Vụn Art: Biến "rác" thành "vàng"

00:00 12/10/2020

“Một mảnh vải vụn sẽ góp phần tạo nên một bức tranh nghệ thuật nếu được đặt đúng chỗ. Một người khuyết tật cũng có thể đóng góp những phẩm chất tuyệt vời của mình để làm đẹp cho cuộc đời nếu tìm được đúng vị trí của mình” - anh Lê Việt Cường – Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hà Đông (Hà Nội) đã chia sẻ như vậy với chúng tôi về hành trình dệt lên ước mơ cùng Vụn Art.

Khởi nghiệp từ vải vụn

Đến Trung tâm bảo tồn – phát triển lụa Vạn Phúc nằm trong làng nghề Vạn Phúc (Hà Nội), không ít người bị thu hút bởi một “căn phòng” nhỏ, tường bằng kính làm nổi bật những bức tranh dân gian bằng vải sinh động, đầy màu sắc được treo ngay ngắn.

Không gian rộng mười mấy mét vuông đó là nơi những người khuyết tật ngày ngày sáng tạo, tỉ mỉ cắt, dán, ghép lụa vụn tạo thành những sản phẩm độc đáo của HTX Vụn Art – ngôi nhà chung của những mảnh đời không lành lặn.

Đi theo bước chân khập khiễng của anh Lê Việt Cường – Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hà Đông (Hà Nội), chúng tôi vừa tham quan gian trưng bày tranh vừa nghe anh chia sẻ về câu chuyện thành lập nên HTX Vụn Art.

vun art bien rac thanh vang
Anh Lê Việt Cường (bên trái) - Giám đốc HTX Vụn Art tâm niệm, sản phẩm của Vụn Art phải được thị trường đón nhận vì giá trị thực chất, chứ không chỉ ưu ái vì là sản phẩm của người khuyết tật

Trước khi mở Vụn Art, anh Cường đã có thời gian 7 năm làm chủ một doanh nghiệp thú nhồi bông tên Kim Việt cũng dành cho người khuyết tật. Những mảnh vải vụn ở xưởng sản xuất đã mơ hồ gợi lên cho anh một ý tưởng tận dụng nguyên liệu dư thừa. Thêm vào đó, anh nhận thấy nghề thủ công phù hợp hơn với sức khỏe của người khuyết tật. Từ đó, anh quyết định bắt tay vào thực hiện ý tưởng mới về việc ghép tranh.

Bản thân cũng là người khuyết tật nên anh rất đồng cảm với những khó khăn của những người giống mình, nhất là trong câu chuyện tìm việc làm. Thấu hiểu tâm tư của họ khi trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội nếu không có công việc, anh mong muốn làm được điều gì đó để chia sẻ với những người cùng hoàn cảnh, và HTX Vụn Art ra đời. Từ mong muốn đến hiện thực là cả một chặng đường dài mà người khởi xướng Vụn Art vẫn đang tiếp tục nỗ lực thực hiện.

Những ngày đầu, anh Cường đến tận nhà từng người khuyết tật để vận động họ tham gia dự án của mình. Mặc dù HTX chưa có đầu ra, anh vẫn cố gắng đảm bảo chỗ ăn, chỗ nghỉ cho những người ở xa, tạo điều kiện cho họ yên tâm làm việc. Bên cạnh đó, anh tìm đến các họa sĩ chuyên nghiệp để học hỏi kỹ thuật làm tranh, tạo hình mỹ thuật… , về hướng dẫn lại cho các thành viên HTX. May mắn là Vụn Art nhận được sự hỗ trợ chuyên môn của họa sĩ Đặng Thị Khuê. Bà là người cùng anh Lê Việt Cường đặt những viên gạch đầu tiên cho Vụn Art. Bà là người cố vấn về văn hóa, nghệ thuật, trực tiếp đào tạo các học viên. Dần dần, những bức tranh vải ghép đầu tiên cũng hoàn thiện…

"Dạy nghề cho người bình thường đã khó, với người khuyết tật còn khó hơn gấp bội, nhất là khi họ còn chưa hiểu về kỹ thuật ghép, về màu sắc, bố cục tranh..." - anh Cường nhớ lại những ngày đầu gian nan.

Khó nhưng không nản, anh Cường cùng các thành viên của Vụn Art lại tìm tòi, chia từng công đoạn làm tranh để dạy cho từng người một. Từng công đoạn như tạo mẫu tranh, làm bìa, vẽ mẫu, ép vải, tạo hình, cắt dán được chia ra cụ thể để hướng dẫn cho từng người tùy theo năng lực và nhận thức của họ. Những mảnh vải lụa vụn vô tri vô giác, tưởng như không còn giá trị sử dụng, dưới bàn tay khéo léo, cần cù, sáng tạo của những người thợ lại tạo nên những bức tranh độc đáo, đầy màu sắc và mang đậm tính nghệ thuật.

Chính bởi tận dụng vải vụn nên mỗi bức tranh lại có một màu sắc khác nhau. Những miếng vải bình thường bỏ đi khi ghép vào tranh lại có hồn, mang đậm hồn quê nét Việt, không cái nào giống cái nào, tạo sự bất ngờ cho chính người làm tranh.

Mặc dù vậy, đầu ra sản phẩm vẫn là bài toán khó nhất đối với Vụn Art. Giai đoạn đầu, thị trường tiêu thụ các sản phẩm của Vụn Art chỉ gói gọn trong phạm vi làng lụa Vạn Phúc. Anh Cường đã phải mang tranh đi "chào hàng" trực tiếp ở nhiều cơ sở kinh doanh, nhà sách... quảng bá gắn với hoạt động du lịch của làng nghề. Dần dần, những sản phẩm này mới được biết đến nhiều hơn, những người làm bắt đầu có thu nhập ổn định hơn.

Bà Hoàng Thị Hậu (Đa Sỹ, quận Hà Đông) là một trong những người tham gia Vụn Art từ ngày đầu tiên. Bà bị khuyết tật vận động, đi lại còn khó khăn, huống chi là tìm được công việc phù hợp để kiếm sống. Bà Hậu chia sẻ, từ khi tham gia Vụn Art, bà vừa có thêm thu nhập, lại có thêm nhiều niềm vui sống, xoá bớt mặc cảm về bản thân. Tranh ghép vải đã giúp bà cũng nhiều anh chị em khuyết tật của quận có việc làm ổn định, hòa nhập với xã hội. "Ở đây lương chưa cao nhưng cũng là nguồn thu nhập ổn với một người khuyết tật. Thu nhập nhiều hay ít tùy theo năng lực và nhận thức của từng người. Trung bình một tháng tôi làm được 1 - 1,5 triệu đồng".

Kể từ khi thành lập, Vụn Art đã giúp rất nhiều người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, hướng dẫn và tạo việc làm cho nhiều trường hợp khuyết tật vận động, khiếm thính, tự kỷ… hòa nhập cộng đồng.

Đi xa không chỉ bằng tình thương

“Tên Vụn không chỉ có ý nghĩa là những mảnh vải vụn tạo thành bức tranh, mà người khuyết tật như chúng tôi cũng như những mảnh ghép, khi ghép lại sẽ trở thành một mảng lớn bền vững, có ý nghĩa với xã hội” – anh Lê Việt Cường chia sẻ về cái tên HTX mà anh đặt.

vun art bien rac thanh vang
vun art bien rac thanh vang
Những mảnh vải vụn tưởng như bỏ đi, khi ghép lại tạo nên những bức tranh sinh động mang đậm hồn quê nét Việt

Điều mà anh Cường luôn trăn trở là làm sao để tạo ra giá trị thực chất cho sản phẩm của Vụn Art, nâng cao tính cạnh tranh. Anh tâm niệm, sản phẩm phải được thị trường đón nhận vì hàm lượng nghệ thuật, hàm lượng văn hóa trong nó chứ không muốn cộng đồng ủng hộ vì đây là sản phẩm của người khuyết tật, có như vậy họ mới đi xa được. Chính vì vậy, những người làm việc tại Vụn Art không ngừng sáng tạo, tìm tòi để nâng cao giá trị từng sản phẩm.

Những bức tranh thủ công ghép nên từ lụa truyền thống, mang sắc màu văn hóa Việt Nam,đang trở thành một trong những sản phẩm lưu niệm độc đáo của làng lụa Vạn Phúc, nhận được sự yêu thích của rất nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài.

Song song với dòng tranh nghệ thuật dân gian, thời gian gần đây, Vụn Art sáng tạo thêm những sản phẩm mới mang tính ứng dụng đời sống như làm túi vải, bộ trò chơi tranh ghép, bưu thiếp vải… để đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, Vụn Art còn hoạt động với mô hình không gian sáng tạo, phát triển tour trải nghiệm văn hóa, thu hút học sinh, các bạn trẻ và khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu và thực hành làm tranh vải ghép. Những khách du lịch đến đây, nhất là du khách quốc tế tỏ ra rất hứng thú với sản phẩm và phương thức sản xuất này, họ đánh giá cao một mô hình doanh nghiệp xã hội của Vụn Art - giải quyết được vấn đề việc làm cho người khuyết tật trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Việt Nam.

Đến nay, những mảnh vải vụn đang ghép nên từng bức tranh tươi sáng hơn cho 14 mảnh đời kém may mắn. Họ là những người khuyết tật ở nhiều độ tuổi, họ tìm được niềm vui đến từ quá trình lao động tự tay tạo nên những sản phẩm có giá trị. Vậy nên, không chỉ là nơi những mảnh vải vụn được tận dụng để tạo thành tranh nghệ thuật, Vụn Art còn là nơi thắp lên niềm lạc quan sống của biết bao con người.

Những bức tranh quen thuộc của các dòng tranh dân gian Việt Nam như Đông Hồ, Hàng Trống được tái hiện lại bằng vải vụn cũng gửi gắm tâm tư của những con người nơi đây. Nghệ thuật đã trở thành là sợi dân kết nối con người với con người. Cũng thông qua nghệ thuật, Vụn Art đã, đang và sẽ giúp thêm nhiều người hơn nữa viết nên giấc mơ của mình.

Nguyễn Mai - Thu Trang