Vui buồn ở làng “giàu lên như diều gặp gió”: Những vết thương khó lành!

00:00 12/10/2020

Dân trí Những ngày lưu lại mảnh đất Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, điều làm tôi đau xót nhất là vố số đứa trẻ chẳng hề có tội tình gì đang phải gánh chịu những tổn thương do bố mẹ chia ly.

Những mảnh đời đẫm nước mắt

Đã 3 năm trôi qua, ngôi nhà của cụ bà H.T.P. ở thôn Bắc Mới, xã Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh luôn trong cảnh ảm đạm. Có thể cảm nhận được nỗi buồn của cụ bà cận kề tuổi 80 khi ngồi nhìn 3 đứa cháu nội- đứa đầu lớp 8, đứa thứ lớp 5 và đứa út lớp 3- đang nô đùa bên giếng nước cổ. Nhìn các cháu đùa vui trong nỗi đau bố mẹ ly thân, đôi mắt cụ bà nhòe lệ. Thi thoảng nhìn đứa cháu út tên N. tinh nghịch, cụ bà cúi xuống lấy tay gạt nước mắt trên khuôn mặt già nua.

Vui buồn ở làng “giàu lên như diều gặp gió”: Những vết thương khó lành! - 1

Cụ P. buồn bã kể về sự đổ vỡ hạnh phúc của con trai, con dâu, để lại cho cụ 3 đứa cháu nhỏ. 

Trong căn nhà nóng phả hầm hập, câu chuyện về sự tan vỡ hạnh phúc của bố mẹ 3 đứa trẻ buồn đến não lòng. Hơn 9 năm trước, lúc đó mới có 2 con, vì miếng cơm manh áo con trai bà là anh H.V.T đã theo bạn bè trong xã xuất ngoại sang Đài Loan mưu sinh. Ở nhà, chị T. cùng ông bà chăm sóc 2 đứa con nhỏ. Không dư dả gì nhưng đồng tiền con trai kiếm được cũng phần nào giúp vợ con, ông bà sống khá hơn.

Sau nhiều năm lam lũ ở nước ngoài, anh T. trở về quê, hai vợ chồng sinh thêm bé nữa. Đứa con mới tròn 7 tháng tuổi đang còn khát sữa, người mẹ đã quyết định cùng chồng gửi cháu cho ông bà nội rồi theo chồng sang Đài Loan. Chấp nhận chăm sóc 3 cháu thơ dại, ông bà thầm mong vợ chồng anh T. may mắn kiếm được ít tiền sửa sang nhà cửa, tích góp ít vốn để làm ăn sau này.

Nhưng sự đời đã không như ý nguyện của ông bà.

Mấy năm đầu, vợ chồng còn tích cóp gửi về trả nợ, lo cho con cái ăn học. Nhưng khoảng thời gian sau đó, tình cảm vợ chồng bắt đầu có những rạn nứt. 

Trở về quê, người thân cả hai bên cố vun vén để vợ chồng hòa thuận nhưng bất thành. Chị T. tiếp tục quay trở lại xứ Đài, còn anh T. sau đó sang làm thuê ở Singapore.     

“Bố mẹ các cháu ly thân đã 3 năm nay, mỗi người một nơi. Tiền chu cấp cho các con chỉ có bố cháu gửi về, còn mẹ cháu không thấy gửi. Các cháu sống với vợ chồng tôi và sự hỗ trợ phần nào của người bác ruột”- cụ bà rầu lòng kể.

Vui buồn ở làng “giàu lên như diều gặp gió”: Những vết thương khó lành! - 2

Bố mẹ tan vỡ hạnh phúc, những đứa cháu của cụ P. sống cảnh thiếu thốn tình thương.

Nhắc đến các cháu cụ bà nấc nghẹn. Bà bảo ngoài đứa cháu út tinh nghịch, ngây thơ chưa hiểu hết chuyện, 2 cháu lớn luôn sống trong cảnh tủi thân, học hành sa sút.

“Buồn không nói hết chú ạ. Ông bà đã cố hết sức rồi nhưng không thể bù đắp, sản sẻ thiếu thốn tình thương yêu từ bố mẹ các cháu. Không biết rồi các cháu nó sẽ ra sao nữa”- cụ P. nghẹn ngào nói.

Câu chuyện về những đứa trẻ bị tổn thương do bố mẹ chia tay sau làn sóng xuất ngoại ở Cương Gián nhiều không kể hết. Như câu chuyện của vợ chồng anh V. và chị H. (xóm Đại Đồng). Đến với nhau từ bàn tay trắng, sinh được ba người con, vì mưu sinh anh V. sang Hàn Quốc lao động. Thời gian đầu anh V. còn tu chí, lo lắng cho gia đình. Nhưng sau này anh V. lên mạng rồi quen một cô gái cách nhà chừng mấy chục cây số. Cô gái mới quen nhiều lần ra tận nhà bố mẹ anh V. ăn ở lại. Từ tổ ấm gia đình gia đình anh tan vỡ, chị H. một mình đi phụ hồ nuôi mấy con.

“Không thể nói hết nỗi tủi hờn của mấy đứa con khi anh V., chị H. chia tay. Ngồi với các cháu, nhìn các cháu mà thương đứt ruột, các cháu luôn thèm khát tổ ấm gia đình bình yên. Có lần tâm sự với tôi, đứa con trai đầu kể đã nhiều lần cố níu kéo tổ ấm gia đình bằng cách viết thư cho bố khẩn cầu bố nghĩ lại mà không được. Tôi nghĩ các cháu bị tổn thương và sẽ khó quên những giây phút tuổi thơ đầy sóng gió ấy”- người thân của đôi vợ chồng buồn bã kể.

Vết thương của học trò khiến cô giáo nhói lòng

Thống kê sơ bộ của Trường Tiểu học Cương Gián, có đến hơn 20 học sinh có bố mẹ đi xuất khẩu lao động hiện ly thân hoặc ly hôn. Cô Thủy, Hiệu trưởng nhà trường buồn bã nói, hoàn cảnh mỗi em là một câu chuyện buồn đến rớt nước mắt. Các em không có tội tình gì, nhưng tuổi thơ bé đã phải chịu những cú sốc tinh thần, những tổn thương quá lớn.

Vui buồn ở làng “giàu lên như diều gặp gió”: Những vết thương khó lành! - 3

Cô Thủy nói, nhiều em học sinh không có tội tình gì, nhưng tuổi thơ bé đã phải chịu những cú sốc tinh thần, những tổn thương quá lớn.

Kể về tuổi thơ tủi hờn của bé Hoài Anh (tên đã thay đổi), học sinh lớp 5, giọng cô Thủy cứ run run.

Hoài Anh từng đã có một tổ ấm bình yên, được bố mẹ hết sức nâng niu, chăm sóc. Thế rồi bố Hoài Anh xuất ngoại làm ăn. Năm tháng xa cách khiến tình cảm đôi vợ chồng trẻ cứ nhạt dần rồi đổ vỡ. Hoài Anh đã phải chịu những tác động lớn về tinh thần, lực học sa sút, tính cách thay đổi, đôi mắt luôn buồn xa xăm.

“Hoài Anh là học sinh rất xinh xắn, dễ thương vô cùng. Cháu học giỏi, có khả năng chỉ huy tốt... Nhưng từ năm trước, chịu cú sốc lớn về tinh thần khi bố mẹ chia tay, mẹ đi lấy chồng, Hoài Anh đã thay đổi hẳn về tính cách, sa sút học tập...”- cô Thủy kể.

Cô Thủy có lần đã gặp riêng Hoài Anh để tâm sự và bật khóc khi nghe Hoài Anh thổ lộ về những tủi hờn, tổn thương mà em phải gánh chịu khi bố mẹ chia tay.

"Ngồi với tôi cháu cứ khóc suốt, không nín lặng được. Tôi phải động viên mãi cháu mới bình tĩnh trở lại"- cô Thủy kể.

Cô Thủy lo ngại, những vết thương của tuổi thơ sẽ theo suốt, ám ảnh cả quãng đời còn lại của Hoài Anh. 

Từ trường hợp của Hoài Anh và rất nhiều học sinh đang theo học ở nhà trường chịu tổn thương rất lớn do bố mẹ tan vỡ hạnh phúc, cô Thủy nhắn nhủ những ông bố, bà mẹ của các em học sinh đang mưu sinh ở phương xa hãy suy nghĩ thật kỹ, cân nhắc giữa được và mất, vì tương lai của những đứa con ở quê nhà để biết vun vén hạnh phúc, tổ ấm gia đình.

"Tiền bạc, sự giàu sang ai cũng muốn, nhưng có những thứ còn thiêng liêng hơn, không có gì thay thế được. Hạnh phúc của bố mẹ phải là những đứa con được sống trong tổ ấm đong đầy hạnh phúc chứ không phải những con bị chia lìa bố mẹ, anh em, lớn lên với những vết thương hằn sâu trong tâm trí"- cô Thủy nhắn nhủ.

Văn Dũng