cùng các đồng chí chiến sỹ thi đua khác "Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân, cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng. Phải đoàn kết nhất trí làm chủ xí nghiệp.Vượt mọi khó khăn nhằm vào một mục tiêu chung là sản xuất nhiều than cho Tổ quốc ".
Có nhiều bạn đọc và công nhân có đặt câu hỏi: “Tại sao lại có tên là mỏ than Khánh Hòa?”.Đó là vào thời gian này của năm 1967, trong khí thế sục sôi chống Mỹ của quân và dân cả nước, Mỏ than Quán Triều - Thái Nguyên được vinh dự đổi tên là Mỏ than Khánh Hoà (tên của tỉnh Khánh Hoà thuộc miền Nam kết nghĩa với tỉnh Bắc Thái), thể hiện tình cảm, tấm lòng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung, cán bộ  công nhân Mỏ than Quán Triều nói riêng với tỉnh kết nghĩa Khánh Hoà, với miền Nam ruột thịt.
Với yêu cầu của sản xuất và điều hành của Chính phủ, các mỏ than Phấn Mễ, Làng Cẩm thuộc Công ty than Việt Bắc( sau này là Công ty than III) đã chuyển đổi sang trực thuộc Công ty Gang thép Thái Nguyên trong những năm 1980 và 1991.
Do có nhiều thành tích xuất sắc trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, năm 2005 Công ty than Khánh Hoà rất vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Cũng trong năm 2005, Công ty than Na Dương cũng vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” về thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc Tổ quốc năm 1979.
Công ty Than Na Dương là Công ty con trực thuộc Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc – Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam tiền thân là Mỏ than Na Dương, được thành lập theo Quyết định số 104/BCN /KH4 của Bộ Công nghiệp ngày 10 tháng 01 năm 1959 và chính thức hoạt động từ ngày 21 tháng 3 năm 1959. Suốt chặng đường gần 60 năm, công nhân, cán bộ Công ty than Na Dương đã trải qua biết bao nhiêu gian nan, thử thách, cùng với sự biến cố thăng trầm của lịch sử. Các thế hệ thợ mỏ đã luôn luôn đoàn kết, vững vàng kiên định trong chiến đấu, cần cù sáng tạo trong sản xuất và xây dựng, viết nên những trang sử vẻ vang trên đất mỏ Na Dương với những chiến công xuất sắc trong lao động sản xuất và trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên giới thiêng liêng phía Bắc. Góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và phát triển ngành Than - Khoáng sản Việt Nam.
Công ty than III được thành lập ngày 01 tháng 7 năm 1980, trên cơ sở sáp nhập Mỏ than Bắc Thái (tiền thân là Công ty than Việt Bắc) với Công ty xây lắp I, sau đổi tên thành Công ty than Nội Địa (1992) và từ năm 2011 đã phát triển thành Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc –TKV. Trước đây đã quản lý các mỏ than Khe Bố (Nghệ An) mỏ than Nông Sơn(Quảng Nam), mỏ than Thanh Am(Điện Biên) mỏ than Suối Bàng(Sơn La). Song nhiệm vụ chính vẫn là vùng than Việt Bắc, với truyền thống đoàn kết một lòng của các thế hệ cán bộ công nhân kể từ khi thành lập, đã trải qua bao nhiêu khó khăn trong các giai đoạn lịch sử phát triển, luôn luôn kiên định lập trường, gắn bó với đất mỏ vượt qua mọi thử thách để xây dựng, sản xuất... và vững bước đi lên.
 Với bề dầy truyền thống gần 70 năm qua, với kiến thức kinh nghiệm quản lý, với ý chí, bản lĩnh và sự đồng lòng của tập thể  công nhân cán bộ mà điểm xuất phát từ Xí nghiệp Than Lam Sơn- Quán Triều đến Công ty than Khánh Hoà, những lớp công nhân ở đây coi mảnh đất thân yêu này như “cái nôi” đầu tiên của thợ mỏ Việt Bắc ra đời trong kháng chiến chống Pháp, luôn tự hào với chặng đường đã qua tiếp tục nhìn về bước đường sắp tới với niềm hy vọng chắc chắn sẽ có những bước đi nhanh hơn, mạnh hơn để xứng đáng với truyền thống vẻ vang của gần một thế kỷ mà cha anh  đã  tạo dựng.
Cùng với tiến trình phát triển của nền công nghiệp Than trong cả nước tiến lên “Hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước” Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc –TKV được kế thừa truyền thống lịch sử cách mạng của vùng than Việt Bắc năm xưa đã luôn luôn phát huy truyền thống đoàn kết, giữ vững và ổn định sản xuất để phát triển. Mối đoàn kết công nông liên minh được xây dựng vững chắc dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng với trí tuệ và công sức của các thế hệ thợ mỏ vùng than đã gắn bó với các địa phương như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam và Hà Nội... qua các thời kỳ sẽ là những viên gạch hồng xây dựng vùng than Việt Bắc mảnh đất anh hùng trong kháng chiến trở thành giầu mạnh trong hòa bình. Với gần 40 năm (1980-2016) Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc- TKV đã không ngừng phát triển, trở thành đơn vị đầu tiên trong ngành Than mở đầu phong trào “Phát triển và kinh doanh đa ngành trên nền sản xuất Than”. Những năm gần đây cùng với sản lượng than khai thác sản lượng trên dưới 2 triệu tấn/ năm (theo nhu cầu tiêu thụ) và khoảng 2 triệu tấn xi măng/ năm cộng với sản xuất cơ khí, vật liệu xây dựng... đạt doanh thu tương đương trên dưới 10.000 tỷ đồng/ năm, Tổng công ty đã từng bước khẳng định mình và luôn nằm trong tốp trung bình của 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây. Những thành tích xuất sắc trong sản xuất và phát triển Tổng Công ty đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “ Đơn vị Anh hùng Lao động, thời kỳ đổi mới” năm 2005. Huân chương Độc lập hạng Ba 2008, Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2015 và nhiều Huân chương cao quý khác..
Hướng về ngày kỷ niệm Truyền thống 80 năm vẻ vang của ngành Than, những công nhân, cán bộ vùng Than Việt Bắc luôn tự hào được góp sức chung tay trong ngôi nhà Than – Khoáng sản Việt Nam. Cùng nhau phấn đấu vì mục tiêu “ Sản xuất nhiều Than cho Tổ quốc” đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của cả nước và cùng cả nước tiến lên giầu mạnh trong tương lai gần nhất.!
 
                                           Hà Nội, Thái Nguyên tháng 9 năm 2016
Nguyễn Quang Tình
Tác giả bài viết có tham khảo tài liệu do ông Đoàn Văn Kiển và ông Lê Hữu Hà cung cấp